Avdiivka thất thủ, có phải chỉ do Ukraine thiếu đạn dược?

Truyền thông Mỹ, Anh mới đây đã đưa ra nhận định về nguyên nhân khiến Ukraine thất thủ ở thị trấn Avdiivka.

 Binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến. Ảnh: Getty

 Binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến. Ảnh: Getty

Với việc hoàn toàn kiểm soát thị trấn Avdiivka (vùng Donetsk), Nga đã có bước tiến đáng chú ý nhất trên chiến trường kể từ khi làm điều tương tự ở thành phố Bakhmut (vùng Donetsk). Theo truyền thông Anh và Mỹ, nói Ukraine thiếu đạn dược dẫn đến Avdiivka thất thủ là đúng nhưng chưa đủ. Còn một số nguyên nhân khác dẫn đến điều này.

Theo hãng tin Sky News (Anh), quân đội Ukraine ở Avdiivka bị quân đội Nga áp đảo đáng kể về số lượng. Một số thông tin cho thấy, số lượng binh sĩ Nga ở tiền tuyến gấp 10 lần so với binh sĩ Ukraine.

"Một trong những hoạt động quan trọng của Nga trong năm 2023 là Moscow đã huy động số lượng lớn tình nguyện viên tham gia nghĩa vụ quân sự", Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), nói. "Trong khi đó, Ukraine phải đối mặt với các vấn đề về huy động lực lượng".

Bên cạnh đó, lực lượng Không quân Nga cũng đóng vai trò ngày càng nổi bật trong giao tranh ở tiền tuyến nói chung và thị trấn Avdiivka nói riêng. Số lượng máy bay không người lái (UAV) và các cuộc không kích của Nga được tăng cường, kết hợp với sức mạnh pháo binh, dồn ép binh sĩ Ukraine ở thị trấn này.

Tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời các binh sĩ Ukraine đóng quân ở Avdiivka cho hay, trước khi thị trấn này thất thủ, Nga đã thay đổi chiến thuật bao vây. Thay vì huy động các đoàn xe vũ trang quy mô lớn, Moscow chia quân thành các nhóm bộ binh nhỏ, đến giao tranh với quân đội Ukraine ở Avdiivka trong phạm vi gần. Điều đó đồng nghĩa, binh sĩ Ukraine phải tốn nhiều đạn hơn để cầm chân quân Nga.

Theo Sky News, các yếu tố trên cộng với tình trạng thiếu đạn dược đã khiến Ukraine phải rút quân khỏi Avdiivka, tạo điều kiện cho các lực lượng Nga kiểm soát hoàn toàn thị trấn này.

Quyết định rút lui khỏi Avdiivka được cho là hợp lý về mặt quân sự, nhưng điều đó không ngăn được ông Zelensky và ông Biden nêu bật tình trạng thiếu vũ khí của Ukraine, cũng như tính chất ngày càng nghiêm trọng của việc Quốc hội Mỹ trì hoãn khoản viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ USD cho Kiev.

Dù mong muốn nhận được sự hỗ trợ tài chính dài hạn từ Mỹ nhưng trước mắt, Ukraine có nhu cầu cấp thiết về vũ khí và đạn dược. EU đã phê duyệt hỗ trợ tài chính liên tục cho Ukraine, nhưng việc chuyển cam kết đó thành đạn dược cho binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến là một thách thức.

Trong 2 năm qua, phần lớn vũ khí cung cấp cho Ukraine có nguồn gốc từ kho vũ khí của các nước phương Tây. Tuy nhiên, các kho vũ khí này đang cạn kiệt và không có sẵn nguồn cung vũ khí trên thị trường.

Kích hoạt cơ sở công nghiệp quốc phòng của từng nước phương Tây để thiết kế, chế tạo và cung cấp vũ khí là một trong những cách duy nhất để đáp ứng các yêu cầu quân sự trong tương lai của Ukraine.

Phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine các vũ khí hiện đại từ kho vũ khí của mình hoặc từ các nhà sản xuất nhưng điều này tiềm ẩn rủi ro khôn lường. Một trong số đó là việc vũ khí hiện đại của phương Tây có thể bị tuồn ra chợ đen, đe dọa an ninh quốc gia.

Vì vậy, cách tốt nhất để hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine là thông qua đầu tư vào các cơ sở công nghiệp quốc phòng quốc tế. Nhưng quá trình đầu tư, phát triển, sản xuất và thử nghiệm đều cần thời gian - thứ mà Ukraine không có.

Theo Sky News, hầu hết các nhà phân tích tin rằng cả Nga và Ukraine đều không có đủ nguồn lực quân sự để sớm tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn trong năm nay. Nhưng nếu phương Tây không giúp giải quyết nhu cầu cấp bách về đạn dược của Ukraine, Nga được cho là sẽ có lợi thế lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Tờ The New York Times phác thảo tình hình hoạt động ở 5 hướng tấn công chính của Nga trên chiến trường Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Sky News, NYT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN