AUKUS và kỳ vọng thay đổi an ninh Biển Đông
Thỏa thuận AUKUS sẽ là một thể chế do Mỹ lãnh đạo đủ khả năng đối trọng Trung Quốc và hỗ trợ các nước trong khu vực.
Ngày 15-9, lãnh đạo ba nước Mỹ - Anh - Úc cùng lúc công bố Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) nhằm mục tiêu củng cố hợp tác an ninh - quân sự và ngoại giao, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD). Một trong những nội dung đáng chú ý của thỏa thuận này là Úc sẽ được Mỹ, Anh chuyển giao công nghệ và hỗ trợ mở rộng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bên cạnh việc cùng nhau đẩy mạnh phát triển các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và bảo mật an ninh mạng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) thuộc ĐH KHXH&NV TP.HCM - TS Nguyễn Thành Trung nhận định sự ra đời thỏa thuận AUKUS sẽ tác động đáng kể lên cục diện an ninh AĐD-TBD nói chung và Biển Đông nói riêng trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) liên tục tăng cường hiện diện quân sự ngoài thực địa.
Một tàu ngầm thuộc biên chế hải quân Hoàng gia Úc neo tại căn cứ hải quân HMAS Stirling thuộc bang Western, Úc. Ảnh: GETTY/BỘ QUỐC PHÒNG ÚC
An ninh khu vực sẽ có bước biến chuyển lớn
. Phóng viên: Điểm qua nội dung chung của thỏa thuận AUKUS có thể thấy Mỹ - Anh - Úc tập trung phần lớn vào việc hợp tác phát triển công nghệ quân sự hoặc các lĩnh vực công nghệ có tính ứng dụng quân sự cao. Liệu điều này có tạo ra được bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong cục diện quân sự khu vực không, thưa ông?
+ TS Nguyễn Thành Trung: Trước mắt, AUKUS sẽ tạo ra một sự biến đổi lớn về cái gọi là cân bằng sức mạnh ở AĐD-TBD. Đây là điều dễ hiểu bởi ba nước tham gia ký kết đều có mức tổng chi tiêu quốc phòng thuộc hàng cao nhất thế giới, trong đó Mỹ bỏ xa toàn bộ quốc gia khác, theo sau là Anh rồi đến Úc. AUKUS đánh dấu sự thiết lập một thể chế đa phương do Mỹ lãnh đạo có sự hợp tác hết sức sâu sắc giữa các thành viên. Việc duy trì số lượng thành viên ít đảm bảo các tương tác diễn ra thực chất, không bị lỏng lẻo.
Bên cạnh đó, khi chúng ta suy xét kỹ vào nội dung của AUKUS thì rõ ràng đây là một thỏa thuận hợp tác về an ninh rất sâu, không chỉ về chuyển giao công nghệ mà cả về chiến tranh trên mạng, trí tuệ nhân tạo và nhiều hoạt động khác nữa. Dù quả thực là hiện tại phần lớn những thứ này chỉ mới nằm ở trên giấy và chúng ta cần phải chờ đợi để thấy được sự hợp tác là như thế nào, song tôi vẫn tin rằng việc cục diện an ninh khu vực thay đổi chỉ còn là vấn đề thời gian.
. Theo ông thì việc Mỹ triển khai và nắm vai trò lãnh đạo nhóm AUKUS có cho thấy điểm mới nào trong chính sách an ninh Biển Đông, AĐD-TBD của chính quyền Tổng thống Joe Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump không?
+ Về cơ bản thì cả ông Trump và ông Biden đều đồng ý xem TQ là đối thủ lớn nhất và là mối đe dọa chiến lược của Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Dù vậy, để giải quyết vấn đề này như thế nào thì hai người lại chọn hai hướng đi rất khác nhau. Ông Trump khi còn đương nhiệm thì có xu hướng đối kháng rõ ràng với TQ, dựa vào sức mạnh của nước Mỹ nhiều hơn chứ không hành động chung với các nước khác. Dĩ nhiên, ông ấy cũng có một số động thái kêu gọi các đồng minh hỗ trợ nhất định nhưng chúng rất hạn chế và không được chính thức như một thỏa thuận kiểu AUKUS lúc này.
Trong khi đó, chính quyền ông Biden trong năm nay đã nhiều lần đánh tiếng sẽ theo đuổi chiến lược ngăn chặn tích hợp ở AĐD-TBD, tức sẽ dựa vào sự hỗ trợ từ mạng lưới đồng minh nhiều hơn. AUKUS là sáng kiến đầu tiên của chiến lược này để chính quyền ông Biden dần dần thiết lập được một mạng lưới nhiều quốc gia cùng đối phó với TQ. So với cách tiếp cận của ông Trump thì tôi đánh giá hướng đi của ông Biden là tốt hơn cả bởi nó sẽ giúp Mỹ tạo được một mạng lưới rộng khắp, tập hợp được các quốc gia có chung chí hướng và quyết tâm mà Mỹ theo đuổi.
Việc ngày càng nhiều nước tham gia vào mạng lưới của Mỹ cũng tạo ra được phản ứng tích cực ở những nước nhỏ và tầm trung vẫn còn do dự, tạo động lực cho họ có những bước đi chủ động hơn. Chúng ta cũng có thể thấy rõ việc này ở Úc; dù họ chỉ mới là một nước trung cường nhưng Úc thấy rõ lợi ích rõ ràng nếu tham gia AUKUS với Mỹ và Anh vì được chuyển giao công nghệ tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc cần dè chừng AUKUS
. Sự xuất hiện của AUKUS có đem lại bất kỳ lợi thế nào cho các nước Đông Nam Á trong nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông với TQ hay không? Một số nước cảnh báo AUKUS có thể kéo theo tình trạng chạy đua vũ trang trong khu vực thời gian tới, ông có cho rằng mối lo này có cơ sở?
+ Nhìn chung thì việc thành lập AUKUS là điều hoàn toàn có lợi cho tình hình an ninh khu vực Biển Đông và Đông Nam Á nói chung. TQ sẽ phải hành động cẩn trọng và phải biết tiết chế những hành vi mang tính phiêu lưu của họ ở khu vực bởi vì từ nay họ không chỉ đối đầu với mỗi Mỹ nữa mà còn với Anh và Úc. Cả hai nước này xét về sức mạnh hải quân đều ở mức tương đối mạnh, hoàn toàn đủ khả năng để đối trọng với TQ nếu kết hợp với Mỹ.
Dĩ nhiên, trong thời gian tới, TQ vẫn sẽ khó bỏ việc thực hiện chiến thuật “vùng xám” lâu nay của họ bởi nó vẫn chưa làm leo thang căng thẳng đến mức nghiêm trọng nhưng tôi cho rằng Mỹ và các đồng minh sẽ khắc chế những chiến thuật giống vậy mạnh tay hơn.
Về lợi thế cụ thể mà AUKUS có thể đem tới cho các nước Đông Nam Á thì vẫn khó có thể đoán định được bởi hiện vẫn còn quá sớm để xem Mỹ - Anh - Úc có thể làm gì. Dù vậy, tôi nghĩ rằng sắp tới, những nước này có thể sẽ tổ chức những cuộc tập trận chung, chuyển giao công nghệ hay tăng cường năng lực, năng lực quốc phòng cho các quốc gia trong khu vực.
Về lo ngại xảy ra tình trạng chạy đua vũ trang thì tôi không cho đây là một mối lo ngại quá nghiêm trọng vì thực tế phần lớn các nước Đông Nam Á lúc này không có khả năng chạy đua vũ trang vì thiếu kinh phí, còn những nước đủ tiềm lực tài chính thì họ đã tiến hành từ nhiều năm nay . TQ cũng vậy, nước này cũng đã hiện đại hóa quân đội từ nhiều năm nay chứ không phải chỉ đợi tới khi Mỹ nhảy vào AĐD-TBD mới bắt đầu. Do đó, khó có thể nói AUKUS sẽ gây ra hiện tượng chạy đua vũ trang ráo riết hơn những gì đang diễn ra vào những năm gần đây.
. Xin cám ơn ông.
Trong một tuyên bố ngày 21-9, Ngoại trưởng Philippines - ông Teodoro Locsin Jr. đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận AUKUS và bày tỏ kỳ vọng Mỹ - Anh - Úc sẽ giúp duy trì cán cân quyền lực ở AĐD-TBD, theo tờ South China Morning Post. |
AUKUS không phải là “bình mới rượu cũ” Khi được hỏi tại sao Mỹ tập trung mở rộng, nâng cấp một cơ chế có sẵn ở AĐD-TBD, Biển Đông là nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) mà lại lập riêng AUKUS, TS Nguyễn Thành Trung nhận định thời gian qua vai trò của QUAD đã có phần bị thổi phồng hơi quá. QUAD thực chất chỉ là một diễn đàn để những nước tham gia nêu ra các quan ngại của họ về một vấn đề an ninh nào đó, ngoài ra không còn gì thêm nữa. Nó không phải là một dạng thỏa thuận an ninh như AUKUS nên tính liên kết giữa các thành viên không cao. Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp Mỹ muốn nâng cấp QUAD lên thành một liên minh quân sự chính thức thì nhiều khả năng cũng sẽ vấp phải phản đối từ chính thành viên bên trong, ở đây là Ấn Độ. Nước này từ lâu luôn duy trì một chính sách ngoại giao trung lập, họ giữ quan hệ với cả Mỹ lẫn Nga nên chắc chắn sẽ không bao giờ đồng ý tham gia một liên minh cố định nào đó với Mỹ. Một liên minh QUAD nếu được thành lập sẽ không có chỗ cho Ấn Độ. Sắp tới vào ngày 24-9, lãnh đạo các nước QUAD sẽ tham gia phiên thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ở Nhà Trắng. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khi thông tin về sự kiện này đã khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh sẽ thảo luận về các biện pháp siết chặt quan hệ hợp tác giữa các thành viên trong nhóm và thúc đẩy chương trình hành động nhằm giải quyết các thách thức chung. “Tôi cho rằng nếu ông Biden thực sự vẫn còn ý định nâng cấp QUAD thì đây sẽ là cơ hội để ông thêm vào nhóm nhiều sáng kiến mới thực chất và thiết thực để giúp “Bộ tứ kim cương” thay đổi bộ mặt hiện nay” - ông Trung chia sẻ. |
Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) cho thấy phương Tây tăng cường bảo vệ quyền lợi ở Ấn Độ Dương...
Nguồn: [Link nguồn]