AstraZeneca đề xuất Mỹ cấp phép cho thuốc điều trị COVID-19
AstraZeneca đã đề nghị chính quyền Mỹ cấp phép khẩn cấp đối với thuốc điều trị COVID-19 cho những người phản ứng kém với vaccine do suy giảm hệ thống miễn dịch.
Trong tuyên bố mới vào hôm 5/10 (theo giờ địa phương), Công ty dược phẩm và công nghệ sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển AstraZeneca cho biết họ đã gửi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) một tập dữ liệu thu được từ thử nghiệm giai đoạn cuối của loại thuốc điều trị COVID-19 mới.
Theo đó, thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy loại thuốc này có công dụng làm giảm 77% nguy cơ trở nặng ở bệnh nhân COVID-19.
Cụ thể, AstraZeneca cho biết, liệu pháp kháng thể mang tê AZD7442 có khả năng bảo vệ những người không có phản ứng miễn dịch đủ mạnh sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc có thể bổ sung sau khi tiêm chủng cho nhóm đối tượng cần tăng cường khả năng miễn dịch, ví dụ như các quân nhân.
AstraZeneca đang dẫn đầu cuộc đua phát triển thuốc điều trị COVID-19. Ảnh: Reuters
Trong khi vaccine dựa vào hệ thống miễn dịch nguyên vẹn để phát triển các kháng thể mục tiêu và các tế bào chống nguy cơ nhiễm bệnh thì thuốc AZD7442 chứa các kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, có thể tồn tại trong cơ thể hàng tháng để ngăn chặn virus trong trường hợp bị lây nhiễm.
Được biết, giấy phép từ Mỹ đối với thuốc AZD7442 có thể là một thắng lợi lớn của AstraZeneca trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm này vẫn chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ. Hiện nay, công ty dược phẩm cho biết họ đang tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến các thỏa thuận cung cấp thuốc AZD7442 với Mỹ và nhiều chính phủ khác.
Liệu pháp điều trị COVID-19 này dựa trên cùng một lớp kháng thể đơn dòng đang được phát triển bởi các công ty dược phẩm khác bao gồm Regeneron, Eli Lilly và GlaxoSmithKline. Tuy nhiên, Reuters nhận định hồ sơ của AstraZeneca đã củng cố vị trí dẫn đầu của thuốc AZD7442 trong cuộc đua phát triển thuốc điều trị COVID-19.
Ít nhất 5 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đang thương thảo để mua thuốc uống chữa COVID-19 của tập đoàn Merck.
Nguồn: [Link nguồn]