ASEAN - Mỹ hợp tác đảm bảo an ninh Biển Đông
Các nhà Lãnh đạo ASEAN và Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ cùng khẳng định phối hợp chặt chẽ nhằm đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Biển Đông là không gian sinh tồn của các nước ASEAN
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần thứ hai diễn ra trong 2 ngày 12 và 13-5 tại Thủ đô Washington D.C của Mỹ được quan tâm sâu sắc bởi những gì mà các nhà lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ nước ta Phạm Minh Chính, cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden bàn thảo và quyết định tại hội nghị không chỉ vạch ra những đường hướng lớn, lâu dài mà cả những lĩnh vực hợp tác cụ thể, thiết thực giữa hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Mỹ hợp tác với ASEAN đảm bảo an ninh tự do hàng hải ở Biển Đông
Một trong những nội dung được các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Mỹ thảo luận tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ lần thứ hai là hợp tác bảo đảm an ninh ở Biển Đông. Điều này cũng dễ hiểu bởi vị trí chiến lược trọng yếu của Biển Đông, là tuyến vận tải biển huyết mạch với các quốc gia thành viên ASEAN và Mỹ cũng như thế giới. Song an ninh, tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông lại đang bị tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đe dọa ngày càng nghiêm trọng.
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới với mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại qua lại Biển Đông, bao gồm 200 tàu chở dầu, 50% số tàu này có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% từ 30.000 tấn trở lên.
Các tuyến đường biển nói trên là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Á, một khu vực kinh tế năng động và quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Theo ước tính, lượng hàng hóa vận chuyển qua vùng Biển Đông có giá trị thương mại khoảng 5,5 nghìn tỷ USD mỗi năm, trong đó mặt hàng nhiên liệu thiết yếu chiếm một tỷ trọng lớn.
Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng tự nhiên được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển qua Biển Đông. Lượng xuất khẩu hàng hóa qua Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, các quốc gia công nghiệp mới là 26%, Australia là 40%.
Trong khi đó, nếu khủng hoảng, mất an ninh xảy ra ở Biển Đông, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải sẽ tăng gấp 5 lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Vì thế, nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… và đương nhiên là cả các quốc gia Đông Nam Á nằm quanh vùng biển này. Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực, bao gồm các thành viên ASEAN, cũng như các cường quốc toàn cầu như Mỹ về địa - chiến lược, không gian sinh tồn (phát triển và an ninh quốc phòng), giao thông hàng hải và kinh tế.
Hợp tác ASEAN-Mỹ ứng phó với thách thức an ninh chung
Với vai trò chiến lược vô cùng quan trọng với khu vực và thế giới, các quốc gia khu vực cũng như cường quốc có lợi ích gắn bó khăng khít không thể không lo lắng khi Trung Quốc, cùng với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ về sức mạnh kinh tế và quân sự, đang ngày càng tỏ ra ráo riết, hung hăng hơn trong việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Với yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò chín đoạn” hay “đường chín đoạn”) và thuyết “Tứ sa”, Trung Quốc đã công khai đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông.
Yêu sách đòi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông rộng khoảng 3,5 triệu km2 của Trung Quốc đã bị Tòa thường trực quốc tế (PCA) bác bỏ trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Bất chấp điều đó, Trung Quốc thời gian qua đã không hề giấu giếm toan tính dùng sức mạnh quân sự áp đảo của mình để hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông, thể hiện qua việc tiến hành quân sự hóa, dùng sức mạnh bắt nạt các quốc gia có tranh chấp trên vùng biển chiến lược này.
Bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, ứng phó với tham vọng, thách thức an ninh cùng mối đe dọa tự do hàng hải, hàng không xuất phát từ Trung Quốc là mối quan tâm chung của các quốc gia trong khu vực và các nước liên quan nhằm bảo vệ không gian sinh tồn, lợi ích hợp pháp, chiến lược của mình. Bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của từng quốc gia, các nước trong khu vực, trong đó có các thành viên ASEAN, rất coi trọng hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với thách thức an ninh chung, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Là một quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương, Mỹ cũng đã tuyên bố có lợi ích sống còn ở Biển Đông, đồng thời có trách nhiệm duy trì an ninh, tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển này. Cùng với việc triển khai các hoạt động tuần tra nhằm bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Mỹ cũng rất coi trọng hợp tác với các thành viên ASEAN, nhất là các thành viên nằm bên bờ Biển Đông, trong vấn đề này.
Điều đó thêm một lần nữa được khẳng định nhân dịp diễn ra Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ lần thứ hai và các cuộc gặp gỡ song phương vừa diễn ra tại Thủ đô Washington của Mỹ. Trong đó, tại Hội nghị, lãnh đạo ASEAN và Mỹ khẳng định phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Tổng thống Joe Biden đã khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin ở khu vực, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi phát biểu tại Hội nghị đã tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982. Thủ tướng hoan nghênh các đối tác ủng hộ ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Hội nghị đặc biệt Mỹ-ASEAN và gói hỗ trợ 150 triệu USD của Mỹ mang lại cho ASEAN những cơ hội gì? Hãy cùng chuyên gia phân tích.
Nguồn: [Link nguồn]