Armenia tuyên bố sẽ rời khỏi khối quân sự CSTO: Nga lên tiếng
Quan hệ Nga – Armenia ngày càng căng thẳng và kịch bản Armenia rời khỏi CSTO có thể không còn xa.
Thủ tướng Armenia – ông Nikol Pashinyan (ảnh: Reuters)
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13/6, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho biết, Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Armenia để làm rõ quan điểm của nước này về khối CSTO.
“Đối với Armenia, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những người bạn của mình. Chúng tôi cần làm rõ quan điểm của họ. Tất nhiên, trong mọi trường hợp, chúng tôi hy vọng rằng quan hệ đối tác và đồng minh sẽ được duy trì”, ông Peskov nói.
“Mỗi quốc gia đều có ưu tiên riêng. Các ưu tiên của Nga đã được làm rõ và chúng tôi luôn bảo vệ chúng. Các nước đồng minh CSTO cũng chia sẻ những tiên này trong lĩnh vực an ninh tập thể”, ông Peskov nói và nhấn mạnh rằng Armenia “chắc chắn” cũng quan tâm đến vấn đề an ninh.
Phát biểu của ông Peskov được đưa ra sau khi Thủ tướng Armenia – ông Pashinyan – tuyên bố Armenia sẽ rời khỏi CSTO.
“Chúng ta sẽ rời đi. Chúng ta sẽ quyết định khi nào nên rời đi. Đừng lo lắng, chúng ta sẽ không quy trở lại”, ông Pashinyan nói hôm 12/6, trước các nghị sĩ Armenia.
Ông Pashinyan cho biết, Armenia sẽ không bao giờ quay trở lại với tư cách thành viên CSTO đầy đủ và “không còn cách nào khác” ngoài việc rút khỏi khối quân sự do Nga dẫn đầu.
Ngày 15/5/1992, lãnh đạo các nước Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan chính thức ký kết hiệp định thành lập CSTO. Dựa trên nguyên tắc tăng cường hợp tác quân sự - chính trị để phòng thủ chung.
50% tổng ngân sách hoạt động của CSTO đến từ Nga, 5 nước thành viên còn lại mỗi nước chỉ chi trả 10% ngân sách. Quy mô quân đội của toàn khối CSTO là khoảng 1.266.000 binh sĩ, 80% trong số này là quân Nga.
Mối quan hệ giữa Nga và Armenia trở nên căng thẳng kể từ khi Azerbaijan giành lại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh (thân Armenia) hồi tháng 9 năm ngoái bằng vũ lực.
Armenia cho rằng Nga và CSTO đã không làm đủ để bảo vệ đồng minh. Nga bác bỏ quan điểm này, cho rằng thất bại ở Nagorno-Karabakh là do lỗi của Armenia.
Ngày 22/2, Thủ tướng Armenia Pashinyan tuyên bố đình chỉ hiệp ước an ninh tập thể với Nga. Sau đó, Armenia ngày càng có nhiều động thái ngả về phương Tây.
Ngoại trưởng Armenia – ông Ararat Mirzoyan – hôm 9/3 cho biết, Armenia có ý định gia nhập EU.
“Armenia đang thảo luận về nhiều cơ hội mới, trong đó, nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu không có gì là bí mật”, ông Mirzoyan nói.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan xác nhận nước này sẽ rời khỏi khối liên minh quân sự CSTO do Nga dẫn dắt.
Nguồn: [Link nguồn]