Armenia tố bị Azerbaijan chiếm 10 km vuông lãnh thổ
Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn sau hai ngày giao tranh khiến 155 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng, theo một quan chức cấp cao của Armenia vào sáng 15-9.
Phát biểu trên truyền hình, ông Armen Grigoryan, Thư ký Hội đồng An ninh Armenia, đã công bố thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực vài giờ trước đó vào lúc 20 giờ ngày 14-9 (theo giờ địa phương).
Theo hãng tin AP, trước đó, Nga đã làm trung gian hòa giải và kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 13-9 nhưng không thành.
Vài giờ trước thông báo của ông Grigoryan, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết các cuộc pháo kích đã dừng lại nhưng không đề cập đến thỏa thuận ngừng bắn.
Hiện tại, chính phủ Azerbaijan chưa đưa ra bình luận. Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra sau hai ngày giao tranh ác liệt, đánh dấu cuộc đụng độ biên giới tồi tệ nhất giữa hai nước trong vòng 2 năm nay.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết gần đây Azerbaijan lại chiếm thêm 10 km2 lãnh thổ. Ảnh: TASS
Trong cuộc họp với Quốc hội ngày 14-9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan báo cáo rằng láng giềng đã chiếm giữ 40 km2 lãnh thổ từ tháng 5 và gần đây lại thêm 10 km2. Ông Pashinyan cho biết 105 binh sĩ của Armenia thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra vào đầu ngày 13-9, trong khi Azerbaijan nói rằng họ mất 50 binh sĩ.
Thủ tướng Armenia đã yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự theo một hiệp ước hữu nghị giữa các nước và cũng yêu cầu sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). "Chúng tôi không coi can thiệp quân sự là khả năng duy nhất, vì còn có các lựa chọn chính trị và ngoại giao" – ông Pashinyan nhấn mạnh.
Ông nói với các nhà lập pháp rằng Armenia sẵn sàng công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan trong một hiệp ước hòa bình trong tương lai, miễn là nước này từ bỏ quyền kiểm soát các khu vực ở Armenia mà lực lượng của họ chiếm giữ.
Tuy nhiên, một số người thuộc phe đối lập coi tuyên bố này là dấu hiệu cho thấy ông Pashinyan sẵn sàng tuân theo các yêu cầu của Azerbaijan và công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh.
Ngày 13-9, Bộ Quốc phòng Armenia công bố đoạn video cho thấy binh sĩ Azerbaijan băng qua biên giới Armenia - Azerbaijan và tiếp cận các vị trí của Armenia. Ảnh: AP
Cuối ngày 14-9, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô của Armenia, cáo buộc Thủ tướng Pashinyan phản bội đất nước khi cố gắng xoa dịu Azerbaijan. Người biểu tình yêu cầu ông từ chức.
Ông Pashinyan tức giận, phủ nhận cáo buộc rằng ông đã ký một thỏa thuận chấp nhận các yêu cầu của Azerbaijan. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Armenia xem các cuộc biểu tình thủ đô Yerevan như hoạt động chống phá nhà nước.
Trước cuộc biểu tình ở Yerevan, ông Arayik Harutyunyan, lãnh đạo vùng Nagorno-Karabakh, nói rằng khu vực này sẽ không đồng ý gia nhập Azerbaijan và sẽ duy trì tính độc lập.
Armenia và Azerbaijan đổ lỗi lẫn nhau cho vụ bùng phát bạo lực mới nhất. Các nhà chức trách Armenia cáo buộc Baku gây hấn vô cớ, trong khi quan chức Azerbaijan nói rằng họ chỉ đáp trả các cuộc pháo kích của Armenia.
Một số nhà quan sát coi việc bùng phát giao tranh là nỗ lực của Azerbaijan nhằm buộc chính quyền Armenia thực hiện nhanh hơn một số điều khoản của thỏa thuận hòa bình năm 2020, chẳng hạn như việc mở các hành lang vận tải qua lãnh thổ của mình. Ông Sergei Markedonov, chuyên gia Nga về khu vực Nam Kavkaz, nhận định: "Azerbaijan có tiềm lực quân sự lớn hơn. Vì vậy, nước này sử dụng vũ lực để thúc đẩy các quyết định ngoại giao mà họ mong muốn".
Hai nước mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về vấn đề vùng Nagorno-Karabakh, một phần của Azerbaijan nhưng hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng do Armenia hậu thuẫn kể từ năm 1994.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước căng thẳng bùng phát ở biên giới Armenia – Azerbaijan, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã không thể ngồi yên.