Armenia sẽ nhận vũ khí từ cường quốc thuộc NATO
Thông tin được Ngoại trưởng của quốc gia thuộc NATO đưa ra khi tới thăm Armenia.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna. Ảnh: AP
Theo đài RT, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày 3/10 cho biết, Paris sẽ chuyển giao một số vũ khí, thiết bị quân sự cho Armenia.
"Pháp đã đồng ý ký các hợp đồng trong tương lai với Armenia, cho phép cung cấp các thiết bị quân sự tới đây để họ có thể đảm bảo khả năng phòng thủ", France24 dẫn lời bà Colonna.
"Tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết hơn", Ngoại trưởng Pháp nói thêm. "Tôi chỉ có thể tiết lộ thêm rằng có những điều đã được thống nhất giữa Pháp và Armenia. Và mọi chuyện đang diễn ra".
Pháp cũng sẽ tiếp nhận 4 người Armenia bị thương trong vụ nổ kho nhiên liệu tuần trước ở khu vực Nagorno-Karabakh, bà Colonna cho biết sau khi tới thăm bệnh viện Yerevan, nơi điều trị cho khoảng 300 nạn nhân bị thương trong vụ nổ khiến 170 người thiệt mạng.
Chuyến thăm của bà Colonna diễn ra 2 tuần sau khi Azerbaijan tái thiết lập kiểm soát ở khu vực Nagorno-Karabakh trong "chiến dịch chống khủng bố" chớp nhoáng, được phát động ngày 19/9 và kéo dài 24 giờ.
Chính quyền phe ly khai ở Nagorno-Karabakh, nơi chủ yếu là người thiểu số Armenia sinh sống, chính thức giải thể vào ngày 28/9 như một phần của thỏa thuận ngừng bắn mới. Theo RT, khi phe ly khai ở khu vực Nagorno-Karabakh đầu hàng, hơn 100.000 dân thường Armenia, chiếm gần 90% dân số khu vực này, đã bỏ chạy về phía đông (của Nagorno-Karabakh).
Armenia là đồng minh quân sự và đối tác chủ chốt của Nga, nhưng nước này ngày càng nghiêng về phương Tây.
Chính quyền Yerevan những năm gần đây thường chỉ trích Nga thiếu hỗ trợ Armenia khiến nước này thất thế trong chiến sự năm 2020 với Azerbaijan, đồng thời cáo buộc Moscow thực thi kém hiệu quả lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện cho Azerbaijan ngày càng cô lập chính quyền ly khai ở Nagorno-Karabakh.
Đầu tháng 9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố Armenia mắc "sai lầm chiến lược" khi quá phụ thuộc vào Nga để đảm bảo an ninh.
Giữa tháng 9, Armenia tổ chức tập trận chung với quân đội Mỹ. Dù có quy mô nhỏ, nhưng đây là cuộc tập trận mới nhất trong một loạt hoạt động mà Bộ Ngoại giao Nga mô tả là “các hành động không thân thiện” của đồng minh lâu năm.
Ngày 3/10, quốc hội Armenia phê chuẩn Quy chế Rome, tiến tới gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Động thái này vấp phải chỉ trích của Nga. Phát ngôn viên Điện Kremlin gọi đây là quyết định "sai lầm" của Armenia. Trước đó, Moscow nhiều lần cảnh báo về ý định gia nhập ICC của Armenia có thể dẫn đến "các hậu quả nghiêm trọng".
Nguồn: [Link nguồn]
Cách tiếp cận "thiếu nhất quán" và "thiếu trách nhiệm" của chính phủ Armenia đã dẫn đến tình hình như hiện nay ở vùng Nagorno-Karabakh, Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/9...