Armenia giáng hỏa lực ra sao khiến lực lượng tăng thiết giáp Azerbaijan thiệt hại nặng?
Sáng ngày 27.9, pháo binh, tên lửa và máy bay không người lái Azerbaijan tấn công các vị trí quân sự ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh, đánh dấu cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia láng giềng kình địch, kể từ năm 2016.
Không lâu sau đòn hỏa lực tầm xa, bộ binh và xe tăng Azerbaijan ồ ạt tấn công. Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố “tấn công sở chỉ huy đối phương, đáp trả đòn pháo kích từ Armenia”.
Trong video do Bộ Quốc phòng Armenia công bố, nhiều xe tăng và phương tiện cơ giới Azerbaijan bị phá hủy trong cuộc đụng độ tại vùng Nagorno-Karabakh.
Đội xe tăng Azerbaijan dường như mắc sai lầm khi rơi vào tầm nã pháo của phe Armenia mà không hề hay biết. Kết quả là nhiều xe tăng tập trung gần nhau bị trúng loạt đạn pháo.
Theo hình ảnh trong video, một đơn vị xe tăng Azerbaijan đang tập kết ở tiền tuyến thì xe tăng ngoài cùng bên trái trúng đạn pháo từ Armenia, nhiều mảnh vỡ văng ra xung quanh. Những chiếc còn lại lập tức di chuyển tránh đạn pháo, nhưng vẫn có thêm một xe bị bắn trúng.
Xe tăng trúng đạn pháo không có nghĩa là bị phá hủy. Nhưng có ít nhất một xe tăng Azerbaijan bốc cháy ngùn ngụt như ngọn đuốc. Không rõ tổ lái có kịp thoát ra ngoài hay không.
Ít nhất một xe tăng Azerbaijan trúng đạn, bốc cháy ngùn ngụt như ngọn đuốc.
Hai chiếc khác di chuyển theo đội hình lần lượt phát nổ, tạo ra cột khói đen lớn. Hai chiếc này được xác định trúng phải mìn chống tăng.
Cuối video, một xe bọc thép đi chuyển trong khi bốc cháy rừng rực, còn một xe tăng T-72 bốc cháy dữ dội như ngọn đuốc.
Quân đội Armenia hiện đang sở hữu các tổ hợp pháo tự hành 2S3 Akatsiya và 2S1 Gvozdika, tầm bắn xa từ 15-18,5km.
Ngoài ra, do được Nga hậu thuẫn mạnh mẽ, quân đội Armenia cũng sở hữu các loại vũ khí hủy diệt trên diện rộng, bao gồm pháo phản lực BM-21 Grad, BM-30 Smerch và “hỏa thần” TOS-1A.
Kết thúc giao tranh ngày 27.9, Azerbaijan dù chịu thiệt hại đáng kể, nhưng vẫn chiếm được 7 ngôi làng, nhiều cao điểm chiến lược ở Nagorno-Karabakh.
Vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống.
Năm 1991, vùng Nagorno-Karabakh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý, ly khai khỏi Azerbaijan. Armenia viện cớ hỗ trợ Cộng hòa Artsakh mới thành lập, đem quân can thiệp.
Giao tranh tạm thời chấm dứt năm 1994 với kết quả Azerbaijan mất quyền kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 27/9, giao tranh khốc liệt với sự tham gia của xe tăng, chiến đấu cơ và pháo binh nổ ra giữa Azerbaijan và Armenia liên quan...