Áp trần giá dầu Nga: Trò chơi mạo hiểm
Ngày 2/12, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Australia và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga, nhằm hạn chế nguồn thu nhập từ năng lượng, gây sức ép mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa đối với nền kinh tế Nga, trong khi vẫn để dầu Nga lưu thông trên thị trường quốc tế.
Mức giá trần này có hiệu lực từ ngày 5/12, cùng ngày EU áp đặt tẩy chay đối với hầu hết dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, các biện pháp song hành trên có thể dẫn tới những bất ổn cực kỳ khó lường cho giá dầu thế giới.
Đòn cân não
Ngày 3/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết tất cả chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đề xuất đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Cô lập hoàn toàn dầu lửa của nước Nga khỏi thị trường thế giới là điều bất khả thi.
Từ ngày 5/12, các nước EU không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga. Khối này cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga cùng thời điểm đó. Theo EC, mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga trong thời gian tới cũng sử dụng cùng cơ chế đối với giá dầu thô. Ngoài ra, từ ngày 5/12, các công ty vận tải biển của EU sẽ chỉ được phép chuyên chở dầu thô của Nga, nếu mặt hàng này được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần nói trên.
Việc đưa ra mức giá trần đồng nghĩa với việc các nước tham gia sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần. Phần lớn các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn đều có trụ sở tại các nước G7 nên việc giới hạn giá được cho là sẽ khiến Nga rất khó bán dầu với giá cao hơn mức giá đã định.
Có lẽ, ai cũng dễ dàng đoán được những phản ứng trước quyết định này từ phía Moscow. Ngày 5/12, Điện Kremlin khẳng định việc phương Tây áp giá trần với dầu mỏ của Nga sẽ gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu, song không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động quân sự của nước Nga ở Ukraine. Đồng thời, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ phản ứng trước động thái của G7 và đồng minh.
Hungary được hưởng quyền miễn trừ.
Phó Thủ tướng Nga Alexandr Novak nhấn mạnh Nga sẽ không bán dầu cho các nước áp đặt giá trần, đồng thời đang xây dựng cơ chế cấm áp dụng giá trần với bất kỳ mức nào. Ông khẳng định nước này sẽ chỉ cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu theo cơ chế thị trường ngay cả khi phải cắt giảm khai thác. Đại sứ quán Nga tại Mỹ tuyên bố phương Tây đang cố gắng định hình lại các nguyên tắc cơ bản về hoạt động của thị trường tự do.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác năng lượng với Moscow trên cơ sở tôn trọng, hai bên cùng có lợi. (theo RIA/Sputnik).
Điều thực sự đáng chú ý là đây: Trên tài khoản mạng xã hội cá nhân, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto viết: “Đã đến lúc EU nhận ra rằng điều này và các biện pháp tương tự gây tổn hại nhiều nhất cho nền kinh tế châu Âu... Trong quá trình đàm phán về trần giá dầu, chúng tôi đã đấu tranh rất nhiều vì lợi ích của Hungary và cuối cùng chúng tôi đã thành công: Hungary được miễn trừ khỏi việc áp trần giá dầu”. Đây hiển nhiên là sự chia rẽ ngay trong nội bộ EU về vấn đề này.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển là “không đáng kể”. Theo ông, việc áp đặt giá trần đối với dầu của Nga ở mức này vẫn sẽ làm ngân sách Nga tăng thêm 100 tỷ USD/ năm. Trước đó, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đánh giá: Mức trần đối với dầu của Nga nên là 30 USD/thùng.
Nước Nga tuyên bố sẵn sàng đáp trả.
Tiếng vọng từ OPEC+
Trong một diễn biến song song, ngày 4/12, tại thủ đô Vienna của Áo, bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên (chứ không tăng) sản lượng dầu, sau động thái từ G7.
Trước đó vào tháng 10, OPEC+ đã khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây khác quan ngại với quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới, có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023.
Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters công bố ngày 30/11, OPEC chỉ “bơm” 29,01 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2022, giảm 710.000 thùng/ngày so với tháng 10/2022. Trước đó, vào tháng 9/2022, sản lượng dầu của OPEC đạt 29,81 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Như vậy, không cần phải là một chuyên gia, ai cũng có thể thấy rằng nguồn cung dầu mỏ toàn cầu vẫn đang khá hạn hẹp. Và, nếu từ chối dầu Nga (nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong OPEC+), theo quy luật thị trường, phương Tây hoàn toàn có thể sẽ phải chấp nhận chứng kiến một lần nữa giá dầu nhảy múa. Chưa ai quên, khi giá dầu thế giới “đội trần” lên các mức 90- 100 USD/thùng trong năm nay, OPEC và OPEC+ vẫn tỏ ra “bình thản”, kiên quyết không tăng sản lượng. Đơn giản, mức giá ấy liên quan mật thiết đến lợi ích kinh tế riêng của họ - điều mà cả Mỹ và phương Tây cũng “thúc thủ”, không thể gây sức ép.
OPEC+ nhất định không tăng sản lượng.
Trong phiên giao dịch sáng 5/12, giá dầu tại thị trường châu Á tăng 2%. Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,84 USD (2,2%) lên 87,41 USD/thùng còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD (2%) lên 81,62 USD/thùng. Đến điểm này, một điều ít được nhắc đến có thể trở nên rõ ràng hơn: Chính nước Mỹ, trong vai trò nước xuất khẩu dầu, cũng hưởng lợi không ít.
Chiến lược không rõ ràng
Hãng tin Nga Sputnik dẫn lời ông Laurent Lambert, giáo sư về chính sách năng lượng và ngoại giao tại Viện Sau đại học Doha DIGS: “Biện pháp này được cho là có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga nhưng chúng tôi không biết thị trường dầu mỏ quốc tế sẽ phản ứng thế nào. Đồng minh của Nga là Ấn Độ đã mua rất nhiều dầu của Nga với giá chiết khấu”. Thực tế chứng minh, kể từ tháng 2/2022, Ấn Độ (và cả Trung Quốc) sẵn sàng mua thật nhiều dầu cũng như khí đốt từ Nga, để bán “sang tay” cho phương Tây, với những mức giá cao gấp bội.
Ở một khía cạnh khác, ông Simone Tagliapietra, chuyên gia chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, Bỉ cho biết: Mức trần 60 USD/thùng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Nga. Đơn giản vì mức trên vốn đã khá gần mức giao dịch hiện thời của dầu Nga là quanh 65 USD/thùng.
Dầu Urals của Nga đang được bán với mức chiết khấu đáng kể, so với dầu Brent chuẩn quốc tế. Loại dầu này đã giảm xuống dưới 60 USD/thùng lần đầu tiên sau nhiều tháng trong tuần trước do lo ngại nhu cầu giảm từ Trung Quốc liên quan đến các đợt bùng phát dịch COVID-19.
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington, Mỹ từng nhận định rằng mức trần 30 USD/thùng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính thực thụ cho Nga. Tuy nhiên, những tranh cãi và bất đồng trong nội khối EU vào giai đoạn đàm phán về mức trần giá cho thấy rất ít quốc gia chấp nhận được mức giá trên.
Bà Maria Shagina, một chuyên gia tại Viện Chiến lược Quốc tế ở Berlin, Đức đánh giá tranh cãi về mức giá giới hạn cho thấy sự bất đồng về mục tiêu mỗi nước theo đuổi: Làm tổn hại đến nền tảng tài chính của Nga, hay kiềm chế lạm phát? Ngoài khối EU, quyết định của Mỹ rõ ràng đứng về phía kiểm soát tăng giá khi lạm phát của nước này vẫn khá cao. Song, về tổng thể, mức 60 USD/thùng vẫn tốt hơn là không có sự đồng thuận nào.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại Commerzbank dự báo giá dầu Brent chuẩn quốc tế sẽ tăng trở lại mức 95 USD/thùng, trong những tuần tới. Thậm chí, Viện nghiên cứu Brookings còn bi quan hơn, khi cảnh báo rằng giá dầu còn có thể lên đến quanh mốc 200 USD/thùng, nếu thiếu nguồn cung từ Nga.
Phương Tây kỳ vọng áp giá trần sẽ là đòn mạnh giáng vào nền kinh tế Nga.
Sâu xa hơn, tờ Washington Post (Mỹ) nhận định: Việc áp giá trần phản ánh thực tế phương Tây vẫn cần dầu mỏ của Nga và đang sử dụng mọi phương cách ngoại giao, kinh tế để có được nguồn cung này. Nhưng, một khi các biện pháp áp đặt đơn phương vượt quá giới hạn, Nga sẽ có phản ứng đáp trả, không chỉ trên thị trường năng lượng mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác, kéo theo những hệ lụy khó lường.
Washington Post dẫn lời một số chuyên gia để chỉ ra rằng: Mức giá trần 60 USD/thùng là sự thỏa hiệp nội bộ EU và vì lợi ích của chính các nước thành viên trong liên minh. Phương án 65-70 USD/thùng do G7 đề xuất vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Ba Lan và một số quốc gia Baltic, trong khi phương án 30 USD do Ba Lan yêu cầu bị Hy Lạp cùng một số quốc gia có đội tàu vận tải biển hùng hậu phản đối.
Bước đi này của EU còn được coi là cách “gỡ thể diện” khi vừa có thể thực thi một phần lệnh cấm vận dầu mỏ (vốn nằm trong gói trừng phạt chống lại Nga được thông qua từ hồi tháng 6), vừa giữ lại “việc làm” cho các công ty vận tải biển, bảo hiểm và tài chính của mình.
Vậy nên, vào thời điểm hiện tại, nhận định của ông Laurent Lambert có lẽ là sự khái quát tình hình hợp lý: “Việc đưa ra mức trần giá dầu có thể được Washington coi là một đòn giáng mạnh vào Nga trước các cuộc đàm phán, nhưng chiến lược này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Vì lý do này, họ phải hết sức thận trọng trước một chính sách chưa chứng tỏ được hiệu quả như vậy. Đó là một chiến lược mạo hiểm, với một kết quả khó đoán định”.
Sau khi Mỹ và phương Tây áp đặt quy định áp giá trần dầu thô Nga ở mức 60 USD, giá dầu thế giới đã tăng 3%. Các chuyên gia năng lượng nói rằng, đây chỉ là sự bắt đầu,...
Nguồn: [Link nguồn]