Áp lực và nỗ lực của Trung Quốc khi nới lỏng zero-COVID
Trung Quốc đang chạy đua tăng năng lực y tế và tiêm nhắc lại vaccine để đối phó khả năng số ca nhiễm gia tăng khi nước này nới lỏng chính sách zero-COVID.
Trung Quốc (TQ) đã mạnh tay nới lỏng chính sách phòng chống dịch COVID-19 với kế hoạch gồm 10 điểm ban hành ngày 7-12. Theo Tân Hoa xã, TQ lúc này đã chuyển trọng tâm ứng phó với COVID-19 từ kiểm soát lây nhiễm sang xử lý ca bệnh với mục tiêu ngăn ngừa các ca bệnh nặng.
Tân Hoa xã ngày 19-12 thừa nhận rằng sự gia tăng đột ngột các ca nhiễm mới gần đây đã gây áp lực lớn lên các nguồn lực y tế. TQ đang trong mùa đông và do ảnh hưởng chồng chéo của cúm mùa nên số bệnh nhân mắc các bệnh phổi, tim mạch và mạch máu não trở nên dễ bị tổn thương hơn và cần được chăm sóc y tế nhiều hơn, cũng khiến các cơ sở y tế phải chịu thêm áp lực. Có thể nói áp lực y tế được cảm nhận ở các bệnh viện tất cả các cấp trên TQ.
Người dân Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) mua thuốc tại một trạm khám và điều trị sốt vào ngày 18-12. Ảnh: VCG Khẩn trương lập điểm khám chữa
Trong bối cảnh chiến lược ứng phó với COVID-19 chuyển trọng tâm từ phòng ngừa lây nhiễm sang điều trị ca bệnh, TQ đang đẩy nhanh nỗ lực mở thêm các điểm khám tập trung khám chữa cho các bệnh nhân có triệu chứng sốt, theo Tân Hoa xã.
Tại Bắc Kinh, số điểm khám chữa sốt nhanh chóng tăng từ chỉ 94 trước đây lên 1.263 tính đến ngày 19-12. Tại Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang), các bệnh viện địa phương tăng cường các điểm khám sốt và phòng cấp cứu, lập các phòng khám chữa đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 cần được chăm sóc vì các vấn đề y tế khác. Tại Tây An (tỉnh Thiểm Tây), bệnh nhân mắc COVID-19 và các triệu chứng liên quan có thể được chăm sóc y tế 24 giờ, cả tại chỗ và trực tuyến. Tại Thượng Hải, các bệnh viện sắp xếp hợp lý các quy trình chẩn đoán và điều trị cho trẻ em có triệu chứng COVID-19. Tại Tô Châu (phía đông tỉnh Giang Tô), các buồng xét nghiệm acid nucleic được chuyển thành các trạm điều trị sốt.
Tân Hoa xã dẫn ý kiến một quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia TQ rằng với vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên cho sức khỏe cộng đồng, các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đang đóng vai trò tích cực trong việc giúp các dịch vụ y tế trở nên dễ tiếp cận và thuận tiện hơn. Dự kiến đến tháng 3-2023, khoảng 90% trung tâm y tế cấp thị trấn sẽ được trang bị các điểm khám chữa sốt.
Tăng năng lực điều trị và nhân sự y tế
Bên cạnh lập điểm khám chữa sốt, các địa phương cũng đang tăng cường nỗ lực mở rộng các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) và tăng cường dự trữ nguồn lực y tế cũng như cơ sở điều trị cho các trường hợp COVID-19 nghiêm trọng.
Theo yêu cầu của Ủy ban Y tế quốc gia TQ, các bệnh viện được chỉ định phải được trang bị đủ giường để điều trị tùy theo quy mô dân số địa phương và số giường ICU phải chiếm 10% tổng số giường. Hiện tại, tổng số giường ICU ở TQ đã lên tới 138.100, gần đạt mức 10 giường cho mỗi 100.000 người, dữ liệu mới nhất do Ủy ban Y tế Quốc gia cung cấp vào ngày 9-12.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 16-12, toàn cầu đã ghi nhận 647.972.911 ca nhiễm, trong đó 6.642.832 tử vong.
Theo dự đoán của nhóm chuyên gia Trường Y tế Công cộng thuộc ĐH Phúc Đán dựa trên tỉ lệ tiêm chủng của TQ vào tháng 3-2022 (80% dân số được tiêm đầy đủ), đến đỉnh điểm, TQ dự kiến sẽ ghi nhận hơn 124 triệu ca nhiễm có triệu chứng và 2,7 triệu bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt. Nhu cầu về giường ICU sẽ ở mức 1 triệu giường, gấp hơn 15 lần công suất hiện tại.
Một thách thức nữa là nhân sự cho các ICU. Nhiều bệnh viện đang khẩn trương đào tạo nhân viên y tế và nhân viên điều dưỡng cho ICU. Chẳng hạn tỉnh Hải Nam dự kiến sẽ đào tạo thêm 1.832 bác sĩ chăm sóc đặc biệt và 5.481 y tá làm việc cho đơn vị ICU, bên cạnh 209 bác sĩ và 642 y tá hiện tại.
Một lưu ý, nguồn lực y tế trên khắp TQ được phân bổ không đồng đều, có khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, thời điểm này, các bệnh viện vẫn có thể chịu được tình trạng gia tăng ca nhiễm.
Chạy đua tiêm chủng, ưu tiên bảo vệ người cao tuổi
Bên cạnh củng cố năng lực hệ thống y tế, TQ những ngày này đang rất khẩn trương tăng cường tiêm chủng, tiêm nhắc lại, đặc biệt chú trọng bộ phận người dễ bị tổn thương vì dịch. Người già, với khả năng miễn dịch suy yếu và chủ yếu mắc các bệnh lý nền, một khi nhiễm COVID-19 dễ trở nặng nên phải được ưu tiên bảo vệ.
Theo Tân Hoa xã, hơn 90% dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ. Tỉ lệ tiêm phòng đầy đủ ở người trên 60 tuổi là gần 87%, tuy nhiên ở người trên 80 tuổi chỉ mới 66,4%. Theo tính toán của các chuyên gia y tế, tại TQ, mỗi phần trăm tăng lên trong tỉ lệ tiêm chủng đồng nghĩa với việc có thêm 2 triệu người được bảo vệ khỏi nguy cơ trở nặng hoặc tử vong.
TQ đang đẩy mạnh tiêm chủng cho nhóm dân số 267 triệu người trên 60 tuổi. Cuối tháng 11, TQ đã công bố một kế hoạch làm việc nhằm cải thiện tỉ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi. Đó là việc thiết lập các “làn đường xanh” và các trạm tiêm chủng di động ở nhiều TP, nỗ lực hơn nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe của người cao tuổi và theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của họ. Đầu tuần này, TQ triển khai chiến dịch tiêm liều vaccine COVID-19 nhắc lại thứ hai cho các nhóm dễ bị tổn thương vốn đã được tiêm mũi nhắc lại đầu tiên hơn sáu tháng trước. Tại quận Thạch Cảnh Sơn (Bắc Kinh), từng nhóm 5-6 bác sĩ và nhân viên công tác cộng đồng đến gõ cửa từng nhà để tiêm vaccine cho người lớn tuổi.
Cần tiêm nhắc lại cho người lớn tuổi trước tết Theo nhà dịch tễ học hàng đầu TQ Chung Nam Sơn, tăng cường tiêm chủng cho người cao tuổi là cần thiết vào lúc này khi sắp vào đợt cao điểm du lịch tết Nguyên đán, vì sẽ giúp tăng bảo vệ họ khi con cháu về quê nghỉ lễ. Ông lưu ý “nên đẩy nhanh việc tiêm vaccine nhắc lại, đặc biệt là ở người già và các nhóm người dễ bị tổn thương khác”, vì vaccine cần hai tuần để phát huy miễn dịch. Giới chức y tế TQ đang nỗ lực đẩy lùi nghi ngại của người dân về việc tiêm vaccine COVID-19. Các nhà miễn dịch học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh TQ khẳng định không nhiều người từ 60 tuổi trở lên gặp phản ứng bất lợi khi tiêm vaccine COVID-19. Ở TP Quảng Châu, nhân viên cộng đồng và tình nguyện viên đến từng nhà giải thích giúp người già xua tan quan niệm sai lầm và giải tỏa nỗi sợ tiêm vaccine COVID-19. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 19-12, Trung Quốc báo cáo thêm 2 ca tử vong COVID-19 và 1.918 ca mắc mới trong 24 giờ qua.