Áp lực trừng phạt ngày càng khủng, liệu kinh tế Nga còn có thể trụ được lâu?
Trước xung đột Ukraine, kinh tế Nga được đánh giá là pháo đài kiên cố trước các lệnh trừng phạt, song thực tế chứng minh điều ngược lại - và liệu Nga có thể trụ được thêm bao lâu trước áp lực ngày càng lớn từ phương Tây?
Trên trang The Conversation, trong bối cảnh kinh tế Nga đang phải đương đầu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, chuyên gia Sergei Guriev nói nước này không thể chịu thêm bất kỳ tác động nào nữa. Ông Guriev là Giáo sư Kinh tế tại Sciences Po - Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Pháp).
'Pháo đài kinh tế Nga'
Trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, nền kinh tế Nga dù khá trì trệ nhưng được cho là an toàn trước các cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô.
Trước xung đột, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga được cho là sẽ tăng 3% vào năm 2022 khi nước này phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra.
Kể từ năm 2013, GDP của Nga đã tăng trung bình khoảng 1% mỗi năm. Nợ công thấp, quỹ tài sản quốc gia đáng kể cũng như dự trữ ngoại hối lớn đã đảm bảo sự ổn định về kinh tế của đất nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK
Vì vậy, trước khi xung đột nổ ra, các nhà kinh tế mô tả kinh tế Nga như một “pháo đài” có khả năng chống lại sự trừng phạt. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế của nước này cho rằng thiệt hại nặng nề nhất mà phương Tây có thể gây ra là loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.
Sau khi Mỹ đe dọa cắt Nga khỏi SWIFT vào năm 2014, Moscow bắt đầu phát triển một giải pháp thay thế trong nước - SPFS (Hệ thống chuyển các thông điệp tài chính). Mặc dù không hoàn hảo và chỉ giới hạn ở Nga, nhưng nó đã hoạt động từ năm 2017.
Suy yếu sau trừng phạt
Tuy nhiên, khi xung đột nổ ra, phương Tây đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhiều. Tòa tháp chính của "pháo đài Nga" đã bị tấn công. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga đã đóng băng dự trữ ngoại tệ bao gồm quỹ tài sản quốc gia.
Ngân hàng Trung ương Nga đã thực thi các biện pháp kiểm soát vốn, tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% và đóng cửa thị trường tài chính trong vài tuần. Chính phủ cũng chỉ thị cho các nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn chuyển 80% doanh thu xuất khẩu về nước dưới dạng đồng rúp.
Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: TASS
Mặc dù vậy, lạm phát đã tăng vọt lên 2% mỗi tuần trong ba tuần đầu tiên của chiến sự và 1% mỗi tuần sau đó (1% mỗi tuần tương đương với 68% hàng năm).
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và sự tẩy chay của các công ty phương Tây đối với thị trường Nga đã khiến Nga bị tách rời khỏi nền kinh tế toàn cầu. Mỹ và Canada đã cấm mua dầu của Nga, và nhiều công ty châu Âu cũng có hướng đi riêng.
Đáng nói, Mỹ và châu Âu đã cấm xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Nga. Các doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia lệnh cấm vận. Các công ty khác nhau, từ IKEA, McDonald’s đến Airbus và Boeing đều đã tạm ngừng hoạt động tại Nga.
Hầu hết các ngành công nghiệp của Nga chủ yếu dựa vào công nghệ và linh kiện của phương Tây. Ví dụ, lĩnh vực sản xuất xe hơi của Nga đang phải dừng lại do thiếu các linh kiện nhập khẩu.
Liệu Nga có trụ được lâu?
Đây là lý do tại sao không có gì ngạc nhiên khi các con số dự báo GDP năm 2022 của Nga lao dốc.
Ngày 19-4, Ngân hàng Trung ương dự báo GDP giảm 8%, trong khi dự báo của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu là 10%. Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Washington dự báo mức giảm 15%.
Nếu GDP Nga sụt giảm 10%, điều này sẽ đẩy Nga vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1990.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Mặc dù nền kinh tế Nga có thể điều chỉnh về trạng thái cân bằng mới trong một hoặc hai năm, nhưng nó sẽ không thể sớm phục hồi về mức trước xung đột; Nga sẽ tiếp tục tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển.
Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt sẽ khiến Nga bị cô lập khỏi thị trường vốn toàn cầu và với công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, tình hình hiện tại khiến cơ hội cho các doanh nhân trong nước cũng giảm.
Thứ ba, trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến, Nga đã mất hàng trăm nghìn công nhân lành nghề. Đây là những chuyên gia có trình độ học vấn, chuyên gia CNTT, nhà nghiên cứu, kỹ sư và bác sĩ. Việc Nga mất đi nguồn nhân lực tốt nhất sẽ còn tiếp tục, và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng của nước này.
Cuối cùng, có khả năng phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung. Châu Âu có thể nhắm trụ cột của nền kinh tế Nga - hydrocacbon. Trong những năm gần đây, chỉ riêng dầu khí đã chiếm từ 35 đến 40% thu ngân sách liên bang và chiếm 60% xuất khẩu của Nga.
Nếu lệnh cấm vận dầu khí của châu Âu được đưa ra, Nga sẽ phải đối mặt với những thách thức tài chính lớn - điều này sẽ tiếp tục làm giảm tiềm năng tăng trưởng của nước này. Ngoài ra, nếu phương Tây thống nhất gây áp lực lên Trung Quốc, Nga cũng không thể trông chờ tiền và công nghệ của Trung Quốc có thể thay thế phương Tây.
Theo dự báo của ông Guriev, ngay cả khi các biện pháp kiểm soát vốn và tiền tệ của Ngân hàng Trung ương đang giúp nâng giá đồng rúp và làm chậm lạm phát, các yếu tố nói trên chắc chắn sẽ khiến kinh tế Nga khó có khả năng phục hồi trở lại mức trước tháng 2-2022, và khó bắt kịp các nước láng giềng.
Ngoài ra, nếu cuộc xung đột không sớm kết thúc, việc trả lương cho binh lính, tuyên truyền viên và lính đánh thuê cũng là một gánh nặng lớn đối với Moscow. Theo ông Guriev, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ không đủ tiền để chi trả cho các lực lượng này.
Nguồn: [Link nguồn]
Những người kêu gọi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu của Nga có thể đang bỏ qua một lỗ hổng quan trọng trong chiến lực trừng phạt Moscow: Đó chính là Ấn Độ.