Anh: Xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài tới năm 2023

Thủ tướng Anh cho rằng, xung đột Nga – Ukraine không thể kết thúc nhanh chóng do sự "kháng cự quyết liệt" của lực lượng Ukraine ở miền đông.

Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (ảnh: Aljazeera)

Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (ảnh: Aljazeera)

Hôm 22.4, khi một phóng viên hỏi rằng, liệu xung đột ở Ukraine có thể kéo dài đến năm 2023 hay không, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang trong chuyến thăm Ấn Độ đáp: "Thật đáng buồn vì đó là điều thực sự có thể xảy ra”.

Ông Boris Johnson cũng cho biết, trong một nỗ lực giúp Ukraine nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Donbass, Anh đang cân nhắc việc chuyển cho Ba Lan một số xe tăng của nước này để Warsaw có thể cung cấp xe tăng T-72 cho Ukraine. Nguyên nhân là do binh sĩ Ukraine không quen sử dụng những loại vũ khí kiểu mới của Anh.

Hôm 22.4, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, với các vũ khí nhận được từ phương Tây, lực lượng Ukraine có thể “gây thương vong đáng kể” cho quân đội Nga ở Donbass.

Trong chuyến thăm Ấn Độ, ông Boris Johnson cho biết mình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc thảo luận về tình hình ở Ukraine. Thủ tướng Anh cho biết, London đã đề xuất hàng loạt biện pháp để giúp Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế vào Nga. Anh cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế với Ấn Độ trong thời gian tới.

Ông Boris Johnson trong chuyến thăm tới Kiev hôm 9.4 (ảnh: CNN)

Ông Boris Johnson trong chuyến thăm tới Kiev hôm 9.4 (ảnh: CNN)

Trong cuộc họp, Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của đàm phán hòa bình nhằm giải quyết căng thẳng Nga – Ukraine.

Ông Modi cho rằng, 2 bên cần ra lệnh ngừng bắn ngay lập tức để làm tiền đề cho các cuộc đàm phán.

“Chúng tôi kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và sử dụng đối thoại, ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn ở Ukraine”, ông Modi nói.

Theo CNN, Ấn Độ gần đây đã tăng cường nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga và điều này khiến phương Tây không hài lòng. Ấn Độ cũng từ chối áp đặt lệnh trừng phạt và chỉ trích Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong khi xung đột Nga – Ukraine gây ra nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu, khiến một số nước như Ấn Độ phải đẩy mạnh nhập khẩu, hôm 22.4, đại diện Nga và Ukraine lại xảy ra “khẩu chiến” trong một cuộc họp ở Liên Hợp Quốc.

“Chừng nào Nga còn tiếp tục tấn công Ukraine thì nguy cơ nạn đói vẫn còn rình rập nhiều quốc gia trên toàn cầu”, Natalia Mudrenko – đại diện phái đoàn Ukraine ở Liên Hợp Quốc – phát biểu.

Đáp lại, Dmitry Chumakov – phó Đại sứ Nga ở Liên Hợp Quốc – cho rằng, những lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra nguy cơ mất an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu.

Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì và lúa mạch xuất khẩu trên thế giới.

Ukraine lộ điểm yếu lớn giữa chiến sự ở Donbass?

Sau 2 tháng xung đột ở Ukraine, tình báo Mỹ ước tính lực lượng Nga ở Ukraine vẫn còn 75% sức mạnh chiến đấu. Sau khi chuyển hướng chiến dịch quân sự sang Donbass, quân số Nga...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam - Aljazeera ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN