Ảnh vệ tinh tiết lộ hoạt động bất ngờ của đập thủy điện lớn nhất hành tinh ở TQ?
Căn cứ vào ảnh chụp vệ tinh, một cựu tướng quân đội Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã xả lũ tại đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất hành tinh, 5 ngày trước khi giới chức địa phương thông báo chính thức xả lũ.
Ảnh vệ tinh chụp đập Tam Hiệp hôm 9/7 cho thấy dường như toàn bộ cổng xả lũ của đập Tam Hiệp đều được mở (khoanh tròn đỏ). Ảnh: India Today
Tờ Taiwan News hôm 13/7 đưa tin, dù mùa mưa năm nay bắt đầu từ ngày 29/5 và Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) đã đưa ra cảnh báo mưa lớn trên cả nước trong suốt tháng 6, nhưng mãi tới cuối tháng 6 Trung Quốc mới tuyên bố xả lũ tại đập Tam Hiệp.
Cụ thể, hôm 29/6, Trung Quốc tuyên bố công ty vận hành đập Tam Hiệp đã mở 2 cửa xả lũ vào buổi sáng, đánh dấu lần đầu tiên xả lũ trong năm nay tại đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Vinayak Bhat, cựu tướng quân đội Ấn Độ - chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh với hơn 20 năm kinh nghiệm, hôm 10/7 chia sẻ với tờ India Today một bức ảnh vệ tinh cho thấy nước được xả từ ít nhất 5 cổng xả lớn và 5 cổng xả nhỏ của đập Tam Hiệp vào ngày 24/6 - 5 ngày trước khi Trung Quốc tuyên bố xả lũ ở đập thủy điện lớn nhất hành tinh. Trạm giám sát thủy văn thành phố Trùng Khánh hôm 22/6 đưa ra cảnh báo lũ cấp độ đỏ (cao nhất) lần đầu tiên sau 80 năm trên sông Kỳ Giang.
Với việc Kỳ Giang là một nhánh của sông Dương Tử, nhiều người dự đoán có sự gia tăng lớn về mực nước ở hồ chứa của đập Tam Hiệp trong những ngày sau đó. Tuy nhiên, Vinayak cho rằng, mực nước tại hồ chứa đập Tam Hiệp hôm 24/6 - 2 ngày sau trận lũ lớn ở thượng nguồn, thấp hơn so với bức ảnh chụp ngày 27/10/2017 (thời điểm đó toàn bộ cổng xả đập Tam Hiệp đều đóng).
Ảnh chụp đập Tam Hiệp hôm 24/6/2020. Phần khoanh tròn đỏ cho thấy có hoạt động xả lũ. Ảnh: India Today
Ảnh vệ tinh chụp đập Tam Hiệp năm 2017 cho thấy không có hoạt động xả lũ. Ảnh: India Today
Căn cứ vào mực nước đảo Zhongbao, Vinayak nhận định, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp năm 2017 cao hơn mực nước năm nay khoảng 15 mét. Thời điểm đó, Trung Quốc không xả lũ ở đập Tam Hiệp. Vì vậy, cựu tướng quân đội cho rằng việc xả lũ của Trung Quốc hôm 24/6 (nếu có) là điều không cần thiết.
Trong các ngày 27/6 và 28/6, nhiều video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy thành phố Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) - ở phía dưới đập Tam Hiệp, hứng chịu tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều người nghi ngờ rằng lũ lụt là hệ quả của việc đập Tam hiệp xả lũ để giảm áp lực cho công trình này.
Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh gần nhất cho thấy đập Tam Hiệp dường như đang xả lượng nước nhiều hơn so với những gì được công bố. Ngày 29/6, Bắc Kinh tuyên bố mở 2 cổng xả lũ ở đập Tam Hiệp. Tờ CGTN của Trung Quốc đưa tin, hôm 2/7 đập Tam Hiệp phải xả lũ lần 2, số lượng cổng xả lũ được mở là 3. Theo tờ báo Trung Quốc, lượng nước lũ tại hồ chứa đập Tam Hiệp thời điểm đó là 50.000 m3/s, trong khi dòng nước chảy được kiểm soát với tốc độ trung bình mỗi ngày là 35.000 m3/s, giúp giảm 30% lưu lượng nước chảy trên sông Dương Tử và giảm áp lực kiểm soát lũ ở trung, hạ lưu của con sông dài nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, một bức ảnh vệ tinh chụp hôm 9/7 cho thấy toàn bộ cửa xả lũ của đập Tam Hiệp đã được mở. Đập Tam Hiệp bao gồm 23 cổng xả đáy và 22 cổng bề mặt.
Cựu tướng quân đội Ấn Độ chia sẻ với Taiwan News rằng, toàn bộ cổng xả có thể được mở một phần nhưng có 5 cổng xả lớn là được mở hoàn toàn. Vinayak nhận định thêm, cấu trúc toàn vẹn của đập Tam Hiệp giúp nó chịu được mực nước cao hơn nhiều vì vậy không cần thiết phải xả lũ hôm 24/6.
Nguồn: [Link nguồn]
Giới chức Trung Quốc tuyên bố trận lũ lụt tồi tệ nhất kể từ "đại hồng thủy" năm 1998 trên sông Dương Tử (Trường...