Ảnh vệ tinh hé lộ Ukraine dùng chiến thuật cổ xưa cầm chân quân đội Nga?

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, trận lũ lụt xảy ra ở phía bắc thủ đô Kiev (Ukraine) có thể được tạo ra một cách cố ý nhằm thực hiện “tác chiến thủy lực”.

Ảnh vệ tinh hé lộ Ukraine dùng chiến thuật cổ xưa cầm chân quân đội Nga? - 1

Tình trạng lũ lụt ở khu vực phía bắc Kiev từ ngày 22.2 – 28.2 (ảnh: Planet Labs)

Theo Washington Post, “tác chiến thủy lực” là một chiến thuật có từ thời xa xưa, khi con người sử dụng sức nước để tấn công hoặc làm chậm bước tiến của đối phương.

Tờ báo Mỹ cho biết, từ những ngày đầu tiên khi Nga mở chiến dịch quân sự, quân đội Ukraine ở Kiev đã cho nổ nhiều cây cầu, sử dụng xe bus làm rào chắn, hàn các thanh thép cũ thành “rào nhím” nhằm cản bước xe tăng Nga. Để làm chậm bước tiến của các phương tiện quân sự Nga, quân đội Ukraine còn sử dụng một trong những phương pháp phòng thủ lâu đời nhất thế giới: Nước.

Hình ảnh vệ tinh từ công ty Planet Labs PBC cho thấy, có một vùng đất ngập nước rộng lớn ở phía bắc Kiev. So sánh hình ảnh ngày 22.2 và 28.2, khu vực này ngày càng bị ngập nặng hơn. Planet Labs đã tham khảo ý kiến ​​của các nhà phân tích và tin rằng quân đội Ukraine đã cố ý làm vậy.

“Trong phòng thủ quân sự, bạn có thể tận dụng mọi thứ mình có, từ chiến hào, lô cốt cho tới hàng rào. Nhiều người thường quên mất rằng, những con sông, đầm lầy cũng có thể là tuyến phòng thủ hữu ích”, Marta Kepe – chuyên gia phân tích của Rand Corp – nhận xét.

“Đó có thể là những gì Ukraine đang làm. Họ sử dụng nước để ngăn cản quân đội Nga tiến vào Kiev”, bà Kepe nói về khu vực xảy ra lũ lụt ở phía bắc Kiev.

Theo Planet Labs, khu vực bị ngập lụt nói trên nằm bên bờ sông Dnepr. Đây cũng là nơi đoàn xe quân sự dài hơn 60 km của Nga “án binh bất động” suốt nhiều ngày.

Vùng đất ở Kiev gần sông Dnepr bị ngập nước nghiêm trọng, có thể là do con người cố ý gây ra (ảnh: Planet Labs)

Vùng đất ở Kiev gần sông Dnepr bị ngập nước nghiêm trọng, có thể là do con người cố ý gây ra (ảnh: Planet Labs)

“Ukraine đang nỗ lực phòng thủ trên lãnh thổ của mình. Họ có lợi thế sân nhà. Họ có thể sử dụng kiến thức về địa hình làm lợi thế. Tác chiến thủy thực đòi hỏi kiến thức sâu về địa hình và nguồn nước”, bà Kepe nhận xét.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, từ khoảng năm 1500 – 2000, khoảng 1/3 tổng số trận lũ ở miền tây nam Hà Lan được tạo ra một cách cố ý nhằm phục vụ chiến tranh. Năm 1938, Trung Quốc cũng phá hỏng đê trên sông Hoàng Hà để làm chậm bước tiến của quân đội Nhật Bản,

Theo bà Kepe, “tác chiến thủy lực” có thể được sử dụng trong kế hoạch phòng thủ của mỗi quốc gia, nhưng chỉ nên coi là phương án cuối cùng bởi chiến thuật này có thể gây tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Hàng chục xe tăng Nga giao chiến dữ dội trên đường tiến vào Kiev

Chính quyền Kiev cho biết, cuộc chiến giành quyền kiểm soát thủ đô Ukraine đang diễn ra cam go khi xe tăng của quân đội Nga liên tục khai hỏa ở vùng ngoại ô.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Washington Post ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN