Ảnh vệ tinh hé lộ hoạt động khác thường của tàu ngầm hạt nhân TQ ở eo biển Đài Loan
Một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ngày 29.11 bất ngờ lộ diện ở eo biển Đài Loan, trong một động thái hiếm thấy, có thể nhằm gửi thông điệp tới Mỹ.
Ảnh vệ tinh chụp tàu ngầm hạt nhân Type 094 nổi khi di chuyển qua eo biển Đài Loan.
Chuyên gia tại Viện Hải quân Mỹ, H.I Sutton đăng hình ảnh vệ tinh chụp tàu ngầm Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, được một tàu khác theo sát. Bức ảnh do vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu chụp lại.
“Mặc dù ảnh chụp từ vệ tinh Sentinel-2 có chất lượng thấp, hình ảnh vẫn cho thấy các đặc tính của một tàu ngầm nổi trên mặt nước, với kích thước và hình dạng giống với tàu ngầm hạt nhân Type 094”, Sutton viết, theo SCMP.
Theo chuyên gia Sutton, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc di chuyển từ căn cứ hải quân Yulin trên đảo Hải Nam, qua eo biển Đài Loan và hướng lên phía bắc.
Chuyên gia này nhận định, tàu ngầm Trung Quốc có thể đang quay về nhà máy đóng tàu ở Biển Bột Hải để “sửa chữa và đại tu”.
Các chuyên gia quân sự nhận định, việc một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, nổi lên mặt nước khi di chuyển là điều rất hiếm thấy, đặc biệt với tàu ngầm Type 094 tương đối hiện đại của Trung Quốc.
Tàu ngầm Type 094 được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2, tầm bắn 7.000km, có thể vươn tới phía đông bắc nước Mỹ. Phiên bản tàu ngầm Type-094A mới được Trung Quốc đưa vào biên chế hải quân tháng 4.2021, có thể mang theo tên lửa đạn đạo JL-3, tầm bắn tới 10.000km.
Các tàu ngầm Type 094 trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa, tầm bắn vươn tới Mỹ.
“Các vũ khí tầm xa trang bị trên tàu Type 094 nhằm răn đe Mỹ”, chuyên gia quân sự Antony Wong Tong ở Macau, nói. “Tàu Type 094 nổi khi di chuyển qua eo biển Đài Loan là điều không hề hợp lý, trừ khi quân đội Trung Quốc muốn mọi người thấy”.
Collin Koh, một nhà phân tích an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói tàu ngầm Trung Quốc nổi ở eo biển Đài Loan “có thể nhằm gửi thông điệp răn đe tới Mỹ”. Ông Koh nói quân đội Mỹ có thể đã theo dõi sát sao tàu ngầm này.
Các tàu ngầm hạt nhân có tầm hoạt động không giới hạn, không cần phải nổi lên mặt nước để sạc pin như các tàu ngầm diesel-điện.
Theo các chuyên gia, tàu ngầm hạt nhân thường chỉ nổi trên mặt nước trong trường hợp gặp sự cố và phải trở về nhà máy đóng tàu.
Tháng trước, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ đã đâm phải núi ngầm ở Biển Đông, mất một tuần di chuyển trên mặt nước để quay về căn cứ trên đảo Guam.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh, nhận định: “Tàu ngầm Type 094 có thể muốn đi đường tắt về nhà máy đóng tàu. Địa hình vùng biển này có nhiều nguy hiểm nên tàu ngầm đã nổi trong suốt hành trình”.
Nguồn: [Link nguồn]
Tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga từng gặp sự cố vỡ làm đôi, chìm xuống đáy biển vào ngày 12.8.2000 ở độ sâu 108 mét,...