Ảnh vệ tinh hé lộ cảnh tượng ở sân bay Nga sau cuộc tập kích của Ukraine bằng tên lửa ATACMS
Các bức ảnh vệ tinh mới được công bố cho thấy cảnh tượng ở sân bay quân sự Nga sau lần đầu tiên Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp.
Hư hại ở sân bay Nga sau cuộc tập kích của Ukraine bằng tên lửa ATACMS. Ảnh: Planet Labs.
Theo trang The Drive, cảnh tượng ở sân bay trùng khớp với tuyên bố của Ukraine về việc phá hủy 9 trực thăng Nga. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy hệ thống phòng không hay kho đạn Nga bị phá hủy ở khu vực.
Các bức ảnh do vệ tinh thương mại của công ty Planet Labs chụp hôm 18/10 tại sân bay Berdyansk, khu vực ngoại ô thành phố cùng tên ở vùng Zaporizhzhia. Ukraine tập kích sân bay vào tối ngày 17/10.
Bức ảnh cho thấy 9 vết cháy sém rõ rệt cùng với các mảnh vỡ, dường như là nơi Nga đậu các trực thăng. Ít nhất 3 trực thăng khác vẫn đang đậu ở sân bay mà có vẻ không bị hư hại.
Ảnh vệ tinh cũng cho thấy các hoạt động ở phía đông của đường băng chính, có thể là quân đội Nga dọn dẹp các mảnh vỡ trực thăng bị hư hại và các mảnh vỡ khác.
Ảnh vệ tinh cho thấy có 9 vết cháy sém rõ rệt cùng với các mảnh vỡ, dường như là nơi Nga đậu các trực thăng.
Nga cũng sẽ phải cần rà phá bom mìn ở khu vực sân bay. Bức ảnh do truyền thông Nga đăng tải cho thấy có những quả đạn con chưa phát nổ trên mặt đất. Theo The Drive, điều này có thể cản trở lực lượng Nga sử dụng sân bay Berdyansk trong một khoảng thời gian
Sân bay Berdyansk là nơi Nga đặt các trực thăng tấn công như Ka-52, Mi-24, Mi-28 cũng như các trực thăng vận tải Mi-8/Mi-17.
Ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs không cho thấy dấu hiệu hư hại đối với các hệ thống phòng không Nga hoặc các công trình cỡ lớn, The Drive cho biết.
Một quả đạn con chưa phát nổ được tìm thấy ở sân bay Berdyansk.
Trước đó, Mỹ đã xác nhận cung cấp cho Ukraine 20 tên lửa đạn đạo ATACMS. Phiên bản tên lửa ATACMS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine chứa 950 quả đạn con loại M74. Tầm bắn tối đa của tên lửa là 165km. Quân đội Mỹ mô tả một tên lửa loại này có thể phóng ra đạn con bao phủ phạm vi mục tiêu rộng khoảng 33.000m2.
Một tài liệu của quân đội Mỹ cho biết, mỗi quả đạn con M74 chứa thuốc nổ và vỏ thép. Khi phát nổ, sức công phá của quả đạn tạo ra vô số các mảnh thép, đủ để gây hư hại cho lốp xe tải, đạn tên lửa, xe hơi và radar. Đạn con này không xuyên qua được lớp giáp của xe tăng. Bán kính sát thương của quả đạn đối với bộ binh là 15 mét.
Mỹ cung cấp cho Ukraine 20 tên lửa ATACMS, mỗi tên lửa chứa 950 quả đạn con M74, kích thước tương đương lựu đạn.
Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tập kích sân bay Nga, nơi có các mục tiêu dễ bị tổn thương như trực thăng, máy bay và các hệ thống phòng không, được coi là phù hợp với năng lực của tên lửa.
Ngoài ra, tên lửa ATACMS mà Ukraine sử dụng chỉ có tầm bắn 165km so với các phiên bản hiện đại hơn có tầm bắn hơn 300km, giúp Mỹ đảm bảo rằng Kiev sẽ không sử dụng để tấn công sân bay nằm trong lãnh thổ Nga.
Tầm bắn 165km cũng được coi là đủ để Ukraine tập kích sân bay hoặc các trận địa phòng không Nga ở phía bắc bán đảo Crimea, theo The Drive.
Cuối cùng, tên lửa ATACMS được thiết kế để tự phát nổ ở tầm cao và giải phóng 950 quả đạn con. Điều này có thể khiến Nga gặp khó khăn trong việc tìm cách đánh chặn.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Putin cho rằng, Mỹ “phạm sai lầm lớn” khi gửi tên lửa ATACMS cho Ukraine.