[ẢNH] Từ vai 'á quân' sau Mỹ, Anh đột ngột tăng cường ảnh hưởng trên Biển Đông
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vừa cập cảng Singapore, sau khi tiến hành đợt diễn tập trên Biển Đông. Từ vai trò "á quân" sau Mỹ, Anh trong thời gian gần đây đang chứng tỏ nỗ lực duy trì sự ảnh hưởng và bảo vệ tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế này.
Nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth hôm 9/10 huấn luyện di chuyển trên biển và phối hợp tác chiến đường không với hải quân, không quân Singapore.
Chiến hạm Anh cũng tham gia đợt diễn tập Bersama Gold 2021 trên Biển Đông với lực lượng của Australia, Malaysia, New Zealand và Singapore vào tuần trước.
Nhóm tác chiến Queen Elizabeth bao gồm: tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, hai tàu khu trục hạm HMS Diamond - HMS Defender, hai chiếc hộ vệ hạm HMS Northumberland - HMS Kent, tàu ngầm hạt nhân lớp Astute, hai tàu hậu cần RFA Tideforce - RFA Fort Victoria, khu trục hạm Mỹ USS The Sullivans và hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen.
Trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có 8 tiêm kích F-35B của không quân Anh và 10 chiếc của thủy quân lục chiến Mỹ.
Nhóm tác chiến Queen Elizabeth rời cảng Portsmouth để khởi hành đến châu Á hôm 22/5, với lịch trình thăm 40 quốc gia và tham gia hơn 70 đợt phối hợp trên biển.
"Chúng tôi đề cao tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nước Anh muốn xoay trục về đây, tăng cường vai trò, duy trì hiện diện lâu dài trong khu vực. Triển khai nhóm tác chiến Queen Elizabeth tới khu vực trong chuyến làm nhiệm vụ đầu tiên chính là cách tốt nhất để thể hiện điều đó", chuẩn tướng Steve Moorhouse, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cho biết.
Trước đó, ngày 26/7, nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth đi qua eo biển Singapore, diễn tập cùng ba chiến hạm của hải quân Singapore.
Hồi tháng 4 vừa qua, Hải quân Anh thông báo, nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ, tức là sẵn sàng nhổ neo tiến ra biển làm nhiệm vụ, trong vòng 5 ngày kể từ khi có lệnh.
Ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ cho rằng, việc Anh triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông sẽ là một phần của xu hướng gia tăng ảnh hưởng và đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết: "Nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabet là lực lượng hải quân lớn và mạnh nhất do một nước châu Âu chỉ huy trong gần 20 năm qua".
Trung Quốc đã thể hiện sự dè chừng trước kế hoạch triển khai của hải quân Anh tới Biển Đông.
Trước khi Anh thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay sẵn sàng chiến đấu vào đầu năm 2021, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo London "không nên can thiệp vào khu vực" và cảnh báo "sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết".
Bắc Kinh thường phản đối sự hiện diện của bất cứ lực lượng hải quân quốc tế nào trên Biển Đông. Tuy vậy tàu chiến một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Anh và Pháp lại không để tâm đến điều này, họ tiếp tục duy trì các tuyến tuần tra.
Lý do được các nước này đưa ra rằng, Biển Đông là vùng biển quốc tế và mọi thông thương đều hợp pháp. Bất cứ sự độc chiếm nào cũng sẽ bị lên án.
Nguồn: [Link nguồn]