[ẢNH] Trung Quốc chìm sâu vào khủng hoảng thiếu điện khi 'tự bắn vào chân mình'
Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Australia do mâu thuẫn chính trị bị xem như động thái tự bắn vào chân mình, khiến cuộc khủng hoảng thiếu điện thêm phần trầm trọng.
Thời gian vừa qua đã ghi nhận tình trạng thiếu điện trầm trọng trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí tại một số thành phố lớn đã phải thi hành chính sách cắt điện luân phiên.
Nguyên nhân khách quan được nhiều chuyên gia phân tích cho rằng giá khí đốt và các loại nhiên liệu hóa thạch khác tăng cao đang đẩy nhiều quốc gia vào cuộc khủng hoảng năng lượng.
Vấn đề nói trên rõ ràng cũng gây ảnh hưởng đến Trung Quốc ở một mức độ nào đó, đặc biệt khi đây là quốc gia vẫn sản xuất điện bằng cách đốt một lượng than đá khổng lồ.
Theo báo chí Trung Quốc, dự kiến mức phát thải cao nhất vào khí quyển của nước này sẽ đạt đến vào năm 2030, ngoài ra Bắc Kinh cố gắng sẽ đưa mức ô nhiễm về bằng 0 vào năm 2060.
Mục tiêu này bị đánh giá là bất khả thi, nhất là khi hệ thống sản xuất điện năng của Trung Quốc đang chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung cấp than từ bên ngoài.
Theo OilPrice, Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và than trầm trọng. Khai thác than đã tụt hậu so với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau thời kỳ đại dịch.
Sản lượng điện ở Trung Quốc tăng 616 Terawatt-giờ (tương đương 13%) trong 8 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tăng trưởng lớn nhất tập trung vào khu vực dịch vụ và hàng hóa.
Tuy nhiên phần lớn sự tăng trưởng đến từ các nhà máy nhiệt điện than, những cơ sở nói trên đã tăng lượng phát điện lên 465 TWh (14%) trong 8 tháng đầu năm nay.
Nhưng hệ quả của việc sản lượng điện tăng thêm 14% vào năm 2021 đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ than và đẩy giá thành lên mức có thể không sinh lợi nhuận.
Cần nhắc lại sau cuộc những mâu thuẫn với Australia vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu than từ nước này. Những đối tác khác không thể đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc về nguồn năng lượng với khối lượng cần thiết.
Về vấn đề này, tờ Sydney Morning Herald cho rằng, việc Bắc Kinh đảo ngược lệnh cấm đối với Canberra là không thể tránh khỏi, bởi vì đây là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trầm trọng tại đất nước 1 tỷ dân.
Tuy nhiên cách làm trên có thể xung đột với lòng tự tôn dân tộc của người Trung Quốc, nhất là trong thời gian gần đây mâu thuẫn giữa hai nước chỉ gia tăng chứ không hề suy giảm.
Thông tin về việc liên minh AUKUS bao gồm Australia, cùng với Mỹ và Anh, đang phát triển một hạm đội tàu ngầm hạt nhân (có thể nhằm chống lại Trung Quốc) được dự báo là khó khăn lớn trong việc dỡ bỏ lệnh cấm.
Do vậy hiện tại Trung Quốc đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu không dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Australia thì khủng hoảng thiếu điện thêm trầm trọng, còn cho phép nhập khẩu lại ảnh hưởng nặng nề tới lòng tự tôn.
Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Trung Quốc mạnh dạn đầu tư cho năng lượng tái tạo, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hóa thạch.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc, Anh và châu Âu đang gây ra những tác động đáng kể.
Nguồn: [Link nguồn]