Ảnh: Tảo sinh sôi đột biến, phủ xanh lè bờ biển ở TQ
Hiện tượng tảo xanh phủ kín bờ biển Trung Quốc được nhiều nhà khoa học khẳng định là do bàn tay của con người gây ra.
Những bức ảnh từ bãi biển nổi tiếng Thạch Lão Nhân, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Thay vì mặt biển xanh ngọc, không gợn sóng, bãi biển ngập tràn tảo xanh phủ kín mặt biển.
Sự tấn công diện rộng của tảo xanh đã biến những bãi cát vàng dài tít tắp ở thành phố Thanh Đảo hay Yên Đài chẳng khác gì “ruộng rau xanh” mỗi khi mùa hè tới. Theo báo chí Trung Quốc, ít nhất 11.600 ha mặt biển phủ kín tảo xanh từ đầu mùa hè. Tại Yên Đài, chính quyền dọn được 9.200 tấn tảo xanh nhưng chỉ sau vài tuần tảo lại mọc như cũ.
Những đợt thủy triều xanh biếc giờ cũng biến mất và thay bằng “thủy triều xanh lá”. Tảo nhiều tới nỗi tràn cả lên bờ và khiến bãi cát loang lổ những khoảng xanh. Ngành du lịch ở hai thành phố cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi du khách không còn mặn mà với bãi biển ngập tảo xanh nữa.
Tảo xanh không gây hại cho con người, tuy nhiên với những sinh vật biển đây chẳng khác gì liều thuốc độc. Tảo mọc quá nhanh khiến lượng oxy dưới nước bị hút sạch và cá tôm cũng chết theo.
Nhiều giả thuyết cho rằng hiện tượng xảy ra do biến đổi khí hậu và ô nhiễm công nghiệp khiến tảo mọc không kiểm soát. Các nhà khoa học cho rằng các nông trại trồng tảo biển là nguyên nhân của hiện tượng này.
Nghiên cứu năm 2013 cho thấy tảo xanh có xuất xứ từ các bãi biển ở Giang Tô và bị nước biển cuốn về phía bắc sang thành phố Thanh Đảo. Dựa trên ảnh vệ tinh, các nhà khoa học khẳng định tảo được nuôi trồng ở Giang Tô, sau đó đã theo dòng nước tới Thanh Đảo và Yên Đài.
Pang Shaojun, nhà nghiên cứu ở Viện Đại dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết vùng biển ở Thanh Đảo và Yên Đài có hàm lượng amoniac và nito rất cao. Đây là nguồn cung dinh dưỡng quan trọng cho tảo nở rộ.
Lần đầu tiên hiện tượng này được phát hiện là năm 2008. Khi đó, diện tích biển bị tảo bao phủ là khoảng 30.000 ha. Tới năm 2013, hiện tượng này lại tiếp tục quay trở lại với diện tích tăng gấp đôi lên 75.000 ha.
3 năm trước, hơn 10.000 tình nguyện viên và 1.000 lính đã dọn sạch 20.000 tấn tảo xanh ở Thanh Đảo. Số tảo này được phơi khô làm thức ăn cho động vật, làm phân bón hoặc thuốc chữa bệnh đường huyết.
Trong khi hiện tượng tảo xanh chưa được giải quyết triệt để, nhiều người dân Trung Quốc đã sử dụng loài thực vật này làm “kem chống nắng” tự nhiên khi nô đùa trên bãi biển Thanh Đảo. Trào lưu này có vẻ cũng nở rộ chẳng kém gì tảo xanh.