Anh giải thích quan điểm sau khi bị cáo buộc ‘khấu đầu’ trước Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Anh

Ngày 17/3, chính phủ của Thủ tướng Anh Borris Johnson bảo vệ quan điểm phải tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và thương mại, sau khi vấp phải nhiều chỉ trích đối với tài liệu chiến lược toàn cầu mới.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. (Ảnh: Guardian)

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. (Ảnh: Guardian)

Sau khi Anh công bố chiến lược toàn cầu mới đã một số bài viết chỉ trích cách tiếp cận này. Báo Daily Mail chạy tiêu đề nổi bật “Anh khấu đầu trước Trung Quốc”. 

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen tại Mỹ, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng cần phải có “cách tiếp cận hiệu chỉnh” với Trung Quốc, sau khi London gửi đi tín hiệu về sự chuyển dịch về phía khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong giai đoạn hậu Brexit. 

 “Trung Quốc vẫn sẽ ở đó. Chúng tôi không tin rằng chúng ta đang quay lại tư tưởng Chiến tranh Lạnh cũ. Có những điểm tích cực, và chúng ta sẽ phải tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác, rõ ràng là thương mại và kinh doanh”, ông Raab nói. 

Nói về việc Anh đăng cai thượng đỉnh COP 26 về biến đổi khí hậu, ông Raab nói: “Chúng ta sẽ không thể thay đổi tình trạng biến đổi khí hậu nếu không có một sự hợp tác nào đó từ Trung Quốc”. 

“Trong lúc đó, chúng tôi kiên quyết đứng lên một cách mạnh mẽ ở những nơi lợi ích của Anh bị ảnh hưởng, dù đó là sở hữu trí tuệ hay hạ tầng quan trọng của quốc gia”, ông nói. 

Ngoại trưởng Anh khẳng định London đã “đứng lên vì những giá trị của chúng ta” ở Hong Kong, Tân Cương, quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nơi ông nói rằng Bắc Kinh đang “tấn công hàng loạt” vào luật pháp quốc tế. 

Tài liệu “Đánh giá tích hợp” mà Anh công bố hôm 16/3 xác định Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có những cường quốc châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng những nền kinh tế mới nổi như Indonesia và Việt Nam, là nơi có vai trò quan trọng đối với Anh. 

Anh đã đề xuất thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN và Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến có chuyến thăm đầu tiên trong thời kỳ hậu Brexit đến Ấn Độ trong tháng 4 tới. 

Tài liệu nhấn mạnh rằng quyền lực và sự quyết đoán của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế sẽ là nhân tố địa chính trị đáng kể nhất của thập kỷ tới. Tài liệu gọi Bắc Kinh là một “đối thủ hệ thống”. 

Chính phủ Anh đang chịu sức ép từ phe Bảo thủ phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. 

Dominic Cummings, một trợ lý hàng đầu của ông Johnson, nói rằng cả Trung Quốc và Nga đã triển khai “những chiến dịch cực kỳ tích cực để chống lại Anh nhằm lấy được kiến thức của Anh cả theo cách hợp pháp và bất hợp pháp”. 

Tuy nhiên, cựu thủ tướng David Cameron và bộ trưởng tài chính George Osborne “đã không chú ý đến điều này, đẩy đất nước vào tình thế mở cửa và dễ bị tấn công”. 

Chủ tịch Uỷ ban Tình báo và an ninh Julian Lewis, một người thuộc đảng Bảo thủ, chỉ trích Thủ tướng Johnson đang thể hiện “sự ngây thơ của Cameron – Osborne” trong chiến lược của chính phủ đối với Trung Quốc. 

Ông Raab cũng bị nhiều chỉ trích sau khi một video bị rò rỉ cho trang tin HuffPost ghi lại lời ông nói rằng việc quá nhấn mạnh vào nhân quyền sẽ khiến “chúng ta không thể thực hiện nhiều thoả thuận thương mại với các thị trường tăng trưởng tốt trong tương lai”. 

Nguồn: [Link nguồn]

Liên minh châu Âu lần đầu tiên nhất trí trừng phạt Trung Quốc sau hơn 30 năm

27 đại sứ của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí với danh sách trừng phạt các cá nhân và tổ chức có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan - AP ([Tên nguồn])
Tin tức Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN