Anh có thể khiến ICC hoãn duyệt lệnh bắt Thủ tướng Israel
Chính phủ Anh gửi thư tranh luận về thẩm quyền của ICC, có thể khiến tòa trì hoãn duyệt lệnh bắt Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel.
Các thẩm phán Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 27/6 thông báo cho phép chính phủ Anh tranh luận về thẩm quyền của cơ quan này đối với công dân Israel, động thái có thể cản trở quá trình phê duyệt đề nghị phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
Tranh cãi nảy sinh từ tháng 2/2021, khi một hội đồng thẩm phán ICC kết luận tòa có thẩm quyền đối với "lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng". Phán quyết này mở đường cho Công tố viên trưởng Karim Khan mở điều tra hình sự với những cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở khu vực Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Tuy nhiên, chính phủ Anh vào tháng 5 gửi thư cho ICC lập luận rằng phán quyết năm 2021 "không phân xử" thẩm quyền của tòa liên quan hiệp định Oslo, cũng như các thỏa thuận hòa bình sơ bộ giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vào thập niên 1990.
Trong hiệp định Oslo do Mỹ làm trung gian đàm phán ký kết năm 1993, Israel chấp nhận PLO là đại diện của người Palestine, trong khi PLO công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel.
Hai bên nhất trí rằng Chính quyền Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý Bờ Tây và Dải Gaza, mang hy vọng về lộ trình hiện thực hóa mô hình hai nhà nước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thực hiện hiệp định tới nay chưa đạt được bất cứ tiến triển nào.
Chính phủ Anh yêu cầu hội đồng thẩm phán ICC phải làm rõ "câu hỏi còn tồn đọng" về thẩm quyền của tòa đối với công dân Israel trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào khác.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tại cuộc họp báo ở căn cứ quân sự Kirya, Tel Aviv ngày 28/10/2023. Ảnh: AFP
Lập luận từ các luật sư chính phủ Anh tương tự với phát ngôn từ giới chức và cựu quan chức Israel thời gian qua.
Tel Aviv cho rằng cuộc điều tra của ông Karim Khan thực chất là Palestine "ủy quyền cho tòa điều tra hình sự" công dân Israel và đi ngược lại hiệp định Oslo. Ngoài ra, Israel vốn không tham gia Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, do đó không công nhận thẩm quyền của tòa.
Karim Khan hôm 20/5 thông báo ông đang xin lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chỉ huy lữ đoàn al-Qassam của Hamas Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh. Ông cho rằng các lãnh đạo Israel và thủ lĩnh Hamas đã phạm "tội ác chiến tranh" và "tội ác chống lại nhân loại" liên quan tới cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và xung đột Gaza.
Xe chiến đấu của Israel tập trung ở biên giới phía nam Dải Gaza hôm 1/5. Ảnh: AFP
Hội đồng thẩm phán ICC gồm ba thành viên là Iulia Motoc từ Romania, Maria del Socorro Flores Liera từ Mexico và Reine Alapini-Gansou từ Benin đang xem xét đề nghị phát lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Gallant. Không có thời hạn để thẩm phán quyết định có ban hành lệnh bắt hay không. Trong các trường hợp trước đây, họ mất từ một đến vài tháng để ra quyết định.
"Chính phủ Anh tin rằng tòa vẫn chưa cân nhắc thấu đáo tác động và hệ quả của các hiệp định Oslo đối với thẩm quyền của tòa trong vụ án này. Chúng tôi cho rằng tòa cần khẩn trương giải quyết khúc mắc ngay từ đầu quá trình xử lý đề nghị phát lệnh bắt", Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 23/6 đã tới Washington để gặp các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhằm tiến hành các cuộc đàm phán “quan trọng” về tình hình Dải Gaza, cũng như xung đột Israel-Hezbollah. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa lặp lại tuyên bố rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang chỉ đạo “giảm đáng kể” các lô vũ khí chuyển đến Israel trong những tháng gần đây - một cáo buộc khiến các quan chức Mỹ tức giận, đồng thời mô tả điều này là “đáng lo ngại”.
Nguồn: [Link nguồn]