Ấn tượng hành trình tàu ngầm hạt nhân Nga 'xuyên băng' qua 6 vùng biển Bắc Cực
Tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III của Nga đã nổi lên mặt nước sau khi hoàn thành hành trình ấn tượng dưới lớp băng qua 6 vùng biển Bắc Cực dài 4.000 hải lý.
Tàu ngầm tên lửa chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên Hoàng đế Alexander III của Nga đã nổi lên mặt nước sau khi hoàn thành hành trình ấn tượng dưới lớp băng qua 6 vùng biển Bắc Cực. Bộ Quốc phòng Nga đã chia sẻ video ghi lại sự kiện đáng nhớ này, theo trang Bulgarian Military.
Hành trình đi qua 6 vùng biển Bắc Cực của tàu ngầm hạt nhân Nga
“Hành trình này dài hơn 4.000 hải lý qua 6 vùng biển Bắc Cực trong điều kiện băng giá khắc nghiệt” – Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong tuyên bố chính thức đăng trên kênh Telegram.
Tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III của Nga. Ảnh: Press Service of the Russian Navy/TASS
Video do Bộ quốc phòng Nga công bố cho thấy hình ảnh tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III được tàu ngầm hạt nhân Krasnoyarsk và tàu hộ vệ Gremyashchy hộ tống trong suốt hành trình.
Video bắt đầu từ cảnh quay trên không từ một máy bay, ghi lại cảnh tàu ngầm di chuyển qua vùng biển băng giá. Ban đầu, bầu không khí sương mù khiến việc xác định hình ảnh gặp chút khó khăn. Sau đó, hình ảnh được cải thiện và có thể nhìn thấy cả tàu kéo cứu hộ SB-408.
Hành trình đi qua 6 vùng biển Bắc Cực lần này là cuộc thử nghiệm lớn về khả năng điều hướng cũng như khả năng hoạt động của tàu ngầm hạt nhân trong điều kiện khắc nghiệt vùng lạnh giá, trong đó có hoạt động dưới các lớp băng dày.
Đợt huấn luyện trên nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tuyến đường Bắc Cực trong chiến lược hải quân của Nga. Khi tình trạng nóng lên toàn cầu khiến các vùng biển này dễ tiếp cận hơn, khả năng điều hướng dưới băng càng tăng cường thêm khả năng cơ động chiến lược của Hải quân Nga.
Video tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III và tàu ngầm hạt nhân Krasnoyarsk đi qua vùng biển ở Bắc Cực. Nguồn: BỘ QUỐC PHÒNG NGA
Kỹ năng này cho phép tàu ngầm di chuyển liền mạch giữa các chiến trường, chẳng hạn như từ Hạm đội phương Bắc đến Hạm đội Thái Bình Dương, mà không cần phải nổi lên mặt nước. Điều này giúp đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn ngay cả trong thời điểm xung đột hoặc căng thẳng địa chính trị dâng cao.
Ngoài ra, hành trình này tô đậm cam kết của Nga trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của nước này tại Bắc Cực. Bằng cách làm chủ các hoạt động tàu ngầm ở vùng cực bắc, Nga củng cố sự hiện diện của mình tại khu vực giàu tài nguyên nằm ở vị trí chiến lược giữa các cường quốc.
Các tàu ngầm như Hoàng đế Alexander III (được thiết kế để răn đe chiến lược bằng hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến) và tàu ngầm Krasnoyarsk (được biết đến với khả năng tên lửa hành trình tinh vi) đã chứng minh chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ dài ngày ở những khu vực xa xôi, đầy thách thức. Khả năng này củng cố tính linh hoạt về mặt chiến thuật của Nga, giúp nước này duy trì lực lượng răn đe đáng tin cậy trước các đối thủ tiềm tàng trong khu vực.
Sức mạnh của tàu ngầm hạt nhân Nga
Khả năng tàng hình được nâng cao cùng thiết bị hiện đại của các tàu ngầm lớp Yasen-M và Borei-A đã tăng cường khả năng phòng thủ của Nga ở Bắc Cực cũng như sự sẵn sàng ứng phó các mối đe dọa từ đất liền và trên biển.
Tàu ngầm Hoàng đế Alexander III là tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei-A, được chế tạo cho Hải quân Nga. Là tàu mới nhất trong lớp Borei, tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III tượng trưng cho sự tiến bộ đáng kể trong khả năng răn đe chiến lược của Nga. Tàu ngầm này có độ ồn giảm đáng kể so với các tàu ngầm tiền nhiệm, khiến nó khó bị đối phương phát hiện.
Tàu ngầm Hoàng đế Alexander III có lượng giãn nước khoảng 24.000 tấn khi lặn và dài khoảng 170 m. Hệ thống đẩy của tàu ngầm hạt nhân này được cung cấp năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân, đảm bảo phạm vi hoạt động không giới hạn và khả năng lặn trong thời gian dài. Tốc độ lặn tối đa của tàu Hoàng đế Alexander III là khoảng 54 km/giờ, tương đương các tàu ngầm chiến lược ngày nay.
Tàu ngầm hạt nhân Krasnoyarsk tại lễ thượng cờ ở căn cứ hải quân TP Severodvinsk của Nga ngày 11-12-2023. Ảnh: China Daily
Vũ khí chính của tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III gồm 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava với tầm bắn khoảng 8.000 km. Mỗi tên lửa được trang bị các đầu đạn đa định hướng. Tên lửa Bulava là thành phần quan trọng trong bộ ba hạt nhân của Nga.
Ngoài kho tên lửa chiến lược, tàu ngầm Hoàng đế Alexander III còn mang theo ngư lôi để tự vệ trước các mối đe dọa dưới nước và trên mặt nước.
Sự kết hợp của các thiết bị điện tử, hệ thống sonar và hệ thống quản lý chiến đấu tiên tiến cũng giúp tàu ngầm lớp Borei-A có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương từ khoảng cách xa hơn, củng cố sự hiện diện đáng gờm của tàu ở các vùng biển sâu.
Về tàu ngầm Krasnoyarsk, đây là tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Yasen-M, được thiết kế để hoạt động như tàu tấn công đa năng. Tàu ngầm lớp Yasen-M là phiên bản hiện đại hơn của lớp Yasen ban đầu, với lượng giãn nước khi lặn khoảng 13.800 tấn và dài 139 m.
Được hạ thủy năm 2021, tàu ngầm Krasnoyarsk thể hiện những tiến bộ mới nhất trong công nghệ tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga. Với thiết kế hợp lý giúp tăng cường khả năng tàng hình và giảm tiếng ồn, tàu Krasnoyarsk khó bị đối phương phát hiện.
Tương tự tàu ngầm lớp Borei, tàu ngầm Krasnoyarsk cũng được cung cấp năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân, giúp tàu có phạm vi hoạt động gần như không giới hạn và thời gian hoạt động dưới nước kéo dài. Với tốc độ lặn tối đa 65 km/giờ, tàu ngầm Krasnoyarsk được xếp vào loại tàu ngầm tấn công có tốc độ nhanh nhất hiện có trong biên chế.
Tàu ngầm Krasnoyarsk có kho vũ khí ấn tượng gồm tên lửa hành trình và ngư lôi. Tàu được trang bị 32 tên lửa hành trình Kalibr hoặc Oniks được đặt trong hệ thống phóng thẳng đứng.Với tầm bắn lên tới 2.500 km, tên lửa hành trình Kalibr có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong đất liền. Trong khi đó tên lửa Oniks được thiết kế để tấn công tốc độ cao vào các mục tiêu trên biển.
Nhờ kho vũ khí như vậy, tàu ngầm Krasnoyarsk có thể tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau, từ các cơ sở trên đất liền đến tàu mặt nước và tàu ngầm đối phương.
Chưa kể, tàu ngầm Krasnoyarsk còn được trang bị 10 ống phóng ngư lôi, có thể phóng nhiều loại ngư lôi hiện đại giúp tăng cường khả năng chiến đấu. Nhờ hệ thống sonar và hệ thống chiến đấu tiên tiến, tàu Krasnoyarsk vượt trội trong nhiều vai trò, gồm tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến chống tàu mặt nước và tấn công tầm xa. Điều này khiến tàu ngầm Krasnoyarsk trở thành một trong những tàu ngầm hiện đại nhất và linh hoạt nhất trong hạm đội Nga.
Một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của hải quân Mỹ tuần này bất ngờ nổi lên trên biển Na Uy. Động thái hiếm hoi này được đánh giá là nhằm phô trương sức mạnh và "gửi thông điệp tới Nga".
Nguồn: [Link nguồn]