Mỹ-Iran: Nhìn lại diễn biến từ khi là đồng minh thân thiết đến lúc “không đội trời chung”
Ít người biết rằng, Mỹ và Iran trước đây từng là đồng minh thân thiết của nhau. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, mối quan hệ giữa Mỹ - Iran đã từ bạn hóa thù, nguy cơ xảy ra chiến tranh trực diện giữa hai nước ngày càng tăng cao.
Iran và Mỹ từng là đồng minh kề vai chiến đấu (ảnh: Newshub)
Theo tờ BBC News, Iran từng là đồng minh vô cùng thân thiết với Mỹ tại khu vực Trung Đông. Trong cuộc Thế chiến II (1939-1945), Mỹ đã kề vai sát cánh cùng nhân dân Iran chống lại phe Phát xít, bảo vệ nguồn cung dầu mỏ cho Đồng minh.
Sau Thế chiến, Iran vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ, do tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô trong Chiến tranh lạnh. Theo cuốn Nước mỹ đa văn hóa, từ năm 1950 đến 1979, ước tính có khoảng 800.000 đến 850.000 người Mỹ đến thăm hoặc sinh sống ở Iran. Người Mỹ cũng thường bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với con người và nền văn hóa Iran.
Nguồn cơn của mâu thuẫn Mỹ - Iran bắt đầu vào năm 1953. E ngại trước việc chính quyền của Thủ tướng Iran – ông Mohammed Mossadeq, ngày càng có biểu hiện thân Liên Xô, hai tổ chức tình báo hàng đấu thế giới là CIA (Mỹ) và MI6 (Anh), đã tổ chức một vụ đảo chính, lật đổ chính quyền của ông Mohammed Mossadeq.
Mỹ và Anh sau đó dựng lên chính quyền của nhà vua Shah (Mohammad Reza Shah Pahlavi), thân phương Tây. Năm 2013, CIA đã công bố các tài liệu công khai thừa nhận có liên quan đến cuộc đảo chính này.
Mỹ thừa nhận đứng sau vụ lật đổ chính quyền của Thủ tướng Iran – ông Mohammed Mossadeq (ảnh: Emaze)
Sự cai trị độc đoán của vua Shah và mối quan hệ ngày phụ thuộc của Iran vào Mỹ đã dẫn đến “tư tưởng chống Mỹ sâu sắc” của người dân Iran. Đỉnh điểm là vào năm 1979, người Iran đã tiến hành cuộc cách mạng Hồi giáo, nhằm chống ảnh hưởng từ Mỹ.
Từ tháng 1.1978, nhiều người Iran đã xuống đường biểu tình, đòi lật đổ chế độ của vua Shah. Những vụ đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Đầu năm 1979, vua Shah buộc phải trao lại chính quyền và đem gia đình chạy trốn khỏi Iran.
Lợi dụng thời cơ này, ông Ruhollah Khomeini – một nhà lãnh đạo Hồi giáo, được người Iran coi là “thánh sống”, đã quay về Iran và tiếp tục chỉ huy cuộc cách mạng (ông này trước đó bị vua Shah trục xuất vì hoạt động chống chính quyền). Tháng 4. 1979, ông Khomeini tuyên bố thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Cuộc cách mạng Hồi giáo của Iran (ảnh: CNN)
Quan hệ ngoại giao Mỹ - Iran sau khi ông Khomeini nắm quyền vẫn tồn tại, thậm chí phía Mỹ còn mong muốn thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với Iran. Tuy nhiên, ngày 22.10.1979, Mỹ đã mắc phải một “sai lầm nghiêm trọng”, khi cho phép vua Shah nhập cảnh vào nước này, với lý do điều trị ung thư.
Quan hệ Mỹ - Iran lúc này đã bắt đầu có những dấu hiện căng thẳng, khi Iran yêu cầu Mỹ áp giải vua Shah về Iran chịu xét xử, nhưng phía Mỹ không đồng ý .
Theo trang History, vào ngày 4.11, một nhóm sinh viên đại học Iran, đã xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt giữ 56 nhân viên đại sứ quán và người Mỹ làm con tin, trong suốt 444 ngày.
Sự kiện này được gọi là cuộc khủng hoảng con tin Iran. Phía Mỹ cho rằng, việc bắt giữ con tin là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Mỹ bắt đầu có thái độ thù địch với Iran, khi nước này kiên quyết không thả người.
Những kẻ bắt cóc tuyên bố: “Chúng tôi, các sinh viên Hồi giáo, những người ủng hộ ông Khomeini, phản đối việc Mỹ cho phép Shah xin tị nạn. Tay ông ta vấy máu của hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em tại đất nước này”.
Ông Khomeini cũng được cho là ủng hộ việc chiếm cứ đại sứ quán Mỹ của nhóm sinh viên.
Cuộc khủng hoảng con tin Mỹ tại Iran (ảnh: Foxnews)
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - ông Jimmy Carter, đã gia tăng áp lực lên chính quyền Iran, bằng cách đóng băng tài sản của nước này trên khắp thế giới. Ông Jimmy Carter tuyên bố: “Mỹ sẽ không nhân nhượng với trò tống tiền”.
Đáp lại, lãnh tụ tối cao Iran - ông Khomeini gửi thông điệp tới người dân Iran: “Đừng quên rằng nước Mỹ là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. Hãy hô vang: Mỹ phải chết”.
Vua Shah sau đó rời khỏi Mỹ vào tháng 12.1979 và qua đời tại Ai Cập. Ngày 24.4.1980, Mỹ tổ chức chiến dịch “vuốt đại bàng” nhằm giải cứu con tin nhưng thất bại. Tháng 1.1981, những con tin Mỹ được thả ra sau nhiều nỗ lực đàm phán không biết mệt mỏi.
Mỹ đã giải phóng 8 tỷ USD bị phong tỏa của Iran và bồi thường 4,4 triệu USD cho mỗi công dân nước này từng là nạn nhân trong cuộc khủng hoảng con tin.
Cũng phải nhắc đến những sự kiện xảy ra trước khi những con tin Mỹ được phóng thích.
Tháng 9.1980, chiến tranh Iran – Iraq bùng nổ. Lấy cớ bảo vệ đồng minh trong khu vực, Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều về mặt quân sự cho Iraq, thậm chí bán cho nước này cả vũ khí sinh hóa. Điều này đã khiến Iran giận dữ và quay ra tấn công quân Mỹ tại Trung Đông.
Năm 1983, hai vụ đánh bom vào đại sứ quán và căn cứ quân sự Mỹ tại Beirut (Lebanon), đã khiến tổng cộng 258 người Mỹ thiệt mạng. Nhóm phiến quân Hezbollah đã nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công, nhưng Mỹ cho rằng Iran mới chính là kẻ đứng sau thao túng.
Theo những thông tin mật mới đây được tiết lộ, vào năm 1985, Mỹ đã bí mật vận chuyển vũ khí cho Iran, để đổi lấy sự hỗ trợ của nước này trong chiến dịch giải cứu những con tin tại Lebanon, đang bị nhóm Hezbollah giam giữ.
Mỹ bắn rơi máy bay dân sự của Iran (ảnh: Iranchamber)
Ngày 3.7.1988, Mỹ mắc sai lầm tại hại khi bắn tên lửa trúng máy bay dân sự Iran, khiến 290 người thiệt mạng. Iran đã gọi hành động của Mỹ là “thảm sát”. Đây cũng là mối thâm thù với Mỹ mà đến ngày nay, người Iran và ngay cả Tổng thống nước này cũng nhiều lần nhắc lại.
Một thời gian sau, ngày 21.12.1988, chuyến bay 103 trên chiếc Boeing 747-121 số hiệu N739PA, của hãng hàng không Pan American World Airways (Mỹ), bị rơi tại Lockerbie (Scotland). Một quả bom phát nổ ngay trên máy bay, khiến 270 hành khách thiệt mạng. Mỹ cáo cuộc Iran đứng sau vụ khủng bố, nhưng nước này lập tức phủ nhận.
Đến năm 2000, quan hệ giữa Mỹ và Iran lại trở nên căng thẳng, khi Mỹ cáo buộc Iran đang phát triển những cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân, trong đó, có một nhà máy làm giàu uranium (loại nguyên liệu quan trọng cho vũ khí hạt nhân).
Cần biết, chính Mỹ đã giúp Iran lập ra chương trình phát triển hạt nhân kể từ năm 1957, bằng cách cung cấp cho Iran nhiên liệu hạt nhân và lò phản ứng đầu tiên tại nước này.
Mỹ cáo buộc Iran phát triển vũ khí hạt nhân, thổi bùng căng thẳng (ảnh: ABC News)
Mặc dù Iran ra sức bác bỏ, nhưng hàng loạt những lệnh trừng phạt kinh tế, cấm vận từ Liên Hợp Quốc và phương Tây giáng xuống, đã khiến tiền của nước này mất 2/3 giá trị chỉ trong vòng 2 năm.
Năm 2015, sau một loạt nỗ lực của Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống mới nhậm chức của Iran – ông Hassan Rouhani, Iran đồng ý ký một thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức. Theo đó, nước này cam kết ngừng sản xuất vũ khí hạt nhân, đổi lấy tháo dỡ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, người kế nhiệm của ông Obama, Tổng thống Donald Trump lại rất không hài lòng với thỏa thuận hạt nhân. Ông cho rằng, thỏa thuận này không ngăn được Iran phát triển vũ khí và chỉ tiêu tốn thời gian, tiền bạc của người Mỹ. Tháng 5.2018, ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Mỹ tiếp tục cáo buộc Iran bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân và những đòn trừng phạt lại liên tiếp giáng xuống. Đặc biệt, lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ đã khiến nền kinh tế Iran bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quan hệ Mỹ - Iran ngày càng trở nên căng thẳng từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống (ảnh: CNN)
Phía Iran cũng đáp trả Mỹ bằng những hành động như bắn rơi máy bay không người lái Mỹ, tấn công các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Ả Rập Saudi (đồng minh của Mỹ), đứng sau giật dây các hành động chống Mỹ của nhóm Hezbollah và vụ tấn công đại sứ quán Mỹ tại Iraq.
Ngày 3.1, Mỹ giáng đòn đau Iran khi sử dụng máy bay không người lái ám sát tướng Qassem Soleimani – nhân vật quyền lực đứng thứ hai nước này. Vụ việc đã khiến tình hình tại Trung Đông trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Iran đã thề sẽ trả thù Mỹ và hành động mới đây nhất của nước này là dội tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq. Trong phát ngôn sau sự kiện này của Ngoại trưởng Iran và của ông Trump, có vẻ các bên đã có những động thái làm dịu tình hình. Nhưng mâu thuẫn giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết và căng thẳng không hề mất đi. Hiện thế giới vẫn đang hồi hộp theo dõi sát sao từng nước đi của Mỹ và Iran, mối nguy thế chiến III bùng nổ vẫn đang chực chờ.
Mặc dù thoạt nhìn, vụ tấn công bằng tên lửa của Iran có vẻ như là một sự leo thang căng thẳng, tuy nhiên, đây có thể...
Nguồn: [Link nguồn]