Ấn Độ tăng mua dầu giá rẻ của Nga đến mức nào?
Bất chấp sức ép từ phương Tây, Ấn Độ nói tăng nhập khẩu dầu từ Nga đem lại lợi ích lớn nhất cho quốc gia.
Ấn Độ đang tích cực hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Ấn Độ đang tăng nhập khẩu dầu từ Nga, mua dầu với giá rẻ hơn giá thị trường do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ấn Độ bắt đầu tăng mua dầu thô của Nga từ tháng 4, thay đổi hoàn toàn chiến lược nhập khẩu dầu trước đây. Trong tháng 4, mức nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ tăng vọt lên mức 390.000 thùng/ngày. Sang tháng 5, con số này tăng lên đến 650.000 thùng/ngày và đạt 980.000 thùng/ngày vào tháng 6. Mức tăng kỷ lục này đưa Nga vượt Ả Rập Saudi, trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Ấn Độ.
Lượng dầu thô Nga mà Ấn Độ nhập khẩu trong tháng 7 vẫn ở mức cao, khoảng 870.000 thùng/ngày, theo tạp chí Nhật Bản Nikkei.
Năm 2021, Iraq, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là 3 quốc gia chiếm 50% thị phần tiêu thụ dầu thô ở Ấn Độ, theo số liệu chính thức từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.
Ở thời điểm đó, Ấn Độ chỉ nhập 70.000 thùng dầu/ngày từ Nga, tương đương 2% nhu cầu của nước này. Dầu ngọt nhẹ của Nga dễ lọc hơn nhiều so với dầu nặng từ Trung Đông và giá tương đương nhau.
Mọi chuyện thay đổi kể từ tháng 4 năm nay, khi giá dầu Nga bắt đầu chênh lệch so với dầu của Ả Rập Saudi. Đến tháng 6, giá dầu Nga chưa tính chiết khấu là 94 USD/thùng, còn dầu của Ả Rập Saudi được giao dịch ở mức 102 USD/thùng, theo Nikkei.
Lệnh trừng phạt của phương Tây càng khiến giá dầu Nga giảm và Ấn Độ nhận thấy tiềm năng để thúc đẩy nhập khẩu.
Trong chuyến thăm Thái Lan hồi tháng 8, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar bảo vệ quyết định nhập khẩu một lượng lớn dầu của Nga, nói rằng đây là cách tốt nhất phục vụ người dân.
Ấn Độ và Nga là hai quốc gia có mối quan hệ gần gũi trong lịch sử. Kể từ hai nước ký Hiệp ước song phương về Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác năm 1971 (thời Liên Xô), Nga và Ấn Độ luôn tương trợ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế.
Nga là quốc gia đáp ứng 2/3 số lượng vũ khí Ấn Độ mua của nước ngoài kể từ năm 2000. Mối quan hệ chiến lược giữa hai nước ngày nay đã mở rộng sang năng lượng hạt nhân và vũ trụ.
Ấn Độ là thành viên trong nhóm Bộ Tứ kim cương (Quad), gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trả lời về lý do Ấn Độ trước đây rất ít nhập khẩu dầu Nga, chuyên gia Nhật Bản Mika Takehara nói: "Vấn đề nằm ở khía cạnh kinh tế". Vận chuyển dầu từ Nga tới Ấn Độ bằng tàu chở dầu 100.000 tấn mất khoảng 3 tuần nếu khởi hành từ cảng ở Biển Đen và một tháng nếu tàu khởi hành từ Biển Baltic.
Ngược lại, tàu chở dầu 300.000 tấn của Ấn Độ chỉ mất 1 tuần để chở dầu từ Trung Đông. Nói cách khác, dầu Trung Đông đem lại lợi ích lớn hơn so với dầu Nga.
Việc phương Tây cấm vận kinh tế Nga gây ra những hệ lụy trên toàn cầu mà Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng. Mức lạm phát trong những tháng qua ở Ấn Độ lên tới 7,8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là từ 2 - 6%.
Bên cạnh lạm phát, Ấn Độ đang gặp khó khăn vì tình hình thương mại ngày càng xấu đi. Theo dữ liệu sơ bộ do Bộ Thương mại và Công nghiệp công bố, nước này thâm hụt thương mại kỷ lục 30 tỷ USD trong tháng 7.
Mua dầu giá rẻ của Nga phần nào giúp Ấn Độ bù đắp những khó khăn vì thương mại và lạm phát. Vấn đề trong tương lai là liệu Ấn Độ có quay sang mua dầu Trung Đông một khi lợi thế về giá của dầu thô Nga không còn được duy trì.
Theo Nikkei, câu trả lời là chưa chắc chắn, vì Ấn Độ có thể nhân cơ hội này để thúc đẩy chuỗi cung ứng dầu thô mới với Nga, giúp New Delhi đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Tăng nhập khẩu dầu từ Nga giúp Ấn Độ có lợi thế hơn khi đàm phán với các nhà xuất khẩu dầu Trung Đông. Nikkei nhận định, Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì mua dầu của Nga với mức cao trong thời gian tới.
Các chuyên gia Ấn Độ nhận định, New Delhi có thể tăng nhập khẩu dầu từ Moscow lên mức 1,5 triệu thùng/ngày, tương đương 30% nhu cầu của nước này. Một số công ty dầu khí Ấn Độ như Bharat Petroleum đang đàm phán với đối tác Nga về các hợp đồng dài hạn.
Nikkei kết luận, việc Ấn Độ tăng mua dầu Nga bất chấp sức ép từ phương Tây phản ánh chiến lược vì lợi ích quốc gia thông qua ngoại giao trung lập.
Xung đột ở Ukraine khiến phương Tây phải nhìn nhận thực tế rằng không thể kì vọng Ấn Độ quay lưng hoàn toàn với Nga, Nikkei nhận định.
Giá năng lượng toàn cầu tăng vọt hoàn toàn có lợi cho Moscow, các nhà phân tích nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]