Ấn Độ vỡ oà khi tàu đổ bộ đáp xuống Mặt trăng thành công
Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 vừa đáp xuống Mặt trăng thành công, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đạt được kỳ tích này.
Người dân Ấn Độ theo dõi trực tiếp sự kiện tàu Chandrayaan-3 đáp xuống Mặt trăng. (Ảnh: Reuters)
Thành công giúp củng cố vị thế của Ấn Độ như một cường quốc toàn cầu trong lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ. Trước đây, chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ đưa được tàu tự hành hạ cánh mềm xuống Mặt trăng.
Địa điểm hạ cánh của Chandrayaan-3 gần cực nam của Mặt trăng hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác từng làm. Khu vực cực nam được coi là vùng có những lợi ích chiến lược và khoa học quan trọng đối với các quốc gia thám hiểm vũ trụ, vì giới khoa học tin rằng ở đó có trữ lượng băng nước.
Nước đóng băng trong các miệng núi tối tăm có thể được chuyển hoá thành nhiên liệu tên lửa hoặc thậm chí là nước uống, phục vụ cho các sứ mệnh khám phá vũ trụ trong tương lai.
Đang ở Nam Phi dự thượng đỉnh BRICS, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi theo dõi trực tuyến cuộc hạ cánh và đưa ra một số phát biểu trên sóng trực tiếp.
“Nhân dịp vui mừng này… tôi muốn ngỏ lời với tất cả mọi người trên thế giới. Thành công này thuộc về toàn thể nhân loại và nó sẽ hỗ trợ sứ mệnh Mặt trăng của các quốc gia khác trong tương lai”, ông nói.
Chỉ vài ngày trước, tàu thám hiểm của Nga gặp sự cố trong hành trình đáp xuống cực nam Mặt trăng, kết thúc sứ mệnh chinh phục Mặt trăng đầu tiên trong 47 năm.
Khi Chandrayaan-3 đến gần Mặt trăng, camera của nó đã chụp được một số bức ảnh, trong đó có bức ảnh chụp vào ngày 20/8 cho thấy cận cảnh địa hình màu xám bụi bặm của Mặt trăng.
Tàu đổ bộ Mặt trăng của Ấn Độ bao gồm ba phần: tàu đổ bộ, tàu thăm dò và mô-đun động cơ đẩy, giúp con tàu có tất cả lực đẩy cần thiết để vượt qua khoảng cách 384.400 km giữa Mặt trăng và Trái đất.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Yury Borisov – Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Roscosmos (Nga) – tiết lộ nguyên nhân chính khiến sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của tàu vũ trụ Luna-25 thất bại.