Ấn Độ thông báo sắp tập trận với Mỹ gần biên giới tranh chấp với Trung Quốc
Ấn Độ và Mỹ sắp tập trận chung tại khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc trên dãy Himalaya trong bối cảnh căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh ngày càng leo thang.
Đài CNN ngày 6-8 thông báo Mỹ sắp tham gia cuộc tập trận chung với Ấn Độ vào giữa tháng 10 tại khu vực cách Đường kiểm soát thực tế (LAC) với Trung Quốc chưa tới 100 km.
Quân lính Ấn Độ và Mỹ trong một cuộc tập trận thường niên Yudh Abhyas. Ảnh: US ARMY
Theo một sĩ quan cấp cao thuộc quân đội Ấn Độ, cuộc tập chung Mỹ-Ấn được tổ chức ở độ cao trên 3.000 km tại Auli thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ và sẽ tập trung vào huấn luyện tác chiến tầm cao.
Auli cách LAC khoảng 95 km. Cuộc tập trận như là một phần phiên bản thứ 18 của cuộc tập trận chung thường niên được gọi là "Yudh Abhyas" - hay "Thực hành chiến tranh".
Một phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quan hệ đối tác với Ấn Độ là "một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
“Một yếu tố quan trọng của nỗ lực rộng lớn này bao gồm các cuộc tập trận và huấn luyện. Yudh Abhyas là một trong những cuộc tập trận song phương thường niên được thiết kế để cải thiện khả năng tương tác và nâng cao năng lực tương ứng của chúng tôi để giải quyết một loạt các thách thức an ninh khu vực” - người phát ngôn này cho hay.
Căng thẳng quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ cuộc đụng độ xảy ra tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng 6 năm 2020.
Quan hệ hai nước leo thang gần đây sau khi có thông tin cho rằng Trung Quốc đang xây dựng cây cầu thứ hai tại khu vực trọng điểm ở xung quanh hồ Pangong do nước này trấn giữ ở phía đông Ladakh, động thái bị chính phủ Ấn Độ lên án, gọi đó là “sự chiếm đóng phi pháp".
Trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 6 này, Tướng Charles Flynn - Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương, nhận định việc Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực thuộc Bộ chỉ huy Chiến khu miền Tây (WTC), đơn vị chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ LAC với Ấn Độ, là “đáng báo động”.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay tự đóng của Ấn Độ không thể so sánh với tàu sân bay Phúc Kiến hạ thủy hồi tháng 6 của Trung Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]