Ấn Độ nói về vấn đề sức ép khi mua dầu Nga với số lượng lớn
Ấn Độ đưa ra các chính sách dựa trên lợi ích quốc gia, Bộ trưởng dầu khí Ấn Độ Hardeep Puri trả lời phỏng vấn trên đài CNN của Mỹ, khi được hỏi về cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ trưởng dầu khí Ấn Độ Hardeep Puri.
Ông Puri nói Ấn Độ không đối mặt với bất cứ mâu thuẫn nào khi tích cực mua dầu giá rẻ của Nga, trong khi chiến dịch quân sự ở Ukraine vẫn đang diễn ra.
"Chúng tôi có trách nhiệm với người tiêu dùng ở Ấn Độ", ông Puri trả lời đài CNN, theo NDTV, ám chỉ rằng giá nhiên liệu là vấn đề mà 1,3 tỷ dân ở Ấn Độ rất quan tâm.
"Chúng tôi không chịu bất cứ sức ép nào. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi không chịu sức ép. Chúng tôi là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới", ông nói trên đài CNN. "Ấn Độ đưa ra các chính sách dựa trên lợi ích quốc gia".
Trả lời câu hỏi rằng, liệu Ấn Độ có "xung đột về đạo đức" khi mua dầu của Nga hay không, ông Puri khẳng định là không. "Chúng tôi không có xung đột đạo đức. Chúng tôi không quá quan tâm đến việc mua dầu từ bên A hay bên B. Vấn đề là lợi ích. Tôi cũng không trực tiếp tham gia đàm phán. Các công ty dầu mỏ làm điều này", ông Puri nói.
Ấn Độ bày tỏ quan điểm mong muốn cuộc xung đột ở Ukraine sớm chấm dứt, nhưng từ chối thực thi các lệnh trừng phạt Nga do Mỹ và phương Tây áp đặt.
Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia mua một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga, đặc biệt là dầu giá rẻ.
Theo số liệu thống kê trong tháng 9, Nga đáp ứng 23% nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ, mức cao nhất từ trước đến nay. Trung bình mỗi ngày, Ấn Độ nhập khẩu 896.000 thùng dầu từ Nga.
Lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Ả Rập Saudi đã giảm còn 758.000 thùng/ngày, mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Ấn Độ, xếp sau Iraq.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, lượng dầu Nga xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ đáp ứng 0,2% nhu cầu của nước này. "Chúng tôi mua một lượng dầu đáng kể mà lẽ ra Nga xuất sang châu Âu", ông Puri xác nhận. "Nếu không ai mua dầu Nga, giá dầu thế giới sẽ càng tăng cao, kéo theo sự suy thoái và lạm phát".
Trong khi nhóm các nước G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italia và Nhật Bản muốn Ấn Độ ủng hộ kế hoạch áp giá trần dầu mỏ Nga, ông Puri từ chối đưa ra bình luận.
"Ấn Độ sẽ xem lợi ích thiệt hơn nếu G7 đưa ra đề xuất cụ thể", ông Puri nói trên đài CNN.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/10 gửi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ tới các nhà sản xuất năng lượng ở Mỹ về khả năng sẽ tăng thuế và áp đặt các hạn chế để giảm giá...
Nguồn: [Link nguồn]