Ấn Độ lần đầu nới lỏng phong tỏa sau đợt “sóng thần” Covid-19 lần hai
Thủ đô New Delhi và Mumbai, thủ phủ bang Maharashtra ở Ấn Độ, hai thành phố từng chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch Covid-19 lần hai, sẽ chính thức nới lỏng các quy định phòng dịch kể từ ngày 7.6.
Ấn Độ bắt đầu nới lỏng phong tỏa sau khi đợt lây nhiễm lần hai trôi qua.
Theo Al Jazeera, các khu chợ và trung tâm thương mại ở thủ đô New Delhi chính thức mở cửa trở lại vào ngày 7.6, người đứng đầu thành phố, Arvind Kejriwa tuyên bố sau khi số ca nhiễm mới đã giảm đáng kể.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Delhi cũng hoạt động trở lại với công suất ở mức 50%, ông Kejriwal phát biểu hôm 5.6.
Các khu chợ và trung tâm thương mại sẽ mở cửa luân phiên theo ngày, trong đó 50% được phép mở cửa vào bất kỳ ngày nào. Các tòa nhà công sở cũng được phép hoạt động trở lại nhưng ông Kejriwal hối thúc người dân tiếp tục làm việc tại nhà.
Trước đó, thủ đô New Delhi đã cho phép các công trường và nhà máy hoạt động trở lại. “Tình hình dịch Covid-19 nằm trong tầm kiểm soát. Chúng ta ghi nhận dưới 500 ca nhiễm trong 24 giờ”, ông Kejriwal nói.
“Điều quan trọng là phải khôi phục nền kinh tế khi tình hình Covid-19 đã cải thiện. Chúng ta sẽ hi vọng mọi chuyện tiếp tục chuyển biến tốt đẹp”, thủ hiến New Delhi nói thêm.
Giới chức bang Maharashtra, nơi có trung tâm kinh tế Mumbai, cũng công bố 5 mức nới lỏng phong tỏa dựa trên mức độ lây nhiễm và số ca điều trị tại bệnh viện ở các khu vực.
Ở các khu vực có số ca nhiễm mới giảm dưới 5% và tỉ lệ người nhập viện giảm dưới 25%, toàn bộ các nhà hàng, cửa hàng, trung tâm mua sắm sẽ được mở cửa trở lại.
Đối với các khu vực vẫn duy trì mức độ lây nhiễm hơn 20%, lệnh phong tỏa sẽ vẫn có hiệu lực.
Hôm 5.6, Ấn Độ ghi nhận khoảng 120.000 ca nhiễm mới, mức thấp nhất so với giai đoạn đỉnh dịch là hơn 400.000 ca nhiễm hồi tháng trước.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ ghi nhận 400 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 5.6, giảm đáng kể so với mức 25.000 ca nhiễm mỗi ngày kể từ khi lệnh phong tỏa có hiệu lực cách đây 7 tuần.
Đợt lây nhiễm thứ hai bùng phát ở Ấn Độ do biến chủng mới và các sự kiện tập trung đông người biến thành sự kiện siêu lây nhiễm.
Tuy nhiên, Ấn Độ chưa thể đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vì sự thiếu hụt vaccine. Hiện mới chỉ có khoảng 180 triệu người Ấn Độ được tiêm vaccine. 14% dân số được tiêm mũi đầu tiên và 45 triệu người, tương đương 3,4% dân số được tiêm mũi thứ hai.
Nguồn: [Link nguồn]
Ấn Độ chưa giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 của các mẫu bệnh phẩm đến mức cần thiết để có thể đón đầu virus...