Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25-4 kêu gọi người dân tiêm vắc-xin Covid-19 và thận trọng trước dịch bệnh. Ông Modi cho biết một "cơn bão" Covid-19 đang làm rung chuyển Ấn Độ.
Ấn Độ hôm 26-4 ghi nhận thêm 352.991 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp Ấn Độ lập kỷ lục thế giới về số ca nhiễm mới trong ngày.
Đến nay, Ấn Độ ghi nhận hơn 17,3 triệu ca mắc, trong đó hơn 195.000 người đã tử vong vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, các chuyên gia cho rằng số người chết thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Các lò thiêu ở Ấn Độ đều quá tải bất chấp hoạt động hết công suất - Ảnh: Reuters
Đợt bùng phát mới khiến hệ thống y tế của Ấn Độ trên bờ vực sụp đổ. Hầu hết các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân thậm chí đã tử vong khi chưa kịp nhập viện. Ngoài thiếu giường bệnh, các bệnh viện của Ấn Độ cũng cạn kiệt nguồn oxy dành cho các bệnh nhân nặng, thiếu trang thiết bị y tế và thuốc.
Trong khi đó, thi thể bệnh nhân Covid-19 xếp chồng bên ngoài khu hỏa táng do các lò thiêu đều quá tải bất chấp hoạt động hết công suất.
Các chuyên gia chỉ ra 3 nguyên nhân chính gồm sự chủ quan của chính phủ và cộng đồng, biến thể gia tăng và chương trình vắc-xin không hiệu quả.
Đầu tháng 2, Ấn Độ dường như đã kiểm soát được dịch Covid-19. Kể từ sau đó, một làn sóng lây nhiễm khác đã bùng phát do sự xuất hiện của biến thể mới và các cuộc tụ tập đông đúc, chẳng hạn như lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng vào đầu tháng này.
Bên cạnh các hành vi không phù hợp trong cuộc chiến chống Covid-19, Giám đốc Viện Khoa học Y tế toàn Ấn Độ (AIIMS) Randeep Guleria nhận định biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn cũng là nguyên nhân chính khiến làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát dữ dội tại Ấn Độ.
Các cuộc tụ tập đông đúc của người dân Ấn Độ ở lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng
Theo ông Guleria, người dân Ấn Độ bắt đầu lơ là các quy tắc chống dịch trong 2 tháng đầu năm nay khi chương trình tiêm phòng được triển khai và số ca nhiễm sụt giảm. Chiến dịch tiêm chủng kém hiệu quả cũng buộc Ấn Độ trả giá đắt. Nỗi lo ngại của cộng đồng đối với vắc-xin tăng lên khi các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin về các ca nhiễm sau tiêm phòng.
Các lò hỏa táng ở thủ đô New Delhi và các khu vực khác của Ấn Độ đang quá tải trước sự gia tăng kỷ lục về số ca tử vong do dịch Covid-19.
New Delhi hôm 23-4 ghi nhận khoảng 348 trường hợp tử vong do dịch Covid-19, đồng nghĩa với việc cứ khoảng 4 phút lại có một người chết tại thành phố này. Mỗi ngày Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 300.000 ca nhiễm mới và hơn 2.000 người tử vong vì Covid-19.
Cảnh hỏa táng thi thể bệnh nhân tại New Delhi - Ấn Độ. Ảnh: AP
Tại bang Karnataka, chính quyền buộc phải cho phép các gia đình hỏa táng hoặc chôn cất những người thân tử vong vì dịch Covid-19 trong trang trại, khu đất hoặc sân nhà của họ miễn là tuân thủ các hướng dẫn về y tế. 7 lò hỏa táng tại TP Bangalore, bang Karnataka đã hoạt động suốt ngày đêm để xử lý từ 20 đến 25 thi thể được chuyển đến đây mỗi ngày, cao gấp 4 lần so với thông thường.
[Video] Ấn Độ lập kỷ lục buồn trên toàn cầu về Covid-19
Tại khu hỏa táng ở TP Ghaziabad, một số thi thể đang được hỏa táng bằng cách sử dụng giàn thiêu bằng gỗ đặt trên các bệ gạch tại một khu vực dành riêng cho các nạn nhân Covid-19. 5 bệ như vậy đã được bổ sung trong tuần này để đáp ứng số lượng thi thể ngày càng tăng được chuyển đến khu hỏa táng.
Lượng người chết do Covid-19 tại Ghaziabad cao đến mức số thi thể được đặt chỗ từ trước để hỏa táng gần như đã kín. Thi thể sẽ được thiêu ở bất kỳ chỗ nào còn trống giữa các bệ. Gần đó, lò thiêu điện duy nhất cũng đang quá tải khi cố xử lý số thi thể.
Nhân viên tại Khu hỏa táng Hindon ở TP Ghaziabad đang chở gỗ đến một giàn thiêu mới tại khu vực dành cho các nạn nhân Covid-19. Ảnh: Straits Times
Các khu vực khác ở Ấn Độ cũng ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 tăng vọt. Cáo phó phủ kín các trang báo trong khi thi thể chất đống tại các lò hỏa táng.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, từng cam kết đảm bảo nguồn cung vắc-xin theo chương trình COVAX cho các quốc gia nghèo, chủ yếu ở châu Phi.
Thông báo hết vắc xin trước cổng một trung tâm tiêm vắc xin ở Mumbai - Ấn Độ hôm 20-4. Ảnh: AP
Do hậu quả của cuộc khủng hoảng, trong tháng 4 Ấn Độ chỉ xuất khẩu 1,2 triệu liều vắc-xin ra nước ngoài so với 64 triệu liều trong 3 tháng trước đó. Hồi tháng 2, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ Adar Poonawalla thông báo viện này nhận được chỉ đạo ngừng bán vắc-xin ra nước ngoài để ưu tiên cho người dân trong nước. SII đã cam kết cung cấp 1,1 tỉ liều vắc-xin theo cơ chế COVAX, theo đó đến tháng 5 sẽ cung cấp 100 triệu liều. Tuy nhiên, theo tạp chí Fortune, SII khó có thể đạt được chỉ tiêu đó. Hồi tuần trước, chính phủ Ấn Độ cũng đã phê duyệt sử dụng vắc-xin Sputnik V của Nga và mở cửa cho các nhà sản xuất nước ngoài bán vắc-xin cho Ấn Độ.
Mỹ, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ từ nguồn cung oxy, trang thiết bị y tế đến thuốc để đối phó với dịch Covid-19. Hãng tin ANI cho biết Mỹ hôm 25-4 đồng ý gửi nguyên liệu thô sản xuất vắc-xin Covid-19 cần thiết cho Ấn Độ. Trước đây, Mỹ cấm xuất khẩu các nguyên liệu thô này với lý do phải ưu tiên chăm sóc người Mỹ.
Các nước hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ từ nguồn cung oxy, trang thiết bị y tế đến thuốc để đối phó với dịch Covid-19
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gọi điện cho người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval đề nghị gửi nguồn lực và vật tư cho Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) nhằm tăng cường sản xuất vắc-xin chống lại Covid-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 25-4 thông báo các thiết bị y tế quan trọng, bao gồm hàng trăm máy oxy và máy thở đang được chuyển đến Ấn Độ. Lô hàng dự kiến đến vào ngày 27-4.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bình luận trên mạng xã hội Twitter hôm 25-4: "Báo động về tình trạng dịch bệnh ở Ấn Độ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. EU đang tổng hợp các nguồn lực để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu hỗ trợ từ Ấn Độ". Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 25-4 cho biết Đức đang khẩn trương chuẩn bị sứ mệnh hỗ trợ để giúp Ấn Độ đối phó với sự tăng vọt các ca nhiễm. Bà Merkel nhấn mạnh: "Cuộc chiến chống lại đại dịch là cuộc chiến chung của chúng ta. Nước Đức đoàn kết với Ấn Độ".