Thượng đỉnh G20: Tấm thiệp mời gây xôn xao của Tổng thống Ấn Độ
Ấn Độ hôm 5/9 có động thái gây chú ý khi thay thế tên gọi tiếng Anh “India” của nước này bằng tên “Bharat” trong thiệp mời ăn tối gửi tới các khách mời dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Tấm thiệp mời gây tranh cãi khi Ấn Độ sử dụng tên gọi quốc gia là Bharat.
Thiệp mời có in dòng chữ "Tổng thống Bharat" đã gây xôn xao và dẫn đến những đồn đoán rằng Ấn Độ có thể sắp đổi tên gọi quốc tế của quốc gia, theo CNN.
Ở Ấn Độ, tên gọi India hay Bahrat đều được quốc gia 1,4 tỷ dân sử dụng. "India hay Bahrat đều là nhà nước liên bang", hiến pháp Ấn Độ ghi rõ.
Bharat trong tiếng Phạn cũng có nghĩa là Ấn Độ. Đây là tên gọi được sử dụng ở Ấn Độ vào thời tiền thuộc địa. Tên gọi India và Bharat đều được Ấn độ sử dụng đồng thời trên hộ chiếu.
Nhưng việc sử dụng tên gọi khác của quốc gia trong một sự kiện quốc tế đánh dấu sự thay đổi dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đảng cầm quyền BJP.
G20 là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Ấn Độ đăng cai. Ông Modi đã đặt mục tiêu nâng cao ảnh hưởng toàn cầu của Ấn Độ sau gần một thập kỷ nắm quyền. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết của việc "tự giải phóng chính mình khỏi tư duy nô lệ".
Anh là nước cai trị Ấn Độ trong khoảng 200 năm cho đến khi Ấn Độ chính thức trở thành quốc gia độc lập vào năm 1947. Những người Ấn Độ ưu tiên sử dụng tên quốc gia là Bharat, nói "India" là cái tên gợi nhớ đến thời kỳ thuộc địa.
Harnath Singh Yadav, một chính trị gia của đảng BJP, nói trên truyền thông địa phương: "'India' là tên gọi do người Anh đặt ra còn Bharat mới là biểu tượng cho nền văn hóa của Ấn Độ".
Trong khi đó, cựu ngôi sao cricket Ấn Độ, Virender Sehwag đã kêu gọi sử dụng từ Bharat trên áo các cầu thủ trong giải vô địch cricket thế giới. Ấn Độ sẽ tổ chức sự kiện vào tháng 10 và tháng 11 năm 2023.
“Chúng tôi là người Bhartiya, 'India' là cái tên do người Anh đặt và đã quá lâu để chúng tôi chính thức lấy lại tên chính thức ban đầu là ‘Bharat’", Sehwag nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc Ấn Độ sử dụng tên Bahrat trong một sự kiện quốc tế có thể tạo cảm giác xa lạ. "Tôi hi vọng rằng chính phủ sẽ không loại bỏ hoàn toàn tên 'India', vì tên gọi này đã gắn liền với giá trị của Ấn Độ trong hàng thế kỷ", Shashi Tharoor, cựu quan chức ngoại giao thuộc đảng đối lập Ấn Độ, cho biết.
Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 vừa đáp xuống Mặt trăng thành công, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đạt được kỳ tích này.
Nguồn: [Link nguồn]