Ám sát lãnh đạo Hamas - thắng lợi hay sai lầm chiến lược?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Việc ám sát lãnh đạo Hamas có thể là một thắng lợi về mặt chiến thuật nhưng không chắc điều này mang lại lợi ích chiến lược lâu dài.

Gần đây, tin tức về hai vụ ám sát lãnh đạo Hamas đã làm Trung Đông dậy sóng.

Ngày 31-7, lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Tehran (Iran) sau khi ông dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Iran. Hamas và Iran cáo buộc Israel là chủ mưu nhưng Israel hiện tại vẫn im lặng trước cáo buộc này. Điều tra sơ bộ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho rằng Israel bắn 1 quả đạn tầm ngắn vào nơi ông Haniyeh lưu trú.

Một ngày sau, quân đội Israel cho biết lực lượng này đã hạ lãnh đạo quân sự Hamas Mohammed Deif trong cuộc không kích hôm 13-7 vào TP Khan Younis. Hamas vẫn chưa xác nhận thông tin này. Nếu ông Deif thiệt mạng thì đây sẽ là “quả ngọt” cho nỗ lực kéo dài nhiều năm của Israel nhằm tiêu diệt lãnh đạo cấp cao thứ hai của Hamas, sau lãnh đạo Hamas ở Gaza - ông Yahya Sinwar.

Tin tức về những vụ ám sát những nhân vật “máu mặt” của Hamas có vẻ như là một chiến thắng của Israel và giáng đòn mạnh lên Hamas. Tuy nhiên, không ít nhà quan sát lại cho rằng những vụ việc này chỉ mang lại lợi ích trong ngắn hạn và cái giá phải trả là mất đi thành công chiến lược lâu dài, theo tờ The New York Times.

Hamas cứng rắn hơn sau những vụ ám sát

Bà Tahani Mustafa, chuyên gia cấp cao về Palestine tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế - tổ chức phi lợi nhuận, đa quốc gia chuyên cung cấp phân tích chính sách về việc chấm dứt xung đột, cho rằng thay vì gây ra sự rối loạn trong Hamas và gieo rắc nỗi sợ hãi, những vụ ám sát sẽ có tác dụng ngược, theo tờ Politico.

Việc ám sát lãnh đạo Hamas không mang lại nhiều lợi ích về mặt chiến lược cho Israel. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Việc ám sát lãnh đạo Hamas không mang lại nhiều lợi ích về mặt chiến lược cho Israel. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo bà Mustafa, Hamas không phụ thuộc vào các cá nhân cụ thể và việc ám sát không phải là điều gì đó có thể làm chệch hướng đi của Hamas, cả về mặt chính trị lẫn quân sự. Bà cho rằng điều cần lưu ý là những vụ ám sát này có thể sẽ khiến giới lãnh đạo Hamas cứng rắn hơn.

Trong những thập niên qua, các chiến dịch ám sát của Israel chống lại đối thủ Palestine luôn gây tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng chiến thuật này chỉ đơn thuần là tạo cơ hội cho các đảng hoặc các nhà lãnh đạo mới, cực đoan hơn, nổi lên thay thế lực lượng cũ để đối đầu với Israel, theo The New York Times.

Chẳng hạn, vào những năm 1970, Israel đã ám sát ông Wadi Haddad, thủ lĩnh quân sự của Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine, dẫn đến sự sụp đổ của nhóm này. Tuy nhiên, một thập niên sau, Fatah - lực lượng dân tộc chủ nghĩa của lãnh đạo Palestine Yasir Arafat, đã nổi lên thay thế nhóm này. Sau đó, Israel cũng đã đã giết lãnh đạo quân sự Khalil al-Wazir của Fatah nhưng không làm tê liệt được lực lượng này.

Theo Bộ Y tế Gaza, chiến dịch quân sự mà Israel phát động để trả đũa các cuộc tấn công ngày 7-10 của Hamas đã khiến khoảng 90% trong số 2 triệu cư dân của Gaza phải sơ tán, san bằng nhiều khu vực của vùng đất này và khiến 39.000 người, theo Bộ Y tế Gaza.

Mặc dù vậy, Hamas không chỉ vẫn hoạt động mà còn tuyển mộ các chiến binh mới ở cả Gaza và các khu vực khác. Các chiến binh Hamas cũng bắt đầu tái xuất hiện ở những khu vực mà Israel đã đánh đuổi họ từ nhiều tháng trước.

Đối với Hamas, kim chỉ nam hoạt động là chỉ cần sống sót trước một quân đội hùng mạnh hơn nhiều. Điều này sẽ mang lại một chiến thắng mang tính biểu tượng cũng như cơ hội duy trì quyền lực vượt qua mọi nỗi đau mà Israel đã gây ra.

“Chìa khóa” để Hamas bám trụ tại Gaza

Chuyên gia Mustafa cho rằng có lẽ nguyên tắc quan trọng nhất cho sự tồn tại của Hamas là không quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ vật chất từ những bên ủng hộ ở nước ngoài, theo The New York Times.

Iran là nguồn cung cấp tiền và vũ khí chính cho Hamas, nhưng hiện tại Iran cũng đang rất thận trọng để giữ mình không bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh khu vực.

Một tấm biển quảng cáo có hình chân dung của lãnh đạo quân sự Hamas - ông Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh cùng dòng chữ “bị ám sát” bằng tiếng Do Thái ở Tel Aviv (Israel) hôm 2-8. Ảnh: AFP

Một tấm biển quảng cáo có hình chân dung của lãnh đạo quân sự Hamas - ông Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh cùng dòng chữ “bị ám sát” bằng tiếng Do Thái ở Tel Aviv (Israel) hôm 2-8. Ảnh: AFP

Cho đến nay, Hamas dường như vẫn duy trì khả năng tự lực ngay cả khi Israel siết chặt vòng vây ở Gaza. Hamas có các kỹ sư riêng, là những người biết cách tận dụng bất cứ thứ gì có thể tìm thấy trên mặt đất, từ những đồ thu giữ được ở các căn cứ Israel hoặc các cuộc phục kích Israel, hay việc bóc tách những vật liệu cần thiết từ những quả đạn, pháo chưa nổ và máy bay không người lái (UAV) bị rơi.

“Hamas nhận được rất nhiều hỗ trợ từ bên ngoài về tài chính và đào tạo, nhưng về mặt hậu cần, phần lớn trong số đó là do họ tự làm. Đó là lý do tại sao đã gần 10 tháng xung đột với Israel, bạn vẫn chưa thấy sự phản kháng của Hamas yếu đi” - bà Mustafa nhận định.

Tuy nhiên, không phải tất cả giới chuyên gia về Hamas đều tin rằng nhóm này có thể tồn tại trước những áp lực hiện nay. Một số nhà phân tích, như ông Michael Stephens tại tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute có trụ sở tại London, tin rằng các cuộc tấn công, bao gồm ám sát, của Israel sẽ gây ra thiệt hại tạm thời đủ để buộc Hamas phải nhượng bộ nhiều hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong cuộc họp tối 4-8, các quan chức quốc phòng Israel cho biết họ sẽ có "hành động phòng ngừa" nếu chắc chắn Iran sắp ra tay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN