Ai ‘hạ hỏa’ Triều Tiên?

Nga có thể làm trung gian giải quyết căng thẳng. Quá trình tham vấn Nga-Triều Tiên bắt đầu.

Bộ Ngoại giao Nga thông báo ngày 29-9 (giờ địa phương), bà Choe Son-hui, Giám đốc vụ Bắc Mỹ (Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên), đã hội đàm với đại sứ lưu động Nga Oleg Burmistrov tại Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow để tham vấn tình hình. Thông báo cho biết bà Choe Son-hui cũng đã hội kiến với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgoulov.

Năm tiếng tham vấn Nga-Triều Tiên

Báo chí Nga đưa tin cuộc tham vấn giữa các nhà ngoại giao Nga và Triều Tiên hôm 29-9 kéo dài khoảng năm tiếng. Sau đó, xe mang biển số đại sứ quán Triều Tiên đã rời khỏi Bộ Ngoại giao Nga. Bà Choe Son-hui lặng lẽ đến Moscow từ hai ngày trước đó để chuẩn bị. Hãng thông tấn KCNA (Triều Tiên) thông báo bà Choe Son-hui đến Moscow theo lời mời của đại sứ lưu động Nga Oleg Burmistrov.

Thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Nga chỉ nêu “hai bên đã trao đổi ý kiến về tình hình Đông Nam Á” chứ không cho biết nội dung trao đổi cụ thể. Theo thông báo, trong trao đổi giữa hai bên, “phía Nga đã khẳng định ý chí thực hiện nỗ lực chung nhằm tìm kiếm giải pháp bằng các phương thức hòa bình, chính trị, ngoại giao”.

Cuộc tham vấn Nga-Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng. Xung đột quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn thành công tác chuẩn bị kế hoạch tấn công đảo Guam trên Thái Bình Dương, nơi đồn trú căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Apra Harbor của Mỹ. Còn Mỹ đã biểu dương sức mạnh bằng cách triển khai máy bay ném bom bay trên một phần lãnh thổ thuộc bờ biển phía Đông của Triều Tiên để chứng tỏ Mỹ đã sẵn sàng cho các giải pháp quân sự.

Báo Le Monde ghi nhận với chuyến sang Nga tham vấn của nhà ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui, có thể Nga sẽ trở thành nhà trung gian đàm phán để mở gút thắt tình hình khủng hoảng Triều Tiên hiện nay.

Đại sứ lưu động Nga Oleg Burmistrov vốn là phó đoàn đàm phán của Nga về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Cuối tháng 7-2017, ông từng đến Bình Nhưỡng. Trong khi đó, bà Choe Son-hui là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bà đã từng tham gia với tư cách cố vấn và người phiên dịch trong các cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc trong giai đoạn 2003-2009.

Ai ‘hạ hỏa’ Triều Tiên? - 1

Tổng thống Trump với căng thẳng có thể bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Biếm họa của Carlos Latuff (Brazil)

Chuẩn bị dư luận

Trước chuyến sang Nga của nhà ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui, báo chí phương Tây đã đón đầu dư luận bằng nhiều tuyên bố từ phía Nga với nội dung tập trung vào một chủ đề: Cho dù Nga kém cạnh hơn Trung Quốc về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên nhưng Nga có thể giữ vai trò tốt nhất để giảm căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Báo New York Times ngày 18-9 đăng bài viết của ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow: “Nói chung Nga được đánh giá tương đối ít quan trọng trong hầu hết các cuộc đàm phán về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, song Nga lại giữ một vị trí duy nhất để giúp giảm leo thang căng thẳng”.

Ông giải thích: “Dư luận thường chú ý đến Trung Quốc… nhưng vì nhiều lý do chiến lược, có giới hạn cố hữu đối với hành động của Bắc Kinh”. Ông cho rằng vai trò của Nga sẽ gây ít oán thù dân tộc chủ nghĩa và hoài nghi trong người dân Triều Tiên hơn so với Trung Quốc.

Ông Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Nga về chính sách đối ngoại và quốc phòng (thân cận với điện Kremlin), khẳng định trên báo Financial Times ngày 20-9: “Điện Kremlin hiểu rõ tâm lý Triều Tiên vì các nhà lãnh đạo Nga cảm nhận về lịch sử gắn bó với Triều Tiên. Không có giải pháp dễ dàng để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên nhưng quản lý khủng hoảng thì có thể và cần kíp. Nếu Nga khéo léo làm được điều đó, Nga sẽ củng cố vị trí ở châu Á-Thái Bình Dương và vượt qua một chặng khác trước chủ nghĩa bá quyền Mỹ trong các vấn đề quốc tế”.

Ngày 29-9, ông Mikhail Ulyanov, Giám đốc Vụ Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí hạt nhân (Bộ Ngoại giao Nga), phát biểu: “Trong tình hình này, cần tìm các bảo đảm an ninh đến từ Bình Nhưỡng. Điều này chỉ có thể làm theo phương cách chính trị-ngoại giao”. Nga cũng như Trung Quốc đều tuyên bố đồng tình với nghị quyết cấm vận Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ nhưng cùng lúc đó Tổng thống Nga Putin vẫn mô tả cấm vận là “vô ích và không hiệu quả”.

Trước đó Nga đã từng công khai ý định giữ vai trò trung gian đàm phán giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong điện đàm với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 12-5, Tổng thống Putin đã hứa hẹn Nga sẵn sàng giữ vai trò xây dựng để tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triền Tiên và hợp tác hơn nữa với Hàn Quốc.

Ngoài Nga, Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard đã tuyên bố Thụy Sĩ sẵn sàng giữ vai trò trung gian góp phần giải quyết khủng hoảng Triều Tiên, nhất là tiếp nhận các cuộc đàm phán. Hôm 4-9, bà khẳng định biện pháp cấm vận không thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình đạn đạo dù nhân dân Triều Tiên có khó khăn đến đâu. Bà đã nhắc đến truyền thống trung lập về ngoại giao của Thụy Sĩ. Thời trẻ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã theo học tại Thụy Sĩ.

Ngày 16-8, tại cuộc họp báo ở New York, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng tuyên bố ông sẵn sàng giữ vai trò trung gian. Ông nói: “Trong lúc căng thẳng gia tăng, nguy cơ hiểu nhầm, tính toán sai hay tình hình nghiêm trọng leo thang, điều quan trọng là giảm lý luận và củng cố ngoại giao. Về phần mình, tôi muốn lặp lại thiện ý của tôi là luôn sẵn sàng”. Người tiền nhiệm Ban Ki-moon của ông đã từng nhiều lần đề nghị như thế nhưng bất thành.

Quan chức cấp cao Triều Tiên bí mật tới Nga gặp Putin?

Trong bối cảnh căng thẳng Bình Nhưỡng-Mỹ leo thang, Triều Tiên được cho là bất ngờ cử quan chức cấp cao tới Moscow gặp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DẠ THẢO (PLO)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN