Afghanistan trong tính toán quyền lợi của Nga - Trung Quốc
Nga và Trung Quốc dù lo ngại nhiều về việc Taliban nắm quyền lãnh đạo ở Afghanistan nhưng quyền lợi của họ vẫn là trên hết.
Giữa lúc chính quyền Afghanistan chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho lực lượng Taliban, các nước lớn có ảnh hưởng khu vực bắt đầu có những bước đi chủ động nhằm bảo vệ quyền lợi của họ trong thời gian tới.
Theo hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 16-8 đã có hai cuộc điện đàm riêng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Cờ Trung Quốc và Nga treo tại cuộc tập trận giữa quân đội hai nước ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc hồi tuần trước. Ảnh: CHINA DAILY
Trong khi Bộ Ngoại giao TQ không công bố cụ thể nội dung thảo luận, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho biết Washington đã nhất trí để Nga đứng ra dàn xếp với các lực lượng chính trị đang hoạt động ở Afghanistan nhằm giữ vững an ninh, ổn định. Hai bên cũng đồng ý sẽ tham vấn thêm với TQ, Pakistan cũng như bất kỳ quốc gia nào khác có quan tâm về tổ chức đối thoại hòa bình giữa các lực lượng nói trên.
Sau đó cùng ngày, ông Vương và ông Lavrov tiếp tục điện đàm riêng cũng về vấn đề Afghanistan. Đài NDTV cho hay hai quan chức này đồng ý cần duy trì liên lạc để kịp thời hỗ trợ bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nga, TQ và đảm bảo an toàn cho các nhân viên, tổ chức và doanh nghiệp hai nước hoạt động trong vùng.
Có thể thấy trong giai đoạn mới Mỹ không còn duy trì hiện diện ngoại giao - quân sự vượt trội ở Afghanistan, Nga và TQ có vẻ đã chuẩn bị sẵn sàng để lấp khoảng trống này. Điều này không quá khó hiểu bởi hai nước đều đã có những khoản đầu tư nhất định về mặt chính trị và kinh tế ở Afghanistan.
Mỹ rời đi, Nga tự do hoạt động
Đối với Moscow, mục tiêu của họ là lan rộng sức ảnh hưởng ở Afghanistan, từ đó tiến ra toàn Trung Đông. Thất bại của Mỹ sau 20 năm nỗ lực xây dựng chính quyền tại Afghanistan là cơ hội giúp Nga tái xác lập vị thế trong khu vực. Trả lời tờ The Nikkei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow (Mỹ) Dmitry Trenin nhận định ưu tiên của Nga là khẳng định lại ảnh hưởng chính trị và quân sự với các nước láng giềng Trung Đông, chỉ ra những cuộc tập trận gần đây với Uzbekistan và Tajikistan gần biên giới Afghanistan.
“Nga không sơ tán sứ quán tại Kabul, mà giữ liên lạc với Taliban và theo dõi diễn biến. Trong khi đó, quân đội Nga tập trận với Uzbekistan và Tajikistan sát biên giới Afghanistan. Quan điểm của Moscow là không cần biết ai nắm quyền ở Kabul, mà là liệu chính quyền mới có ngăn được chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan ra Trung Đông hay không” - ông Trenin cho hay.
Quan điểm trên cũng lý giải tại sao chính quyền Tổng thống Vladimir Putin vốn luôn coi chống khủng bố là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình lại nhanh chóng muốn bình thường hóa với Taliban như vậy. Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov mới đây đã có cuộc gặp với đại diện Taliban, nội dung chủ yếu bàn về an ninh của Đại sứ quán Nga. Ông Zhirnov cho rằng những cam kết và bước đi ban đầu của Taliban từ khi kiểm soát Afghanistan là dấu hiệu tích cực và lực lượng này đang hành xử “văn minh và có trách nhiệm”.
Dù vậy, chuyên gia Aleksey Mukhin thuộc ĐH Moscow (Nga) lại cho rằng có thể Nga không có ý định công nhận vai trò cầm quyền của Taliban mà chỉ hướng đến mục tiêu đàm phán để đạt được “những thỏa thuận, hiệp định và giới hạn nhất định tại Afghanistan, cũng như các quốc gia lân cận”. Nói cách khác, đây là một cách tiếp cận hoàn toàn mang tính thực dụng chứ không phải vì Nga và Taliban chia sẻ nhiều giá trị chung ở Trung Đông.
Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh ngày 17-8 bất ngờ tuyên bố ông đang ở Afghanistan và là lãnh đạo quốc gia lâm thời của nước này, theo đài CNN. Ông cũng khẳng định không “cúi đầu trước Taliban” và phát lời kêu gọi kháng chiến.
Trung Quốc khó xử với “Afghanistan mới”
Trái với kết quả tích cực mà Nga đã giành được ở Afghanistan, TQ đang lâm vào thế tương đối khó xử. Một mặt TQ đang có những bước đi được coi là để công nhận chính thức chính quyền mới ở Afghanistan có yếu tố Taliban, mặt khác Bắc Kinh đang rất lo ngại các lực lượng Hồi giáo nổi dậy gây bất ổn ở khu tự trị Tân Cương được Taliban ủng hộ sẽ trở thành mối đe dọa an ninh lâu dài. TQ lâu nay có chính sách không can thiệp nội bộ các nước khác nên cũng ít có khả năng đổ quân sang Afghanistan để thay thế sự hiện diện quân sự của Mỹ, theo The Nikkei.
Mối đe dọa an ninh này được thể hiện rõ ràng qua vụ chín công nhân TQ thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát tại Pakistan hồi tháng 7, một trong những vụ tấn công chết chóc nhất nhắm vào công dân TQ ở nước ngoài vài năm gần đây. Phía Pakistan cũng xác nhận lực lượng Taliban tại nước này đã thực hiện vụ tấn công.
Trên thực tế, vấn đề Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương cũng là nội dung ưu tiên mà Bộ trưởng Vương Nghị đã nêu ra trong cuộc điện đàm với các thủ lĩnh Taliban về vụ đánh bom trên. Đáp lại, Taliban cam kết sẽ “không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các hành vi gây tổn hại TQ”.
Tuy nhiên, lo ngại của Bắc Kinh không dừng lại ở đó. Vài năm gần đây, họ đã mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thương mại ở khu vực Trung Á thông qua Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) với ít nhất 60 tỉ USD được rót vào các dự án ở Afghanistan và Pakistan, theo đài CGTN. Phạm vi tác động rộng lớn từ việc Taliban lên nắm quyền có thể đe dọa những lợi ích kinh tế và chiến lược của TQ trên khắp khu vực.
“Mặc dù Bắc Kinh tỏ ra khéo léo trước tình hình quyền lực thực tế tại Afghanistan, họ dường như không thoải mái với chương trình nghị sự theo ý thức hệ của Taliban. Chính phủ TQ lo ngại thành công của lực lượng này tại Afghanistan sẽ truyền cảm hứng cho hoạt động quân sự khắp khu vực, bao gồm các nhánh Taliban đang hoạt động tại Pakistan và đe dọa hoạt động kinh tế của họ ở đó” - chuyên gia Andrew Small thuộc tổ chức Marshall Foundation (Mỹ) phân tích.
Nhìn chung, Bắc Kinh hiện nay nhận thức rõ những cái giá phải trả nếu can thiệp vào tình hình an ninh Afghanistan, nên thay vì nối gót Washington, họ có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận thực tế hơn. Bắc Kinh dự kiến sẽ có những bước đi ngoại giao để truyền đi thông điệp rằng họ sẵn sàng công nhận và giao thiệp với Taliban, miễn là phù hợp với lợi ích của họ.
Liệu Nga - Trung có xảy ra mâu thuẫn về vấn đề Afghanistan? Bất chấp sức mạnh về chính trị và kinh tế mà sự hợp tác giữa Nga và TQ mang lại, một số chuyên gia cảnh báo rằng hai bên vẫn có thể xảy ra những mâu thuẫn nghiêm trọng nếu tình hình tại Afghanistan thay đổi theo chiều hướng khó lường. Trả lời The Nikkei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Afghanistan tại Moscow (Nga) Andrei Serenko cho biết ở thời điểm hiện tại thì Taliban và chính quyền Afghanistan vẫn đang đàm phán về vấn đề phân chia quyền lực. Điều này khiến cán cân quyền lực tại Afghanistan vẫn còn có lợi cho sự hợp tác giữa Nga và TQ vì hai bên cùng phải đối mặt với một mối đe dọa tiềm ẩn, đó là Afghanistan có thể trở thành nơi ẩn náu cho các nhóm cực đoan muốn nhắm mục tiêu tấn công vào Trung Á và Trung Đông. “Nhưng nếu ở một thời điểm nào đó trong tương lai gần, động lực này thay đổi như một thế lực mới can dự vào cuộc xung đột, chúng ta sẽ thấy một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Afghanistan mà ở đó Nga và TQ có thể hậu thuẫn cho các phe phái khác nhau. Lúc đó, chúng ta có thể chứng kiến tình huống Nga và TQ trở thành đối thủ trong một trò chơi chính trị tại Afghanistan” - ông Serenko khẳng định. |
Mỹ tới Afghanistan với sứ mệnh chống khủng bố. Nhưng khi Taliban trở lại kiểm soát Afghanistan và Al-Qaeda trỗi dậy trở...
Nguồn: [Link nguồn]