Afghanistan cho thấy giới hạn của Sáng kiến Vành đai và Con đường
Bất chấp sự can dự sâu rộng với chính quyền Taliban, Trung Quốc không thể đạt được mục tiêu của mình ở Afghanistan.
Một thập niên trước, giáo sư nghiên cứu quốc tế Vương Tập Tư của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc - TQ) đã đặt nền tảng khái niệm cho những gì sẽ trở thành Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với một bài viết có tựa đề “Hành quân về phía Tây”. Trong đó, ông Vương chỉ trích sự tập trung quá mức của chính sách đối ngoại của TQ vào Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thay vào đó nhấn mạnh các cơ hội và mối đe dọa dọc theo biên giới đất liền phía Tây của TQ.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Afghanistan hồi tháng 3-2022. Ảnh: REUTERS
Sau đó, TQ triển khai các kế hoạch và dự án BRI hàng tỉ USD, tuy nhiên, nước này vẫn bị ám ảnh bởi Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương hơn bao giờ hết. Đồng thời, BRI cũng cho thấy những giới hạn trong khả năng chính sách đối ngoại của TQ ở Afghanistan.
Trong số các nước láng giềng của Afghanistan, không nước nào can dự vào chế độ Taliban (trở lại nắm quyền cách đây một năm) rõ ràng hơn TQ. Đại sứ quán TQ ở Kabul thúc đẩy ngoại giao, giúp các quan chức Taliban tham gia vào các diễn đàn khu vực. Các tổ chức TQ mở rộng viện trợ cho Afghanistan hàng triệu USD, trong khi Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh đi đầu trong việc kêu gọi Mỹ giải phóng 7 tỉ USD của ngân hàng trung ương Afghanistan đang bị đóng băng.
Nhìn chung, Bắc Kinh hiếm khi lãng phí cơ hội để lên án việc Mỹ đột ngột rút quân năm 2021 và đối chiếu với những đóng góp của chính TQ vào Afghanistan. Tuy nhiên, tất cả sự tích cực này đã không nâng tầm được các mục tiêu mà Bắc Kinh thực sự muốn.
Bắc Kinh hy vọng rằng Taliban sẽ thành lập một chính phủ bao trùm đa thành phần, ổn định chế độ, nhưng thay vào đó, đến nay, một phe duy nhất đang thống trị chính quyền mới. Taliban cũng thất bại trong việc giao nộp các chiến binh Ngô Duy Nhĩ hoặc thậm chí hạn chế hoạt động của họ, như Bắc Kinh muốn.
Một đòn bẩy mà Bắc Kinh sử dụng ở Afghanistan là đầu tư kinh tế. Đã có một lượng lớn doanh nhân và thương nhân TQ đến Afghanistan, nhưng điều này rất có thể chỉ đơn giản là các doanh nhân cảm nhận được cơ hội, trong bối cảnh bạo lực giảm đi kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền.
Tăng trưởng trong thương mại trực tiếp song phương còn hạn chế và các doanh nghiệp nhà nước lớn của TQ đang còn thận trọng tìm hiểu. Sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng hoặc năng lực quản lý của phía Afghanistan cũng hạn chế tham vọng của họ.
Trên thực tế, hoạt động kinh tế có thể là cái cối xay đối với Bắc Kinh. TQ rồi sẽ nhận thấy hỗ trợ kinh tế mà họ cung cấp cho Afghanistan được trông đợi như viên đạn bạc, làm tăng kỳ vọng vào TQ, vượt xa những gì Bắc Kinh có thể.
Trong số các dự án Vành đai và Con đường ở Afghanistan, mối liên hệ rõ ràng nhất là xây dựng kết nối giữa Hành lang Kinh tế TQ-Pakistan và Afghanistan, nhưng điều này sẽ đòi hỏi mối quan hệ tốt hơn giữa Kabul và Islamabad. Trong khi đó, Taliban đang thiếu tin tưởng vào TQ. Một số phe phái Taliban đang chống lại bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế các chiến binh Ngô Duy Nhĩ, vốn đã ủng hộ phong trào này. Một số lo ngại về sự gần gũi của Bắc Kinh với Islamabad. Các thương nhân TQ thường được đón tiếp một cách ngờ vực.
Sự thất thế khác của TQ phải được kể đến qua vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahri ở Kabul mới đây. Ở mức độ nào đó, trước đây Bắc Kinh có thể tin tưởng vào việc Washington hậu thuẫn cho chính quyền cũ ở Afghanistan, các lực lượng Mỹ thậm chí còn không kích vào các đồng minh Duy Ngô Nhĩ của Taliban, như một kẻ thù chung.
Mỹ vẫn có kẻ thù ở Afghanistan và cái chết của al-Zawahri cho thấy họ vẫn còn khả năng làm điều gì đó, ngay cả ở sân sau của Bắc Kinh, trong khi TQ thiếu những công cụ và khả năng tương tự để truy đuổi kẻ thù của mình.
Sau một thập niên ra đời, khái niệm BRI vẫn khó khăn để áp dụng ở Afghanistan, như Bắc Kinh mong muốn. Nó cũng cho thấy các giới hạn trong dự báo quyền lực của TQ và khả năng tạo ra sự thay đổi trên thực địa ở nước ngoài.
Nguồn: [Link nguồn]
Hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) được G7 công bố với số vốn khởi điểm 600 tỷ USD là nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay của nhóm cường...