Adolf Hitler và những đam mê thời trẻ

Trong cuộc đời của Adolf Hitler có nhiều sự kiện cho thấy y là con người rất tài năng. Số phận của y có thể đã khác, nếu y chọn một con đường phát triển khác. Y đã không trở thành họa sĩ, mặc dù rất say mê hội họa và vẽ rất đẹp.

Trong cuộc sống, đôi khi những điều nhỏ nhặt có thể làm thay đổi một cách căn bản số phận của con người, có điều không ai biết theo chiều hướng nào. Từ một người được nhân dân kính trọng, cuối cùng, Hitler đã bị cả thế giới ruồng bỏ.

Thời trẻ Hitler để ria mép dài

Hình ảnh quen thuộc của quốc trưởng có một đặc điểm khiến hàng triệu người nhận ra y - bộ ria mép bàn chải đánh răng. Hóa ra, không phải lúc nào y cũng để ria như vậy. Theo hồi ức các chiến hữu của Hitler, thời trẻ, y để ria mép dài. Không ai biết chính xác vì sao y thay đổi kiểu ria, nhưng có ý kiến cho rằng nó xảy ra sau một cuộc tấn công bằng khí độc trong Thế chiến thứ nhất. Đêm hôm đó, ngay cả mặt nạ phòng độc cũng không giúp ích được gì và Adolf Hitler đã bị nhiễm độc nặng.

Adolf Hitler thời trẻ (bìa phải).

Adolf Hitler thời trẻ (bìa phải).

Trong mặt nạ phòng độc có ít chỗ trống, vì vậy khi đeo, bộ ria mép có thể ảnh hưởng tới việc che kín mặt. Tháng 10/1918, anh lính trẻ Adolf bị ảnh hưởng của chất độc hóa học “Chữ thập vàng”. Khí mù tạt, thành phần chính của nó, kích thích rất mạnh màng nhầy và da.

Có lẽ, Adolf Hitler bị khí mù tạt bay vào mắt, nên y tạm bị mù và phải nằm viện vài tháng. Khi hít phải khí mù tạt, bệnh nhân có thể tử vong do bệnh viêm phế quản-phổi phát triển rất nhanh.

Được đề cử giải Nobel Hòa bình

Quả thật, Adolf Hitler từng được đề cử giải Nobel hòa bình. Người đề cử là Eric Brant, nghị sĩ quốc hội Thụy Điển và là nhân vật chống phát xít nổi tiếng và tích cực nhất ở châu Âu. Trong tuyên bố của mình, ông  trình bày những “thành tích” của quốc trưởng và cho rằng không thể tìm được một người nào “xứng đáng hơn” y. Theo Eric Brant, Hitler đã có những công lao như: viết cuốn sách “Mein Kampf” (“Đời tranh đấu của tôi”), không sử dụng vũ khí trong quá trình “giải phóng” các đồng bào ở Áo, và là người đấu tranh cho hòa bình trên toàn thế giới.

Bị phản ứng hết sức dữ dội, Eric Brant rất khó giải thích rằng tuyên bố của ông mang tính mỉa mai về những hành động thực sự của Hitler. Ngày 1/2/1939, Eric Brant rút lui ý kiến, và Hitler đã bị loại khỏi danh sách. Mà thực ra, Hitler cũng tỏ thái độ tiêu cực đối với giải thưởng Nobel, từ năm 1937, y cấm công dân của mình nhận giải này.

Một số nhà sử học cho rằng quốc trưởng bị loại khỏi danh sách bởi nỗ lực của Joseph Goebbels để lãnh tụ không gặp rắc rối ở Đức. Có thể nảy sinh mâu thuẫn giữa hành động và kế hoạch, bởi vì vào thời điểm đó, một cuộc “giải phóng” vĩ đại cho các dân tộc đã được xác định. Nếu Adolf Hitler nhận được giải thưởng thì không biết sự việc sẽ phát triển như thế nào.

Adolf Hitler có thể đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, nếu phát huy được tài năng của mình. Mới 15 tuổi, y đã viết kịch, sáng tác thơ, truyện ngắn. Bị ấn tượng bởi tài năng của nhà soạn nhạc Richard Wagner và Saga về vị thần thợ rèn huyền thoại Weland, y đã sáng tác phần lời vở opera và đoạn nhạc dạo đầu của nó. Tình yêu văn chương của quốc trưởng diễn ra trong suốt cuộc đời. Điều này được chứng minh bởi thư viện riêng của y với 16.000 đầu sách.

Sinh thời Hitler từng được “giới thiệu” là ứng viên giải Nobel Hòa bình.

Sinh thời Hitler từng được “giới thiệu” là ứng viên giải Nobel Hòa bình.

Không trở thành hoạ sĩ chuyên nghiệp dù vẽ khá đẹp

Adolf Hitler thích vẽ từ nhỏ. Năm 11 tuổi, y đã tự quyết định sẽ làm và học những gì mình thích. Có thể, điều này bị tác động bởi việc cha mẹ thường xuyên di chuyển, kết quả là cậu bé luôn phải vào học trường mới. Y không thích ngôi trường thực tế (real school) ở thành phố Linz. Trong số các môn học, y thích lịch sử, địa lý, vẽ và thể dục, còn các môn khác y không hề hứng thú chút nào, vì vậy, bị điểm kém và phải học đúp. Adolf không thích môn hình học và ngoại ngữ đến tận khi tốt nghiệp phổ thông.

Cậu bé Adolf rất lười học, vì vậy phải nhờ mẹ mới tốt nghiệp trường phổ thông. Năm 18 tuổi, y thi vào Học viện Mỹ thuật nhưng không thể vượt qua vòng hai. Vì muốn chứng minh mình có khả năng hội họa, y đến gặp hiệu trưởng để giới thiệu những bức vẽ của mình. Quả thật, ông hiệu trưởng rất thích những bức vẽ này, nhưng ông khuyên Adolf Hitler thi vào khoa kiến trúc vì cho rằng y có nhiều năng lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có chứng chỉ trung học phổ thông, trong khi y không muốn tiếp tục đi học.

Năm 1908, lần thứ hai Adolf thi vào Học viện Mỹ thuật, nhưng thậm chí không vượt qua vòng 1. Y đã giấu người thân sự thật này để được nhận tiền trợ cấp trẻ mồ côi. Y thuê nhà, tự giới thiệu khi là họa sĩ, khi là nhà văn. Trong chừng mực nào đó, điều này cũng đúng, bởi năm 1909, y đã có thể kiếm sống bằng nghề vẽ bưu thiếp và sau đó là sáng tác tranh. Công việc kiếm sống thành công đến mức y đã từ bỏ khoản trợ cấp mồ côi của mình. Tác phẩm của y được các doanh nhân và trí thức mua. Cho tới năm 1913, y kiếm sống bằng tài năng của mình, trước khi bị cảnh sát Áo phát hiện là kẻ trốn quân dịch.

Bức “Nhà hát opera” ở Vienna của Adolf Hitler.

Bức “Nhà hát opera” ở Vienna của Adolf Hitler.

Suýt ăn đạn của một người lính Anh

Câu chuyện xảy ra với người lính Anh Henry Tandey có thể là một giai thoại thông thường mà Adolf Hitler rất muốn tin. Nhưng nó vẫn chiếm một vị trí nhất định trong tiểu sử của quốc trưởng, mặc dù các nhà sử học chứng minh rằng họ không thể gặp nhau, vì vào ngày xảy ra câu chuyện, họ có mặt ở những địa điểm khác nhau. Câu chuyện như sau.

Một lần, trên chiến trường, Hitler suýt bị người lính Anh Henry Tandey bắn chết. Khi Adolf quay lại, y nhìn thấy khẩu súng chĩa thẳng vào mình, nhưng không nghe thấy tiếng nổ. Tandey nói quả thật anh đã tha mạng cho một số binh lính địch, nhưng không biết liệu Hitler có nằm trong số đó hay không, vì anh không nhớ mặt họ.

Còn Adolf thì đọc được bài báo viết về Tandey và, có lẽ, đã nhận ra anh ta nên giữ bài báo này cho riêng mình. Trên bức tường dinh thự của Hitler có treo bức tranh vẽ một người lính Anh đang cõng một người lính bị thương. Theo Adolf, bức tranh này mô tả những sự kiện có thật đã xảy ra với y, còn người lính Anh chính là Henry Tandey.

Trong một lần gặp gỡ với Hitler, cựu Thủ tướng Anh Neville Chamberlain nhìn thấy bức tranh và hỏi nó vẽ ai. Hitler bèn kể cho ông nghe câu chuyện về một người lính Anh đã cứu mạng y, đúng vào lúc y không còn hy vọng được gặp lại nước Đức quê hương nữa. Quốc trưởng nhờ Neville Chamberlain chuyển lời cảm ơn của mình và Neville Chamberlain đã làm điều đó. Nhưng ông không tìm thấy Tandy ở địa chỉ được ghi.

Không giải ngũ sau Thế chiến thứ nhất

Những biến cố quân sự đầu tiên của Thế chiến thứ nhất khiến chàng lính trẻ Adolf Hitler bị sốc. Trong trận Ypres ở Bỉ, chỉ sau ba tuần, gần như toàn bộ đại đội đầu tiên đã bị tiêu diệt. Sau khi trận chiến kết thúc, trung đoàn của Hitler còn lại 611 người trong số 3.600 người, còn đến mùa đông - chỉ còn 42 người. Theo nhà sử học quân đội John Keegan, Adolf rơi vào trạng thái trầm cảm cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Sau khi ra viện, Hitler không xuất ngũ mà được phân công làm lính gác ở một trại tù binh, rồi làm liên lạc viên. Đây là thời kỳ hỗn loạn và Hitler đã chọn cách chờ thời cơ mà không đứng về bên nào. Y khuyên các quân nhân khác cũng nên làm như vậy, và không có gì ngạc nhiên là họ nghe theo lời khuyên của y. Hitler đã thể hiện một tài năng khác - tài ăn nói và thuyết phục.

Adolf Hitler công khai bày tỏ quan điểm chống Cộng của mình và chính điều này đã thu hút được sự chú ý của Carl Mayer, Trưởng phòng Tuyên truyền và Giáo dục của Bộ Tham mưu lực lượng vũ trang Đức ở Bayern. Sau đó, y tham gia các khóa học về tư duy dân tộc do Mayer tổ chức. Sau 10 ngày, nhờ đạt được thành tích đáng kinh ngạc về khả năng hùng biện, Hitler hoàn toàn chiếm được cảm tình của Mayer và trở thành hướng dẫn viên đội tuyên truyền chống Cộng. Y được tuyển mộ làm điệp viên để gây ảnh hưởng đến những người lính khác và thâm nhập vào Đảng Công nhân Đức.

Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Adolf mất rất nhiều thời gian theo dõi những người trong Đảng Công nhân Đức. Lúc bấy giờ, y hiểu rằng y gần gũi với những tư tưởng bài Do Thái và phản Mác-xít của nhà lãnh đạo đảng Anton Drexler. Dưới ảnh hưởng của Anton Drexler, Hitler gia nhập đảng vào tháng 9/1919. Y cũng nghiên cứu những tư tưởng của Karl Marx, Nietzsche và các triết gia khác, nhưng từ thời điểm đó y trở thành người đấu tranh chống lại chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Cộng sản.

Hãng Ford vẫn hoạt động ở Đức trong chiến tranh.

Hãng Ford vẫn hoạt động ở Đức trong chiến tranh.

Quan hệ thân mật với hãng Ford của Mỹ

Những người thân của Quốc trưởng khẳng định rằng y có quan hệ gần gũi với nhà triệu phú Mỹ Henry Ford. Đến nỗi trong phòng làm việc của Quốc trưởng có treo bức chân dung của Ford, còn Ford thì giúp đỡ vật chất cho đảng của Hitler.

Ford ủng hộ quan điểm của Quốc trưởng và, có lẽ vì vậy đã chiếm được tình cảm của y, thậm chí còn được trao tặng huân chương “Đại bàng Đức”. Ngay cả trong những năm chiến tranh, các nhà máy của Ford vẫn tiếp tục sản xuất những chiếc xe tải chuyên dụng phục vụ nhu cầu của quân đội. Đồng thời, các loại ôtô con vẫn được sản xuất, bất chấp thời kỳ khó khăn, chúng vẫn được quảng cáo.

Tổng cộng, có 50.000 ôtô đã  được sản xuất, chiếm tới 60% trang bị kỹ thuật của “Ford” trên toàn mặt trận. Đây là những chiếc ôtô hạng nặng 2 và 3 tấn, nửa xích, xe địa hình Ford Typ EG. Nếu không có Ford, quân đội Đức sẽ không có đủ trang bị.

Heinrich Ford ra sức phủ nhận mối quan hệ gần gũi của mình với việc sản xuất ôtô ở Đức, thế nhưng hãng này vẫn trả hàng triệu USD tiền bồi thường cho những người bị bóc lột trong các nhà máy của ông ta trong chiến tranh.

Nguồn: [Link nguồn]

Một lá thư khiến Hitler gây ra cái chết của 300.000 người như thế nào?

Có thời điểm, nhiều gia đình có con và người thân khuyết tật rơi vào trạng thái hoang mang khi người thân bị đưa tới những địa điểm không xác định. Rồi một ngày, họ nhận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hậu ([Tên nguồn])
Trùm phát xít Hitler Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN