“Ác mộng” Nga - Triều Tiên của thủy quân lục chiến Mỹ

Thủy quân Lục chiến Mỹ đang tích cực luyện tập chiến đấu trong điều kiện giá rét để đề phòng xung đột vũ trang với một quốc gia như Nga hay Triều Tiên.

Lần cuối cùng Thủy quân Lục chiến Mỹ chiến đấu dưới điều kiện giá rét là gần 70 năm trước trong chiến dịch hồ Trường Tân, được xem là trận đánh quyết định trong chiến tranh Triều Tiên.

Hiện tại, Thủy quân Lục chiến Mỹ đang tập luyện để đề phòng một cuộc chiến tương tự, nhiều khả năng là với Nga hay Triều Tiên.

Đây là lí do lực lượng này tăng cường luyện tập chiến đấu, thử nghiệm trang thiết bị trong điều kiện lạnh kinh khủng cũng như làm quen với chiến thuật và những thử thách hậu cần khi chiến đấu trên lãnh nguyên phủ đầy tuyết.

Chiến đấu chống kẻ thù và rét buốt

Môi trường thời tiết rét cực đoan có thể ảnh hưởng đến mọi thứ. Các hệ thống vũ khí không hoạt động hiệu quả 100%, radio và các phương tiện phải được tăng cường bảo dưỡng trong khi khả năng vận hành của máy bay cũng bị ảnh hưởng xấu.

“Ác mộng” Nga - Triều Tiên của thủy quân lục chiến Mỹ - 1

Trong điều kiện rét buốt, tính hiệu quả của vũ khí bị giảm. Ảnh: Thủy quân Lục chiến Mỹ

Để sinh tồn trong điều kiện tuyết và nhiệt độ âm, Thủy quân Lục chiến Mỹ phải mang thêm nhiều trang thiết bị hơn, chẳng hạn như quần áo giữ ấm, ván trượt tuyết, giày đi trong tuyết hay bếp để nấu tan nước uống. Điều này có nghĩa là mọi hoạt động, từ khâu chuẩn bị đến thực hiện, đều tốn nhiều thời gian hơn.

Ngoài ra, các binh sĩ Mỹ còn phải đối mặt với những mối đe dọa khác như mất nước, sốc nhiệt hay kiệt sức vì nhiệt.

Tỉ lệ dính chấn thương có xu hướng gia tăng trong điều kiện thời tiết giá rét. Một tiểu đoàn bộ binh sẽ có 15-30 binh sĩ thương vong khi tiến hành các chiến dịch trong thời tiết nóng hay ôn hòa. Tuy nhiên, Thủy quân Lục chiến Mỹ tập luyện vào mùa đông ở trung tâm Bridgeport, bang California, sẽ chứng kiến 30-45 ca bị thương – theo chỉ dẫn của Thủy quân Lục chiến Mỹ về các chiến dịch của đơn vị nhỏ trong chiến tranh đồi núi.

Trong khi đó, điều kiện thời tiết giá rét ở địa hình đồi núi khiến rủi ro thiệt mạng từ chấn thương cao hơn vì máy bay và lực lượng y tế khó tiếp cận khu vực.

Thức ăn và nước uống

Cơ thể người cần nhiều năng lượng hơn để chuyển hóa thành nhiệt giữ ấm cơ thể trong điều kiện giá rét. Điều này có nghĩa là một binh sĩ cần phải tiêu thụ đến 4.000 calories/ngày - Trung úy Wilson J. Fortune, một chỉ huy trung đoàn của Thủy quân Lục chiến Mỹ được triển khai đến Na Uy, cho biết.

Trong khi đó, ngay cả lương khô năng lượng cao được sản xuất cho binh sĩ chiến đấu trong thời tiết lạnh chỉ cung cấp hơn 1.500 calories/bữa – giới chức Quân đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ cho hay.

Mất nước cũng là một rủi ro vô cùng lớn, đặc biệt là vì không khí lạnh đôi khi có thể khiến binh sĩ nghĩ rằng họ không khát nước.

“Ác mộng” Nga - Triều Tiên của thủy quân lục chiến Mỹ - 2

Lần cuối cùng Quân đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ chiến đấu dưới điều kiện giá rét là gần 70 năm trước. Ảnh: Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Thời tiết lạnh cực đoan ở những nơi như Nga và Triều Tiên là một cơn ác mộng đối với các nhà hoạch định hậu cần và chiến lược.

Nhu cầu thức ăn và nước uống cao hơn, rủi ro sức khỏe từ địa hình cao, thương vong nhiều hơn trong khi khả năng tiếp cận khu vực của trực thăng cứu hộ hạn chế là những thách thức mà Thủy quân Lục chiến Mỹ phải đối mặt.

Duy trì khả năng tác chiến

Thủy quân Lục chiến Mỹ phải đối mặt với hàng loạt thử thách mỗi ngày vì thời tiết rét buốt. Cùng lúc, họ phải duy trì được tốc độ, độ linh hoạt và khả năng tác chiến để đương đầu với kẻ thù.

Nhiệt độ lạnh ảnh hưởng đến mọi thứ từ đạn đến rốc-két. Nó đốt ở tốc độ chậm hơn, khiến những vũ khí như súng máy, súng trường, súng cối, súng chống tăng AT-4 và súng phóng lựu M-203… giảm hiệu quả và tầm bắn.

Đây là một bài học mà lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã rút ra được từ chiến dịch hồ Trường Tân năm 1950.

Thiết bị mới

Thủy quân Lục chiến Mỹ muốn mua một loại nón mới sử dụng trong điều kiện thời tiết lạnh cực đoan có thể chống chọi nhiệt độ - 45 độ C và găng tay có khả năng chạm màn hình cảm ứng, theo Bộ tư lệnh đặc trách Hệ thống Quân đoàn Thủy quân Lục chiến (MCSC).

Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng đang lên kế hoạch chi khoảng 7 triệu USD mua gần 2.700 bộ ván trượt tuyết, giày và thiết bị binding (thiết bị trung gian để gắn chặt chân vào ván trượt tuyết).

Tuy nhiên, việc chiến đấu hiệu quả trên chiến trường băng tuyết không phụ thuộc hoàn toàn vào quần áo hay ván trượt mới.

“Ác mộng” Nga - Triều Tiên của thủy quân lục chiến Mỹ - 3

Thời tiết lạnh cực đoan ở những nơi như Nga và Triều Tiên là một cơn ác mộng đối với các nhà hoạch định hậu cần và chiến lược. Ảnh: Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Khả năng di chuyển trong địa hình phủ đầy tuyết cũng là một vấn đề quan trọng và đã được đề cập đến hồi tháng 1. Quân đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ không có nhiều phương tiện di chuyển qua địa hình tuyết.

Thực chất, họ chỉ có duy nhất một phương tiện có tên là BV-206, theo Defense News. BV-206 là phương tiện nhỏ để chở các binh sĩ qua địa hình tuyết phủ dày nhưng lại không được bọc thép và rất khó trang bị vũ khí.

Đã sẵn sàng chiến đấu?

Mặc dù tăng cường luyện tập, không phải binh lính Thủy quân Lục chiến Mỹ nào cũng có cơ hội tập luyện tại trung tâm mô phỏng chiến tranh đồi núi ở Bridgeport hay trong điều kiện giá rét thật sự. Vào năm 2017, Quân đoàn Thủy quân Lục chiến đã triển khai binh lính đến Na Uy – nơi cung cấp cho họ cơ hội luyện tập chiến đấu và sinh tồn trong giá rét tốt nhất. Tuy nhiên, số lượng được triển khai không nhiều - chỉ khoảng 300 binh sĩ.

Quân đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ đã và đang luyện tập trong điều kiện rét buốt với các đơn vị nhỏ và điều này có thể không hiệu quả nếu họ phải đương đầu với một kẻ thù lớn.

Thủy quân Lục chiến Mỹ phải tăng cường tập luyện và thử nghiệm khí tài quân sự chiến đấu trong thời tiết lạnh cực đoan để từ đó có những điều chỉnh phù hợp, theo Defense News.

Trận đánh Triều Tiên bắt sống tướng chỉ huy quân đội Mỹ

Thiếu tướng Mỹ chỉ huy sư đoàn bộ binh số 24 có lẽ không bao giờ ngờ rằng ông có ngày bị quân địch bắt sống, giam...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN