Ác liệt chiến sự Nga-Ukraine, đường đàm phán thêm chông gai

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các diễn biến leo thang xoay quanh cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk (Nga) làm lu mờ triển vọng đàm phán hòa bình cho chiến sự Nga-Ukraine.

Đã gần 10 ngày kể từ khi Ukraine đưa quân tràn sang biên giới tấn công tỉnh Kursk của Nga, các đợt giao tranh tại khu vực vẫn tiếp diễn. Đáng quan ngại hơn là cả hai đều thể hiện quyết tâm sẽ chiến đấu tới cùng, làm lu mờ triển vọng đàm phán cho cuộc xung đột kéo dài gần 30 tháng.

Ukraine tìm cách tăng “quỹ trao đổi” với Nga

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, lực lượng Ukraine đã tiến thêm 1-2km vào tỉnh Kursk trong ngày 14-8, theo hãng tin Reuters.

“Chúng tôi đang tiến vào Kursk, từ 1 đến 2 km ở nhiều khu vực khác nhau kể từ đầu ngày” - ông Zelensky nói trong bài phát biểu chung với Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi đăng trên Telegram.

Ông Zelensky nói thêm rằng quân Ukraine đã bắt 100 binh sĩ Nga và cho rằng việc này sẽ “đẩy nhanh quá trình hồi hương” của những binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ. “Cuộc tiến công của chúng ta tại Kursk đang diễn ra tốt đẹp – chúng ta đang đạt được mục tiêu chiến lược của mình. ‘Quỹ trao đổi’ của Ukraine cũng đã được bổ sung đáng kể” - Tổng thống Ukraine nói thêm.

Về phần ông Syrskyi, vị tổng tư lệnh cho hay Kiev đã kiểm soát được hơn 1.000 km2 lãnh thổ Nga và thị trấn biên giới Sudzha của Nga hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Nhận xét về chiến dịch ở tỉnh Kursk, giới lãnh đạo Ukraine nói rằng quân đội nước này đã thành lập một “vùng đệm” tại Kursk, nằm giữa Nga và Ukraine, từ đó bảo vệ lãnh thổ Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Nga.

“Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang tạo ra một vùng đệm an ninh trên lãnh thổ Nga giáp với Ukraine” - Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nói, cho biết thêm rằng Ukraine cung cấp đường dây nóng 24 giờ cho cư dân tỉnh Kursk muốn sơ tán đến Ukraine.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine - ông Ihor Klymenko cho rằng việc tạo ra vùng đệm tại tỉnh Kursk là bước đi nhằm bảo vệ các cộng đồng biên giới Ukraine khỏi các cuộc pháo kích hàng ngày của Nga.

Vị bộ trưởng trích dẫn số liệu rằng chỉ riêng mùa hè năm nay quân đội Nga đã tiến hành hơn 2.000 cuộc không kích nhằm vào tỉnh Sumy (giáp tỉnh Kursk của nga) bằng tên lửa, pháo binh, tên lửa phòng không, bom lượn và súng cối.

Xe quân sự của Ukraine tại tỉnh Sumy (Ukraine, giáp tỉnh Kursk của Nga) ngày 13-8. Ảnh: AFP

Xe quân sự của Ukraine tại tỉnh Sumy (Ukraine, giáp tỉnh Kursk của Nga) ngày 13-8. Ảnh: AFP

Ukraine tin tưởng rằng các cuộc tấn công vào tỉnh Kursk đã góp phần phân tán lực lượng Nga khỏi tiền tuyến miền đông Ukraine.

Ngày 14-8, ông Dymtro Kholod - chỉ huy tiểu đoàn “Nightingale” của quân đội Ukraine - nói với đài CNN rằng Nga đã rút quân dự bị khỏi các khu vực chiến trường quan trọng ở Ukraine (bao gồm tỉnh Zaporizhia và Kharkiv) và bán đảo Crimea để hỗ trợ hoạt động ở Kursk.

Bên cạnh tấn công Kursk, lực lượng Kiev gần đây mở rộng các cuộc tấn công trên nhiều tỉnh khác của Nga giáp biên giới Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cũng cho biết các lực lượng Ukraine ngày 14-8 đã mở cuộc tấn công vào 4 sân bay Nga ở các tỉnh Voronezh, Kursk và Nizhny Novgorod.

Ukraine cho biết đây là cuộc tấn công quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào các sân bay Nga. Cuộc tấn công là kết quả của sự phối hợp giữa không quân, Lực lượng tác chiến đặc biệt của Ukraine, cùng với Cục An ninh Ukraine (SSU) và Tình báo quốc phòng Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14-8 báo cáo rằng bên cạnh việc đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine ở Kursk, quân đội Nga cũng bắn hạ những vũ khí này tại tỉnh Voronezh và tỉnh Belgorod (đều là các tỉnh Nga giáp biên giới Ukraine).

Nga quyết chiến tới cùng, tuyên bố ngừng đàm phán

Về phía Moscow, Bộ Quốc phòng Nga ngày 14-8 nói rằng quân đội nước này tiếp tục “đẩy lùi nỗ lực” của Ukraine trong việc xâm nhập vào lãnh thổ Nga. Theo đó, Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga, với sự hỗ trợ UAV, đã ngăn chặn nhiều đợt tiến công của quân đội Ukraine.

Cũng theo bộ này, Nga tiếp tục tấn công bằng máy bay vào lực lượng dự bị của Ukraine ở tỉnh Sumy.

Bộ Quốc phòng Nga ước tính kể từ khi phát động cuộc tấn công vào Kursk, Ukraine đã mất hơn 2.300 binh sĩ, 37 xe tăng, 32 xe bọc thép chở quân, 18 xe chiến đấu bộ binh, 192 xe chiến đấu bọc thép, 88 phương tiện, 4 hệ thống tên lửa phòng không, hai bệ phóng tên lửa đa nòng và 15 khẩu pháo dã chiến. Moscow cũng cho biết đã sơ tán 8.000 dân thường tỉnh Kursk đến các trung tâm trú ẩn.

Ngoài ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine ở Kursk, Nga tăng cường hoạt động trên chiến trường miền đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho hay chỉ riêng ngày 14-8 Nga đã tấn công vào nhân lực và thiết bị của Ukraine tại gần 150 khu vực trên chiến trường, khiến đối phương tổn thất hàng ngàn binh sĩ, theo hãng thông tấn TASS.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cũng báo cáo về các cuộc pháo kích dữ dội của Nga tại nhiều tỉnh thành trên khắp Ukraine. Trong ngày 14-8, Ukraine ghi nhận 106 cuộc giao tranh dọc theo tiền tuyến, trong đó, dữ dội nhất là ở TP Pokrovsk (tỉnh Donetsk).

Một tòa nhà này tại tỉnh Kursk của Nga trúng tên lửa Ukraine hôm 11-8. Ảnh: REUTERS

Một tòa nhà này tại tỉnh Kursk của Nga trúng tên lửa Ukraine hôm 11-8. Ảnh: REUTERS

Trên mặt trận ngoại giao, Nga tiếp tục chỉ trích Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án chiến dịch của Kiev. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) công nhận cuộc xâm nhập của Ukraine vào tỉnh Kursk là một hành động “khủng bố” trắng trợn.

“Hành động xâm lược của Ukraine không chỉ là vi phạm nhân quyền, mà là hành động khủng bố chống lại dân thường” - bà Zakharova nói, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng LHQ sẽ cử phái đoàn đánh giá đầy đủ về sự tàn phá do lực lượng Ukraine gây ra trên lãnh thổ Nga.

Cũng trong ngày 14-8, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga - ông Rodion Miroshnik nói rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk đã “chấm dứt khả năng đàm phán hòa bình” để kết thúc chiến sự Nga-Ukraine.

“Với các hành động khủng bố ở Kursk, Ukraine đã tạm dừng lâu dài tiến trình đàm phán hòa bình. Việc đàm phán với một đối thủ hoàn toàn mất trí là không thể” - đài RT dẫn lời ông Miroshnik.

Bình luận của ông Miroshnik lặp lại phát ngôn trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga sẽ không “đàm phán với những kẻ tiến hành tấn công bừa bãi vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng đe dọa các cơ sở năng lượng hạt nhân Nga”.

Anh, Phần Lan cho phép Ukraine sử dụng vũ khí nước này tấn công Nga

Tờ Independent ngày 14-8 đưa tin Bộ Quốc phòng Anh ra tín hiệu rằng lực lượng Ukraine được tự do sử dụng các loại vũ khí do Anh cung cấp để tiến vào lãnh thổ Nga.

“Không có thay đổi nào trong chính sách của chính phủ Anh. Theo Điều 51 của Hiến chương LHQ, Ukraine có quyền tự vệ rõ ràng trước các cuộc tấn công bất hợp pháp của Nga, điều đó không loại trừ các hoạt động bên trong nước Nga” - Independent dẫn lời một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh.

Trước đó, ngày 13-8, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói rằng Ukraine có mọi quyền tự vệ và có thể sử dụng vũ khí do Phần Lan cung cấp tấn công lãnh thổ Nga, tờ yle của Phần Lan đưa tin.

“Chúng tôi không thấy lý do gì để hạn chế hoạt động của Ukraine. Chúng tôi không có bất kỳ hạn chế nào về loại vũ khí nào và cách Ukraine có thể sử dụng chúng. Điểm khởi đầu cho mọi thứ là Ukraine có toàn quyền tự vệ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế” - ông Stubb nói.

Nga chưa bình luận thông tin trên nhưng giới quan sát cho rằng các diễn biến này sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Moscow với phương Tây.

Mặc dù tuyên bố kiểm soát được khu vực rộng hơn 1.000 km2 sau cuộc đột kích bất ngờ vào tỉnh Kursk, song Ukraine giờ đây đang phải đối diện rủi ro chồng chất về viện trợ quân đội và kế hoạch đáp trả mạnh mẽ từ Nga. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN