Ả Rập Saudi "dọa" khiến G7 từ bỏ nỗ lực tịch thu tài sản Nga?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhóm các quốc gia G7 nhiều khả năng sẽ từ bỏ kế hoạch của Mỹ về việc tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga do "đe dọa" từ phía Ả Rập Saudi, Bloomberg ngày 9/7 đưa tin.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Riyadh vào ngày 6/12/2023.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Riyadh vào ngày 6/12/2023.

Mỹ và Anh là hai quốc gia đi đầu trong nỗ lực nhằm tịch thu khối tài sản trị giá 280 tỷ USD của Nga mà phương Tây đóng băng kể từ tháng 2/2022.

Cho đến nay, các nước châu Âu chỉ đồng ý chuyển tiền lãi tạo ra từ khối tài sản Nga cho Ukraine, tương đương khoảng 3 tỷ USD/năm mà chưa tán thành tịch thu tài sản.

Bloomberg hôm 9/7 dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Ả Rập Saudi cảnh báo có thể bán một số khoản nợ của Liên minh châu Âu (EU) nếu nhóm G7 tiếp tục tìm cách tịch thu tài sản Nga. Cụ thể là nợ do kho bạc Pháp phát hành.

Nguồn tin giấu tên mô tả thông điệp từ Bộ Tài chính Ả Rập Saudi mang ý nghĩa "đe dọa rõ ràng". Theo nguồn tin, G7 nhiều khả năng sẽ tạm thời từ bỏ các nỗ lực nhằm tịch thu tài sản Nga. Giải pháp chuyển tiền lãi từ tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine sẽ vẫn được thực hiện. Moscow đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định này của EU.

Trả lời Bloomberg, phát ngôn viên Bộ Tài chính Ả Rập Saudi nói quốc gia "không hề đe dọa" G7. “Mối quan hệ của chúng tôi với G7 và các nước khác là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi tiếp tục thảo luận về mọi vấn đề liên quan việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính quốc tế”, Bộ Tài chính Ả Rập Saudi cho biết. Một quan chức Ả Rập Saudi nói quốc gia không "đe dọa" mà chỉ nêu một số hậu quả nếu G7 tịch thu tài sản Nga.

Ả Rập Saudi sở hữu khoảng 135 tỷ đô la trái phiếu kho bạc Mỹ và một lượng trái phiếu không xác định của châu Âu.

Trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, Ả Rập Saudi giữ lập trường trung lập, ủng hộ các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại. Ả Rập Saudi một mặt tích cực hợp tác quân sự với Mỹ, mặt khác duy trì quan hệ kinh tế với Nga, đặc biệt là cùng Nga đưa ra các chính sách xuất khẩu dầu.

Trong khuôn khổ của Sáng kiến Tầm nhìn 2030, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman muốn biến quốc gia của ông thành trung tâm du lịch và điểm đến lý tưởng dành cho người lao động nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN