9 điểm quan trọng trong Chiến lược an ninh của Nga 2016

Tổng thống Vladimir Putin vừa đặt bút ký Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016 của Nga, trong đó nhấn mạnh, sự bành trướng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vũ khí sinh học… là những mối đe dọa lớn nhất đối với nước này.

Dưới đây là 9 nội dung chính và quan trọng nhất trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016 của Nga được đăng tải trên hãng tin RT.

9 điểm quan trọng trong Chiến lược an ninh của Nga 2016 - 1

Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016 của Nga vừa được Tổng thống Putin phê chuẩn.

1. Sự bành trướng thái quá của NATO

Theo Chiến lược an ninh quốc gia Nga năm 2016, việc NATO mở rộng liên minh về phía biên giới của nước Nga là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Theo đó, NATO đang thực hiện quá trình quân sự hóa và nâng cấp vũ trang tại các khu vực giáp giới với Nga. 

9 điểm quan trọng trong Chiến lược an ninh của Nga 2016 - 2

Binh sĩ NATO.

Tuy nhiên, Nga vẫn muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp và đối thoại công bằng với với NATO, Mỹ, và Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ các điều ước quốc tế về kiểm soát vũ khí, các biện pháp xây dựng lòng tin, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, giải quyết các xung đột khu vực...

2. Các nguy cơ từ vũ khí sinh học

Theo Chiến lược an ninh quốc gia của Nga năm 2016, số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng đang tạo ra nhiều rủi ro. Ngoài ra, nguy cơ các nước tìm cách sở hữu và sử dụng vũ khí hóa học cũng như vũ khí sinh học cũng đang tăng lên. Nga đã cáo buộc Mỹ đang đặt ra những nguy cơ liên quan đến vũ khí sinh học.

"Mạng lưới phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Mỹ đang mở rộng ra các nước lân cận Nga. Các chính sách đối nội và đối ngoại của Nga đang phải đối mặt với những hành động trả đũa của Mỹ và đồng minh - những nước luôn tìm cách thống trị tình hình thế giới", văn bản này viết.

3. Cách mạng màu

Danh sách những mối đe dọa lớn nhất tới an ninh quốc gia Nga trong năm 2016 đề cập đến cách mạng màu và những hỗn loạn do nó gây ra; nguy cơ đánh mất những giá trị truyền thống; và nạn tham nhũng.

Nga cảnh báo đối tượng có thể gây ra cách mạng màu đe dọa an ninh ước này là "các tổ chức xã hội lợi dụng những tư tưởng dân tộc và tôn giáo cực đoan, những tổ chức phi chính phủ nước ngoài".

Ngoài ra, văn bản cũng cho rằng chính các công dân Nga, những người luôn tìm cách phá hoại toàn vẹn lãnh thổ và gây bất ổn chính trị cho đất nước, cũng là những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ gây ra cách mạng màu.

4. Vấn đề Ukraine

Nga giữ quan điểm lâu nay cho rằng, sự hậu thuẫn của Mỹ và EU đối với cuộc đảo chính tại Ukraine đã dẫn tới hậu quả là sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ukraine, thúc đẩy sự bùng nổ của xung đột vũ trang.

Sự nổi lên của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực hữu và việc cố tình bóp méo hình ảnh nước Nga là "kẻ thù" tại Ukraine đã trở thành "đòn bẩy của sự bất ổn tại châu Âu, và trực tiếp ảnh hưởng tới biên giới Nga".

5. Không sử dụng vũ khí hạt nhân?

Nga tuyên bố, nước này sẵn sàng đàm phán đa phương về hạn chế tiềm lực hạt nhân, nhưng với điều kiện các thỏa thuận đưa ra phải phục vụ lợi ích của tất cả các bên.

9 điểm quan trọng trong Chiến lược an ninh của Nga 2016 - 3

Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nga (Ảnh Reuters)

Nga khẳng định, nước này có thể hạn chế phát triển chương trình hạt nhân trong trường hợp, động thái này đóng vai trò là "đòn bẩy cho việc giảm thiểu vũ khí hạt nhân, mà không ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược cũng như tình hình an ninh quốc tế.

Tuy nhiên, Chiến lược an ninh quốc gia của Nga năm 2016 nhấn mạnh, Nga sẽ vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe. Đồng thời, nước này cũng sẽ sử dụng biện pháp quân sự nếu như tất cả các hướng giải quyết phi quân sự khác thất bại.

6. Chiến tranh thông tin

Chiến lược an ninh quốc gia mới nhấn mạnh, các cơ quan tình báo của nước này đã và đang hoạt động tích cực hơn và tận dụng mọi khả năng của mình trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hường toàn cầu.

"Cả một hệ thống, từ chính trị, tài chính, kinh tế, cho tới thông tin, đã được đem ra tham chiến trên mặt trận tranh giành ảnh hưởng trên trường quốc tế".

7. Thời điểm sử dụng vũ lực

Chiến lược an ninh quốc gia mới cho phép sử dụng lực lượng quân đội khi tất cả các biện pháp khác nhằm "bảo vệ lợi ích quốc gia" thất bại, không đem lại kết quả.

Trước đó, hồi cuối tháng 9 năm ngoái, Quốc hội Nga đã nhất trí ủy quyền cho Tổng thống Putin điều động Không quân tới Syria để "bảo vệ lợi ích quốc gia" Nga. 

8. Vấn đề kinh tế

Chiến lược an ninh quốc gia mới thừa nhận, nền kinh tế Nga đang thiếu đi tính cạnh tranh trên thị trường, cũng như phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Đây là một mối đe dọa đối với an ninh nước Nga.

Ngoài ra, các vấn đề ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế Nga bao gồm công nghệ lạc hậu, lỗ hổng của hệ thống tài chính, sự mất cân bằng của hệ thống ngân sách, sự cạn kiệt của các nguồn nguyên liệu cơ bản, nạn tham nhũng...

Việc Nga phụ thuộc vào môi trường kinh tế thế giới cũng đe dọa sự ổn định của nền kinh tế riêng của nước này.

9. Hướng đi tiếp theo cho nền kinh tế

Để đảm bảo an ninh kinh tế, Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016 của Nga nhấn mạnh việc cân bằng ngân sách, không để "chảy máu" vốn và giảm lạm phát.

Chính phủ sẽ thực thi những chính sách xã hội và kinh tế, trong đó bao gồm việc củng cố hệ thống tài chính, đảm bảo sự ổn định của đồng nội tệ để chống lại những mối đe dọa đối với an ninh kinh tế.

Nga cũng nhấn mạnh việc phát triển quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Mỹ Latin, và các nước châu Phi là những bước đi quan trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN