8.000 lính Mỹ giám sát bầu trời Trung Đông giữa lúc Qatar tổ chức World Cup
Trong khi hàng trăm nghìn người hâm mộ bóng đá từ khắp nơi trên thế giới đổ về sự kiện World Cup ở Qatar, khoảng 8.000 lính Mỹ đang đóng quân trong một căn cứ bí mật gần Doha để bảo vệ an ninh và giám sát không phận vùng Trung Đông.
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Al-Udeid (ảnh: AP)
Được xây dựng trên một sa mạc cách thủ đô Doha của Qatar khoảng 30km về phía tây nam, căn cứ không quân Al-Udeid từng là khu vực nhạy cảm đến mức giới chức quân đội Mỹ chỉ nói nó “nằm ở đâu đó” thuộc vùng Tây Nam Á.
Ngày nay, vị trí của Al-Udeid được tiết lộ tương đối cụ thể. Qatar coi căn cứ này là “viên ngọc chiến lược”, thể hiện mối quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ của đất nước Ả Rập với Mỹ. Mỹ cũng coi Qatar là đồng minh chính ngoài NATO.
Theo Washington Post, căn cứ Al-Udeid ban đầu có khoảng 10.000 quân. Số lượng binh sĩ ở đây đã giảm 1/5, sau khi Mỹ quyết định rút bớt quân khỏi khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng của Al-Udeid, Qatar đã đóng góp hơn 8 tỷ USD từ năm 2003 để mở rộng căn cứ này. Al-Udeid hiện đã có bãi đỗ máy bay vận tải C-17 và đường băng dài để máy bay ném bom hạng nặng nhất của Mỹ cất cánh. Căn cứ này thậm chí còn có quầy bán đồ ăn từ các hãng Burger King, Pizza Hut và phòng tập gym cho các binh sĩ.
Trong kỳ World Cup 2023, sự hiện diện của căn cứ Al-Udeid có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của nước chủ nhà. Mỹ cũng điều lực lượng an ninh tới bảo vệ sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh.
“Có một cam kết to lớn của Không quân Mỹ đối với Qatar. Chúng tôi cam kết hiện diện lâu dài”, Erin Brilla – trung tá Mỹ tại căn cứ Al-Udeid – nói với AP.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Qatar cho biết: “Chúng tôi và Mỹ có các thỏa thuận kỹ thuật nhằm xác định và đưa ra phản ứng chung. Lực lượng Mỹ cũng góp phần giữ an toàn cho FIFA World Cup 2022”.
Máy bay quân sự tại căn cứ Al-Udeid (ảnh: AP)
Đối với Qatar, Al-Udeid hiện diện mang tới sự bảo vệ trong một khu vực có nhiều bất ổn. Năm 2017, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Ả Rập Saudi và Bahrain đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar. Quan hệ giữa Qatar với 4 nước trên chỉ mới tạm “lắng dịu” trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Iran – quốc gia có chung mỏ khí đốt với Qatar – cũng được cho là có khả năng uy hiếp Doha, theo AP.
Đối với các binh sĩ Mỹ ở căn cứ Al-Udeid, trong khi giám sát không phận Trung Đông, họ cũng biết cách để tận hưởng lễ hội bóng đá.
Binh sĩ Mỹ ở Al-Udeid cho biết, họ thường lái xe đến các sân vận động ở Doha để cổ vũ cho đội tuyển Mỹ khi có thời gian. Một binh sĩ tuyên bố đã đến xem 7 trận đấu.
“Tôi rất phấn khích khi thấy đội tuyển Mỹ thi đấu. Họ đặt trái tim và linh hồn vào sân cỏ, giống như những người lính ở đây tập trung vào nhiệm vụ”, Kayshel Trudell – đại úy Mỹ ở căn cứ Kayshel Trudell – chia sẻ, đề cập tới chiến thắng 1 – 0 của đội tuyển Mỹ trước Iran.
Căn cứ Al-Udeid có một quầy bar riêng dành cho các binh sĩ theo dõi World Cup. FIFA đã cấp phép cho Cơ quan quản lý dịch vụ truyền hình thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phát sóng các trận đấu bóng đá.
“Thật là một trải nghiệm thú vị khi có mặt tại Qatar trong thời gian diễn ra World Cup”, trung tá Erin Brilla nói, cho biết thêm rằng “gần như mọi chiếc TV” trong căn cứ đều chiếu các trận đấu bóng đá, chỉ trừ các màn hình theo dõi không phận.
Nguồn: [Link nguồn]
Ban đầu, một số cổ động viên nước ngoài lo ngại rằng, họ có thể gây khó chịu với người dân Qatar nếu sử dụng món đồ này, nhưng thực tế lại khác xa.