80 năm sau trận ác chiến với phát xít Nhật, Trân Châu Cảng của Mỹ giờ ra sao?
Hôm 7.12, Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm đánh dấu 80 năm ngày phát xít Nhật tấn công căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng (Hawaii) trong bối cảnh “thế hệ vĩ đại nhất” của nước này “kẻ mất người còn”.
Tổng thống Mỹ Biden dự lễ kỷ niệm trận Trân Châu Cảng (ảnh: Reuters)
Sáng ngày 7.12.1941, hải quân phối hợp không quân phát xít Nhật mở cuộc tấn công bất ngờ vào căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng. Hơn 2.300 lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến này. Nhiều tàu chiến, máy bay Mỹ cũng bị phá hủy.
Một ngày sau vụ tấn công, Mỹ tuyên chiến với Nhật và chính thức bị kéo vào Thế chiến II. Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D.Roosevelt gọi ngày Trân Châu Cảng bị tấn công là “ngày nước Mỹ sống trong ô nhục”.
Theo các nhà sử học, vụ tấn công ngày 7.12.1941 đã làm “rung chuyển” nước Mỹ khi đang quá tập trung vào chiến trường châu Âu mà bỏ qua mối nguy từ Nhật. Nhật Bản tấn công căn cứ quân sự của Mỹ mà không hề tuyên chiến trước đó.
Trận Trân Châu Cảng – Mỹ thất bại nặng nề (ảnh: CNN)
“Những người lính anh hùng của Mỹ sống sót sau trận Trân Châu Cảng đang ngày càng ít đi. Họ là những người thuộc thế hệ vĩ đại nhất của nước Mỹ. Họ gia nhập quân đội, nếm trải chiến tranh và chiến thắng trong vinh quang với sức mạnh tuyệt vời”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói trong lễ kỷ niệm ngày 7.12.
Tổng thống Joe Biden cùng phu nhân cũng tham dự và đặt vòng hoa tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày Trân Châu Cảng bị tấn công. Sự kiện được tổ chức tại thủ đô Washington của Mỹ. Bà Jill Biden cho biết cha mình cũng từng là lính đặc nhiệm hải quân Mỹ chiến đấu trong Thế chiến II.
“Chúng ta tôn vinh những người yêu nước đã ngã xuống và tưởng nhớ đến lòng dũng cảm của họ. Chúng ta sẽ bảo vệ hòa bình và mang đến một tương lai tốt đẹp hơn”, Tổng thống Biden phát biểu.
Lễ kỷ niệm sự kiện Trân Châu Cảng bị tấn công cũng được tổ chức ở Hawaii và nhiều nơi khác trên đất Mỹ.
Phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng mà không hề đưa ra lời tuyên chiến (ảnh: History)
Mỹ quy hoạch lại Trân Châu Cảng sau vụ tấn công (ảnh: NI)
Quang cảnh Trân Châu Cảng nhìn từ một tàu chiến (ảnh: Planetware)
Sau khi phải hứng chịu thiệt hại nặng nề, Mỹ đã gấp rút sửa chữa lại căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng và giáng trả phát xít Nhật nhiều đòn đau. Theo National Interest, Mỹ mất tổng cộng 833 ngày để trục vớt các tàu đắm, sửa chữa, nâng cấp và đưa căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng trở lại hoạt động bình thường.
Một số chuyên gia nghiên cứu lịch sử cho rằng, vụ ném bom nguyên tử vào 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki là cách Mỹ trả đũa Nhật Bản sau trận Trân Châu Cảng.
Ngày nay, Trân Châu Cảng là căn cứ hải quân lớn và hiện đại bậc nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo Hawaiilife, có khoảng 20.000 binh sĩ Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng và vẫn tăng đều đặn hàng năm. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trân Châu Cảng giúp Hawaii thu được hàng tỷ USD ngân sách mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho khoảng 80.000 người dân.
Bảo tàng quân sự ở Trân Châu Cảng (ảnh: Huffpost)
Trân Châu Cảng vẫn là căn cứ hải quân hiện đại bậc nhất của Mỹ (ảnh: USA Today)
Tàu chiến Mỹ phủ kín ở Trân Châu Cảng (ảnh: NI)
Cựu binh hải quân Mỹ thăm lại Trân Châu Cảng (ảnh: Reuters)
Đài tưởng niệm lính Mỹ thiệt mạng ở Trân Châu Cảng, xây dựng bên trên chiến hạm USS Arizona bị Nhật đánh chìm (ảnh: Reuters)
Năm 2010, hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng và không quân kết hợp thành căn cứ liên hợp Trân Châu Cảng – Hickam. Quân đội Mỹ có 9 tàu khu trục, 11 tàu ngầm lớp Los Angeles, 6 tàu ngầm lớp Virginia và nhiều tàu chiến hoạt động ở Trân Châu Cảng. Đây cũng là cơ sở bảo dưỡng duy nhất cho các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh ở Trung Thái Bình Dương.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc để phần lãnh thổ này rơi vào tay “kẻ tử thù” phát xít suýt nữa đã đẩy cả một hạm đội hải quân Mỹ vào...