8 mục tiêu Mỹ có thể oanh tạc nếu đánh phủ đầu Triều Tiên
Các cơ sở hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo Triều Tiên sẽ là mục tiêu hàng đầu nếu Mỹ quyết định tấn công phủ đầu nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) để ngỏ giải pháp quân sự nhằm vào Triều Tiên.
Theo National Interest, cách đây hơn 2 thập kỷ, Triều Tiên chỉ sở hữu duy nhất cơ sở hạt nhân Yongbyon. Chính quyền Bill Clinton khi đó đã cân nhắc kế hoạch tấn công cơ sở này để buộc Triều Tiên ngừng sản xuất plutonium.
Ngày nay, Triều Tiên đã mở rộng tới hàng chục cơ sở hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo. Chiến lược tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng của Mỹ vì vậy cũng thay đổi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện vẫn để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Dưới đây là những mục tiêu mà Mỹ có thể sẽ “dội bão lửa” nếu phát động tấn công quân sự Triều Tiên.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri
Cả 5 lần Triều Tiên thử hạt nhân dưới lòng đất đều diễn ra tại bãi thử này. Lần đầu tiên diễn ra năm 2006 với sức công phá khiêm tốn nhưng hai lần thử hạt nhân mới nhất vào năm ngoái, chứng kiến bom hạt nhân Triều Tiên gia tăng sức mạnh tới 15-20 kilotons, tương đương quả bom Mỹ từng ném xuống Hiroshima.
Triều Tiên không hề che giấu bãi thử hạt nhân hay mục đích sử dụng cơ sở này. Các bức ảnh vệ tinh do giới quan sát ghi nhận ở Punggye-ri, thường báo trước hoạt động thử hạt nhân của Triều Tiên.
Địa điểm diễn ra 5 lần thử hạt nhân của Triều Tiên.
Punggye-ri được cho là có thể chịu những vụ thử hạt nhân có sức công phá lên đến 200 kiloton. Do đó, ngay cả những quả bom xuyên phá mạnh nhất cũng chưa chắc đem lại hiệu quả khi Mỹ tấn công địa điểm này.
Nhà máy chế tạo tên lửa Chanjin
Cách thủ đô Bình Nhưỡng chỉ vài km, Chanjin chính là nhà máy đóng vai trò chính trong việc chế tạo các thành phần tên lửa đạn đạo như hệ thống dẫn đường và kiểm soát.
Đây là nơi nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng đến thăm và chụp ảnh với một vật thể hình cầu. Ông Kim nói đó là đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa tầm xa.
Nhà máy này cũng có các thiết bị thử nghiệm linh kiện tên lửa. Đây được cho là nơi diễn ra cuộc thử nghiệm đường bay của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Triều Tiên vào năm 2016.
Trạm phóng vệ tinh Sohae
Trạm phóng này nằm ở tây bắc Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc. Đây là nơi đầu tiên diễn ra vụ phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.
Từ địa điểm này, tên lửa Triều Tiên có thể vượt qua lãnh thổ Nhật Bản để bay xuống phía nam và rơi xuống Thái Bình Dương.
Tên lửa tầm xa Triều Tiên được phóng lên từ trạm phóng vệ tinh Sohae.
Lần phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa đầu tiên tại trạm Sohae vào năm 2012 đã thất bại. Hai lần phóng sau đó diễn ra vào cuối năm 2012 và 2016 đã đưa thành công một vệ tinh của Triều Tiên lên quỹ đạo.
Tên lửa Unha mà Triều Tiên sử dụng để phóng vệ tinh được giới chuyên gia đồn đoán là phiên bản sơ khai của ICBM. Bởi tên lửa này có thể bay xa 6.000km.
Tổ hợp quân sự Kusong
Kusong nằm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, cách nhà máy hạt nhân Yongbyon khoảng 30km.
Kusong là một tổ hợp công nghiệp, quân sự quan trọng của Triều Tiên, bao gồm nhiều nhà máy sản xuất đạn dược nằm sát nhau.
Đây là nơi Bình Nhưỡng thử nghiệm nhiều vụ nổ có sức công phá lớn trong suốt nhiều năm trước khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Hiện các vụ thử vật liệu kích nổ bom hạt nhân vẫn diễn ra tại đây.
Kusong cũng thường xuyên được Triều Tiên sử dụng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Hồi tháng 2, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 ở gần khu vực này.
Vì ở gần bờ biển phía tây nên tên lửa phóng đi có thể đạt tầm cao lớn hơn mà không vi phạm không phận các nước láng giềng.
Căn cứ hải quân Sinpo
Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vào năm ngoái.
Nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên, Sinpo là căn cứ hải quân và xưởng đóng tàu lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Đây là nơi Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1. Năm 2016, tàu ngầm Triều Tiên rời căn cứ Sinpo đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo, mở rộng khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu của Bình Nhưỡng.
Sinpo được đánh giá là một mục tiêu tương đối dễ dàng và căn cứ này không có hang ngầm dành cho tàu ngầm.
Đây chắc chắn là mục tiêu hàng đầu mà các chiến lược gia quân đội Mỹ sẽ nghĩ đến nếu muốn vô hiệu hóa hải quân Triều Tiên khi xung đột nổ ra.
“Tấn công vào Sinpo là giấc mơ với bất kỳ nhà chiến lược nào”, một nhà phân tích Mỹ từng nói.
Bãi phóng Musudan-ri
Đây là địa điểm phóng tên lửa tầm xa chính của Triều Tiên ở phía bờ đông. Khu vực này còn được biết đến với tên gọi bãi phóng vệ tinh Tongae.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo Musudan được đặt tên từ bãi phóng này. Khu vực này được Triều Tiên phóng thử tên lửa liên tục trong giai đoạn những năm 1998 để tìm hiểu cơ chế hoạt động của tên lửa Scud.
Ngày nay, các vụ thử tên lửa mới đều được đưa sang bãi phóng ở bờ tây, vì có thể phóng tên lửa bay xa hơn đến Thái Bình Dương.
Cơ sở hạt nhân Yongbyon
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon nằm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là địa điểm nổi tiếng nhất trong chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Năm 1994, chính quyền Bill Clinton từng lên kế hoạch không kích mục tiêu này nhưng hai nước sau đó đã đạt thỏa thuận đóng cửa Yongbyon trong 8 năm.
Yongbyon là cơ sở cung cấp uranium làm giàu chính cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và có các khoảng 2000 máy ly tâm các loại.
Nhà máy Pyongsan
Tổ hợp tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Dù không phải là mục tiêu tấn công ưu tiên hàng đầu của Mỹ, vai trò của Pyongsan cũng rất quan trọng trong số những cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Do nằm gần một mỏ quặng urani, Pyongsan trở thành cơ sở chính tinh luyện thành phẩm urani trước khi chuyển sang các nhà máy làm giàu uranium.
Ngoài các cơ sở hạt nhân và tên lửa, Mỹ cũng có thể nhắm mục tiêu tới các căn cứ không quân của Triều Tiên nếu muốn vô hiệu hóa năng lực phòng vệ của nước này.
Hiện Triều Tiên sở hữu khoảng 1.300 máy bay quân sự, phần lớn có nguồn gốc từ thời Chiến tranh Lạnh và đã lỗi thời.
Triều Tiên cũng sở hữu một số chiến đấu cơ hiện đại như MiG-23, MiG-29 và Su-25.
Căn cứ không quân quan trọng nhất được đặt tại Sunchon, phía bắc Bình Nhưỡng. Nhiều chiến đấu cơ còn được Triều Tiên cất giấu dưới lòng đất, tránh các đợt không kích của đối phương.
Dựa trên dữ liệu thu thập được, một chuyên gia địa chính trị cho rằng cuộc chiến Mỹ-Triều Tiên sẽ diễn ra trong thời...