76 tù nhân Đồng Minh trốn khỏi nhà tù "không thể thoát" của Đức Quốc xã như thế nào?

Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt ngục khỏi nhà tù an ninh nghiêm ngặt của Hitler, nhóm tù nhân của phe Đồng minh không thể ngờ vẫn có sự cố xảy ra lúc hành sự. Bất chấp nguy hiểm, 76 người vẫn liều lĩnh hành động.

Các tù nhân xây một phòng giam tại nhà tù Stalag Luft III năm 1944. Ảnh: Getty

Các tù nhân xây một phòng giam tại nhà tù Stalag Luft III năm 1944. Ảnh: Getty

Khi xây dựng nhà tù Stalag Luft III cách Berlin 160km về phía đông nam để giam giữ hàng nghìn tù nhân là phi công của quân Đồng minh trong Thế chiến II, Đức Quốc xã đã áp dụng các biện pháp tinh vi để ngăn việc đào hầm vượt ngục. 

Nhà tù mà quân Đức mệnh danh là "không thể thoát" được xây dựng trên phần đất pha cát, rất khó để đào hầm nếu tù nhân muốn vượt ngục. Phòng giam được nâng cao để dễ phát hiện nếu tù nhân có đào hầm. Ngoài ra, Đức Quốc xã còn chôn các micro ghi lại địa chấn ở độ sâu 2,7m dọc theo hàng rào để phát hiện việc đào bới.  

Tuy nhiên, sự táo bạo, kiên trì và khéo léo đã giúp các tù nhân Đồng minh trốn khỏi nhà tù Stalag Luft III bằng chính cách mà Đức Quốc xã mất nhiều công để ngăn chặn: Đào hầm. 

Cuộc vượt ngục quy mô lớn

Chiến dịch vượt ngục bí mật do Roger Bushell, một phi công thuộc Không quân Hoàng gia Anh, lãnh đạo. Mùa xuân năm 1943, Bushell và hơn 600 tù nhân khác bắt đầu xây dựng 3 đường hầm với mật danh là Tom, Dick và Harry. 

Cụ thể, kế hoạch vượt ngục đòi hỏi mỗi đường hầm dài hơn 90m từ nhà tù tới khu vực bìa rừng bên ngoài hàng rào của nhà tù. Những người vượt ngục mặc quần áo dân sự, mang theo bản đồ, la bàn sẽ đi tàu hoặc đi bộ tới một quốc gia trung lập rồi tìm cách trở về Liên Xô. Theo kế hoạch, 200 tù nhân sẽ được chọn để vượt ngục. Tiêu chí lựa chọn bao gồm người thông thạo ngoại ngữ, có kỹ năng để trốn thoát thành công, những người làm việc nhiều nhất trong quá trình đào hầm và cuối cùng là rút thăm may rủi. 

Tại phòng giam 104, các tù nhân xây dựng đường hầm Harry đã làm việc cật lực và tìm cách để tránh bị phát hiện khi đào hầm bên dưới phòng giam. Họ làm một cánh cửa sập bí mật ở bên dưới một bếp sưởi luôn đỏ lửa để ngăn lính canh Đức đến gần. Các tù nhân đào sâu xuống hơn 9m để thoát khỏi phạm vi ghi nhận của các micro. 

Làm việc trong điều kiện chật hẹp và ngột ngạt, tù nhân phải cởi bỏ quần áo dài, thậm chí khỏa thân để quần áo không lấm bẩn, tránh thu hút chú ý của lính Đức mỗi lần kiểm tra. 

Ít nhất 100 tấn cát được hàng trăm tù nhân đào ra trong quá trình làm 3 đường hầm. Để đưa cát ra ngoài, họ bỏ chúng vào tất và kín đáo rắc vào các khu vườn nhỏ mà tù nhân phải chăm sóc. Ngoài ra, các tù nhân còn sáng tạo những chiếc quần có túi đặc biệt bên trong để đựng cát.

Để phục vụ việc đào hầm, các tù nhân đã lột gần 4.000 tấm ván giường bằng gỗ, 62 chiếc bàn, 34 chiếc ghế để làm thang và dầm đỡ, giúp ngăn sập hầm. 

Khoảng 1.700 chiếc chăn được sử dụng để ngăn phát ra âm thanh trong quá trình đào. Các tù nhân còn biến 1.400 hộp thiếc đựng sữa bột do Hội Chữ thập đỏ cung cấp thành dụng cụ đào hầm và đèn. Bấc của đèn được làm từ dây chun quần, trong khi lớp mỡ cừu được lấy từ món súp dùng thay dầu.

Điều kiện bên trong nhà tù Stalag-Luft III được cho là thuộc hàng “xa hoa” nhất trong bất kỳ trại tù binh chiến tranh nào của Đức quốc xã. Theo các điều khoản của Công ước Geneva, nếu là sĩ quan, tù nhân ở Stalag-Luft III không bị ép buộc phải lao động khổ sai và được Hội Chữ thập đỏ thường xuyên cung cấp thực phẩm, bưu kiện cứu trợ, bao gồm thuốc lá và đồ vệ sinh cá nhân. Tù nhân còn được tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe, âm nhạc.

Các tù nhân RAF tại nhà tù Stalag Luft III. Ảnh: Getty

Các tù nhân RAF tại nhà tù Stalag Luft III. Ảnh: Getty

Làm cách nào các tù nhân có thể lấy trộm và che giấu số lượng lớn trang thiết bị đào hầm mà không bị quân Đức phát hiện? Theo Business Insider, có một "ủy ban vượt ngục" gồm các tù nhân chuyên giám sát mọi kế hoạch vượt ngục ở nhà tù Stalag Luft III. Vì vậy, các tù nhân vượt ngục hoạt động, phối hợp theo nhóm nên dễ dàng "qua mắt" lính canh Đức. Họ còn sử dụng ký hiệu, ám hiệu để giao tiếp, tránh bị lộ. Ngoài ra, các quy định tiếp xúc giữa các tù nhân của Đức Quốc xã khi đó chưa chặt chẽ cũng góp phần giúp các tù nhân dễ trao đổi thông tin với nhau. 

Khi đường hầm càng dài, ánh sáng sẽ càng ít và lượng oxy cũng giảm. Để khắc phục khó khăn này, các tù nhân lấy trộm một sợi dây điện rồi nối với nguồn điện của nhà tù để thắp sáng các bóng đèn. 

Các tù nhân còn tự chế một hệ thống thông khí dạng ống thổi thô sơ từ một phần gậy khúc côn cầu, ba lô và vợt bóng bàn. Thậm chí, họ còn tạo ra một hệ thống xe đẩy ngầm được kéo bằng dây thừng để chuyển cát. 

Để ngăn quân Đức biết về việc đào hầm, các tù nhân sử dụng hệ thống quan sát tinh vi và ám hiệu như lật trang sách hay nghịch dây giày để ám chỉ rằng có lính canh tới gần.

Bằng cách hối lộ lính canh bằng đồ tiếp tế của Hội Chữ thập đỏ mà ở Đức không có như sôcôla, cà phê, xà phòng hay đường, các tù nhân đã lấy được máy ảnh và một số giấy tờ thông hành. Một nhóm tù nhân được giao dùng những thứ đó để làm giả chứng minh thư, hộ chiếu và giấy thông hành. 

Các tù nhân còn sao chép tem thông hành bằng cách khắc hoa văn ở gót giày rồi dùng xi đánh giày làm mực in.

Kịch tính tới phút chót

Mô phỏng đường hầm của các tù nhân trong cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Stalag Luft III. Ảnh: The Air Force Museum of New Zealand

Mô phỏng đường hầm của các tù nhân trong cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Stalag Luft III. Ảnh: The Air Force Museum of New Zealand

Dù việc đào hầm được bảo mật gần như tuyệt đối nhưng quân Đức Quốc xã cuối cùng vẫn phát hiện ra đường hầm Tom. Chúng gọi các thợ ảnh tới chụp lại đường hầm rồi phá hủy nó. 

Trong lúc mải ăn mừng về việc phát hiện ra đường hầm Tom, quân của Hitler không thể ngờ nhóm tù nhân vẫn còn 2 đường hầm khác. 

Các tù nhân biến đường hầm Dick thành một kho chứa và dồn toàn lực vào đường hầm Harry. Tháng 3/1944, đường hầm Harry hoàn thành với chiều dài 102m, rộng 0,6m và có đèn giăng kín kèm một hệ thống thông khí tự chế. 

Ban đầu, đường hầm có thể sử dụng vào ngày 14/3, nhưng Bushell và những người lãnh đạo nhóm vượt ngục muốn đợi một đêm nhiều mây và không trăng để thuận lợi nhất cho cuộc đào tẩu. Ngày 24/3, điều kiện thời tiết thuận lợi đã đến và cuộc chạy trốn diễn ra.

Khoảng 22h30, 200 tù nhân sẵn sàng cho cuộc vượt ngục tại phòng giam tập thể số 104. Tuy nhiên, một vấn đề đã xảy ra. Nhiệt độ thấp khiến tuyết rơi dày và đóng băng lớp đất bề mặt ở khu vực đầu ra của đường hầm, buộc những tù nhân phải mất hơn 1 tiếng để phá băng. 

Khi giải quyết được lớp băng, một vấn đề khác nảy sinh. Các tù nhân phát hiện đầu ra đường hầm chưa tới bìa rừng và chỉ cách tháp canh của quân Đức 13m. Điều này gần như khiến cả nhóm có ý định quay trở lại chờ thời cơ khác. Tuy nhiên, giấy tờ giả mạo đã được đóng dấu ngày tháng và sẽ vô giá trị nếu không được dùng ngay. 

Cuối cùng, cả nhóm vẫn làm theo kế hoạch. Lần lượt, từng người một chui ra khỏi đường hầm và bò vào rừng. Tiến độ rất chậm. Trung bình, cứ sau 6 phút mới có một người tới rừng an toàn. Tốc độ này lâu hơn so với con số 2 phút/người như dự tính. 

Tệ hơn, một cuộc ném bom gần đó buộc quân Đức phải cắt điện. Điều này khiến quá trình vượt ngục bị gián đoạn theo. 

Mục tiêu 200 người vượt ngục không thể hoàn thành. Nhóm vượt ngục quyết định số người bỏ trốn sẽ rút gọn còn 87 nhưng sự cố bất ngờ xảy ra khi tới lượt người thứ 77. 

Khoảng 5h sáng, một lính Đức đi tuần phát hiện những vệt bùn đất trên tuyết ở bên ngoài khu phòng giam. Khi tới gần hơn, lính canh này phát hiện một tù nhân đang bò trên tuyết. Ngay lập tức, tên này bắn chỉ thiên, báo động cho lính gác. Chuông báo động vang lên khắp nhà tù. Đèn pha chiếu rọi mọi nơi. Quân Đức bắt giữ 4 tù nhân ở lối ra của đường hầm. Trước khi bị bắt, nhóm này kịp báo động cho các tù nhân còn lại. Ở phần lối vào đường hầm, các tù nhân chờ trốn thoát bắt đầu hủy giấy tờ giả, bản đồ, và la bàn.

Một cảnh trong bộ phim The Great Escape (Cuộc đào thoát vĩ đại) dựa trên câu chuyện có thật về cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Stalag Luft III năm 1944. Ảnh: Getty

Một cảnh trong bộ phim The Great Escape (Cuộc đào thoát vĩ đại) dựa trên câu chuyện có thật về cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Stalag Luft III năm 1944. Ảnh: Getty

Lính canh Đức buộc toàn bộ tù nhân ra khỏi phòng giam và cố xác định xem những người bỏ trốn là ai. Các tù nhân cố hết sức để câu giờ cho bạn tù bằng cách khai tên giả và đi lảng vảng xung quanh. Tuy nhiên, khi bị dọa giết, họ buộc phải khai sự thật. 

Trong vài giờ, toàn bộ khu vực nhà tù Stalag Luft III đặt trong tình trạng báo động cao. 

Đức Quốc xã huy động một cuộc truy lùng lớn. Chúng dựng rào chắn, tăng cường tuần tra biên giới và lục soát các khách sạn cũng như trang trại.

Trong 2 tuần, quân Đức bắt được 73 tù nhân vượt ngục. Chỉ có 3 người trốn thoát thành công, trong đó 2 người Na Uy trốn trên một máy bay chở hàng đến Thụy Điển và một người Hà Lan đến Gibraltar bằng đường sắt và đi bộ.

Phẫn nộ vì cuộc vượt ngục, Hitler ban đầu ra lệnh xử tử toàn bộ 73 tù nhân. Nhưng sau đó, khi nghe các tướng lĩnh lập luận rằng làm như vậy sẽ dễ bị quân Đồng minh trả đũa với các phi công Đức bị bắt, Hitler ra lệnh mới: Xử tử 50 tù nhân để răn đe những người khác. 

Một số thành viên Gestapo, lực lượng cảnh sát mật của Hitler, đã đưa 50 tù nhân tới một địa điểm bí mật để hành quyết. Những người còn lại được đưa đến trại tập trung Sachsenhausen và lâu đài Colditz. 

Sau chiến tranh, 18 thành viên Gestapo bị đưa ra xét xử vì phạm tội ác chiến tranh khi hành quyết các tù nhân chiến tranh bị bắt lại. 13 thành viên trong số này bị xử tử.

-------------------------

Tại một nhà tù an ninh nghiêm ngặt bậc nhất của Đức Quốc xã, các tù nhân phe Đồng Minh đã sử dụng một kế hoạch tinh vi để qua mắt các lính canh. Thậm chí, họ còn đào hầm giữa ban ngày và ngay trước mắt lính canh Đức. Bài đăng ngày 10/7 sẽ viết về cuộc vượt ngục tinh vi và đầy kịch tính này.

Dùng kế “điên rồ”, 3 tù nhân trốn khỏi nhà tù khét tiếng của Hitler ngay trước mắt lính canh

Ban đầu, kế hoạch "ngựa gỗ" vượt ngục bị xem là "điên rồ". Nhưng cuối cùng, nó vẫn được phê duyệt. Nhà tù khét tiếng "không thể thoát" của Hitler bỗng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Những cuộc vượt ngục khó tin trong Thế chiến II Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN