7 tháng xung đột, ngành công nghiệp vũ khí Ukraine còn gì?
Kể từ ngày 24/2, Nga đã mở hơn 100 cuộc tập kích tên lửa nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở quốc phòng của Ukraine. Hơn 6 tháng qua, lực lượng Ukraine vừa phải chiến đấu, vừa phải tìm cách sử dụng và sửa chữa các loại vũ khí mới mà phương Tây viện trợ.
Hoạt động bên trong một nhà máy luyện kim ở Ukraine (ảnh: Daily Mail)
Sản xuất vũ khí từng là thế mạnh của Ukraine, nhưng những cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước này đã bị quân đội Nga tàn phá nghiêm trọng trong xung đột. Để đối phó, Kiev phải di dời những cơ sở sản xuất vũ khí quan trọng về phía Tây, đến những địa điểm an toàn hơn, thậm chí là ra nước ngoài, theo Foreign Policy.
Yuriy Gusev – lãnh đạo tập đoàn sản xuất vũ khí nhà nước Ukraine Ukroboronprom – cho hay, Kiev đang làm việc với một số đối tác để sản xuất vũ khí ở nước ngoài.
“Từ ngày 24/2, chúng tôi phải làm việc 24/7. Chúng tôi đã tạm ngừng một số nhà máy do vấn đề an ninh cũng như nguy cơ bị tấn công tên lửa. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác nhằm xây dựng các cơ sở tập trung vào bảo trì và sửa chữa vũ khí phương Tây”, ông Yuriy Gusev nói.
Ông Yuriy Gusev cho biết, trong khi Ukraine nhận được ngày càng nhiều vũ khí từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nước này muốn đóng vai trò hậu cần, đảm bảo số vũ khí viện trợ hoạt động tốt trên chiến trường.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, ông Alexey Arestovich, cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, cho rằng, quân đội Nga đã phá hủy gần như hoàn toàn ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
“Họ đã phá hủy ngành công nghiệp quân sự của chúng tôi, thậm chí là cả công nghiệp dân sự. Bằng cách này hay cách khác, họ đang làm vậy và sẽ tiếp tục làm”, ông Arestovich nói.
Trả lời phỏng vấn của Foreign Policy, ông Yuriy Gusev khẳng định ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn hoạt động và đang có bước chuyển mình để thích nghi trong tình hình mới.
Ông Yuriy Gusev – lãnh đạo tập đoàn Ukroboronprom (ảnh: Foreign Policy)
Việc Ukraine có thêm các nhà máy bảo trì, sửa chữa vũ khí giúp phương Tây “yên tâm” khi viện trợ vũ khí. Trước đây, một số nước NATO từng bày tỏ lo ngại về việc binh sĩ Ukraine không sử dụng tốt và có thể làm hư hỏng vũ khí đắt tiền trên chiến trường.
“Chúng tôi hy vọng sẽ trở thành một phần của chuỗi cung ứng vũ khí”, ông Yuriy Gusev nói, lưu ý thêm rằng Ukroboronprom đang thành lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển vũ khí chung với phương Tây.
Ông Yuriy Gusev cho hay, trong chiến sự, các công ty quốc phòng Ukraine đã cố gắng tuyển thêm nhân sự và tăng lương nhằm giữ công nhân có tay nghề ở lại làm việc. Ukraine còn được cho là các những nhà máy riêng, chuyên nghiên cứu, sửa chữa để tái sử dụng vũ khí quân đội Nga bỏ lại trên chiến trường.
“Chúng tôi có các tổ chức nghiên cứu đặc biệt. Chúng tôi khám phá, phân tích và học hỏi vũ khí Nga”, ông Yuriy Gusev cho hay.
Theo ông Yuriy Gusev, Ukraine vẫn gặp nhiều thách thức khi muốn phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Bài toán của Ukraine là làm cách nào để có thể được phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại. Nếu không được chuyển giao công nghệ, Ukraine chỉ có thể sản xuất vũ khí kiểu cũ hoặc hỗ trợ nước ngoài sản xuất vũ khí.
Xe tăng Ukraine tự sản xuất (ảnh: Foreign Policy)
Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng do xung đột cũng là vấn đề đối với Ukraine. Hôm 22/9, Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine, cho hay, nước này thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD do xung đột.
Theo Foreign Policy, sau khi xung đột chấm dứt, Ukraine cần tìm cách khôi phục kinh tế, bảo đảm đời sống người dân, trước khi nghĩ đến việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Việc chuyển các cơ sở sản xuất vũ khí về phía Tây cũng chưa thể giúp các nhà máy vũ khí Ukraine tránh được hoàn toàn tên lửa Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối này phản đối các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga ở Ukraine và sẽ hỗ trợ Kiev giải quyết vấn đề này.