6 năm tới của ông Putin

Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái đắc cử với số phiếu áp đảo vào hôm 17/3 cho nhiệm kỳ thứ năm kéo dài 6 năm. Nhiều thách thức quan trọng cả đối nội và đối ngoại đang chờ đợi ông phía trước.

Tổng thống Nga đánh giá rằng, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Nga mang lại cho ông chiến thắng rõ ràng chứng tỏ “niềm tin” của người Nga. Tổng thống Nga đảm bảo rằng đất nước của ông sẽ không cho phép mình bị “đe dọa” hoặc “bị đè bẹp”.

Niềm tin của nước Nga

Ngày 18/3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng, chiến thắng vang dội của ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga là một chiến thắng đáng chú ý, một thành tựu phi thường. "Cuộc bầu cử tổng thống ở đất nước chúng ta đã kết thúc. Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin thực sự đã đạt được một điều gì đó độc đáo. Mức độ ủng hộ của công chúng làm nổi bật chiến thắng hoàn toàn của ông với tư cách là một ứng cử viên và đó cũng là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy người dân nước ta ủng hộ tổng thống và chính sách của ông", ông Peskov chỉ ra.

Theo Người phát ngôn Điện Kremlin, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu khổng lồ trong cuộc bầu cử cho thấy người dân ủng hộ nguyên thủ quốc gia đến mức nào. Ông nói: “Số lượng cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục thực sự nói lên nhiều điều về mức độ ủng hộ của người dân đối với tổng thống”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moscow sau chiến thắng bầu cử tháng 3/2024.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moscow sau chiến thắng bầu cử tháng 3/2024.

Theo dữ liệu của Ủy ban Bầu cử trung ương (CEC), nguyên thủ quốc gia đương nhiệm Vladimir Putin nhận được 87,32% số phiếu ủng hộ. Vị trí thứ hai là ứng cử viên đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF) Nikolay Kharitonov, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia về phát triển Viễn Đông và Bắc Cực, với 4,6%; trong khi vị trí thứ ba thuộc về ứng cử viên của đảng Nhân dân Mới và Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Vladislav Davankov với 4,2%; vị trí thứ tư thuộc về ứng cử viên đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) và thành viên Duma Quốc gia Leonid Slutsky với 3,0%, Vedomosti viết.

Người đứng đầu cơ quan pháp lý của đảng CPRF Georgy Kamenev nói rằng, đảng không thấy bất kỳ sự bất thường hoặc vi phạm đáng kể nào trong quá trình bỏ phiếu và "không có câu hỏi nào chỉ ra tính bất hợp pháp của cuộc bầu cử". Trong cuộc bầu cử này, nguyên thủ quốc gia không chỉ nhận được kết quả kỷ lục đối với một Tổng thống Nga mà còn giành chiến thắng với số lượng cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục.

Theo CEC, 74,22% trong số 112,3 triệu cử tri đủ điều kiện của Nga đã đi bỏ phiếu trước 6 giờ chiều (các phòng phiếu đóng cửa lúc 8 giờ tối) vào ngày bỏ phiếu cuối cùng, không tính bỏ phiếu trực tuyến. Daria Kislitsyna thuộc Viện Chuyên gia nghiên cứu xã hội nói với Vedomosti: “Thời gian bỏ phiếu kéo dài 3 ngày cho phép tất cả những ai muốn bỏ phiếu thực hiện việc đó vào một ngày thuận tiện”. Nhà khoa học chính trị Alexander Kynev nói với Vedomosti rằng, bỏ phiếu kéo dài 3 ngày, không giống như bỏ phiếu điện tử từ xa, không ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhà khoa học chính trị Evgeny Minchenko đồng ý rằng, bỏ phiếu trực tuyến cung cấp một "dòng cử tri rất lớn". Ông Sergey Perminov, Phó Thư ký Đại hội đồng đảng Nước Nga Thống nhất cho biết, những người Nga tham gia bỏ phiếu đã thể hiện sự sẵn sàng ứng phó với những thách thức bên ngoài đối với đất nước và xã hội của họ. Ông tin rằng, bỏ phiếu trực tuyến là "có nhu cầu".

Tổng thống Vladimir Putin cảm ơn người dân Nga đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử mà ông đã giành chiến thắng với tỷ lệ phần trăm lớn. “Chúng ta có nhiều nhiệm vụ cụ thể và quan trọng cần hoàn thành. Kết quả cuộc bầu cử thể hiện niềm tin của người dân đất nước và hy vọng của họ rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ đã được lên kế hoạch”, ông Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình.

Kết quả kiểm phiếu của 4 ứng cử viên Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử tháng 3/2024.

Kết quả kiểm phiếu của 4 ứng cử viên Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử tháng 3/2024.

Phản ứng của cộng động quốc tế

Việc tái đắc cử của Tổng thống Nga Vladimir Putin, với chiến thắng vang dội, đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau trên toàn thế giới mà phần lớn có thể dự đoán được. Trong khi các nước phương Tây phần lớn chỉ trích cuộc bỏ phiếu, các quốc gia Nam bán cầu và Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) đã chúc mừng Tổng thống Nga giành được nhiệm kỳ thứ năm, Báo Vedomosti cho biết.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng chiến thắng của ông Putin. Trong số những người chúc mừng nguyên thủ quốc gia Nga tái đắc cử có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và lãnh đạo một số quốc gia khác ở châu Á và châu Mỹ Latin, cũng như các quốc gia CIS.

Không có nhà lãnh đạo NATO hay EU nào chúc mừng Tổng thống Nga. Liên minh châu Âu nói rằng, cuộc bỏ phiếu có chỉ đạo, nhưng phản ứng của Brussels không nhất thiết có nghĩa là EU sẽ không công nhận kết quả bầu cử. Nếu xảy ra trường hợp phương Tây từ chối công nhận kết quả bầu cử, Nga sẽ phải hạ cấp đại diện ngoại giao ở những quốc gia không công nhận kết quả bầu cử, nhà khoa học chính trị Dmitry Suslov chỉ ra. Ông Suslov nói rằng, phương Tây đang tham gia một cuộc đối đầu hỗn hợp với Nga, tìm cách hạ bệ nền kinh tế Nga, hòng đạt được "sự thay đổi chế độ" ở Moscow và tước bỏ vị thế cường quốc của đất nước này một lần và mãi mãi. Tuy nhiên, các nước đang phát triển và “đa số toàn cầu” vẫn đứng về phía Nga khi họ nhận ra rằng Moscow đang đấu tranh cho một thế giới đa cực. Đây là lý do tại sao họ lại thể hiện phản ứng nồng nhiệt như vậy trước kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Nga. Chuyên gia kết luận, xét về vấn đề này, việc nói Nga bị cô lập là hoàn toàn không chính xác.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Nga gửi một thông điệp rõ ràng tới phương Tây rằng phương Tây không thể rung chuyển con thuyền từ bên trong. Hãng tin BelTA dẫn lời ông nói: "Đây là một tín hiệu nghiêm trọng đối với phương Tây, vốn đang cố gắng làm rung chuyển tình hình từ bên trong nước Nga. Nếu họ không thể làm được điều đó ở tiền tuyến thì hãy thử từ bên trong. Điều này cũng thất bại".

Ông Lukashenko nhấn mạnh rằng không ai có thể ép buộc bất cứ điều gì lên người dân Belarus và Nga. Ông cũng lưu ý rằng, sẽ rất hữu ích nếu "phân tích cách tổ chức cuộc bầu cử [ở Nga]" trước cuộc bầu cử Tổng thống ở Belarus vào năm 2025. Ông Lukashenko ca ngợi quá trình bầu cử ở Nga được tổ chức tốt như thế nào. Ông nói: “Đương nhiên, Tổng thống Vladimir Putin đã phải làm việc rất nhiều, bạn đã thấy điều này. Không mệt mỏi. Ông ấy đã đi khắp nước Nga, thăm nhiều nơi và trả lời những câu hỏi quan trọng của người dân Nga”.

Những thách thức lớn

Tuy vậy, với tình hình hiện tại, việc ông Putin tái cử nhiệm kỳ 5 là thành công vang dội thì những điều chờ đợi ông ở phía trước cũng rất nhiều. Đầu tiên là thách thức trong vấn đề Ukraine: nước Nga nên tăng cường tấn công tổng lực hay dừng lại? Nga đang kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine và tình hình này ít biến động kể từ cuối năm 2022. Mặc dù ông Vladimir Putin vẫn chưa vạch ra mục tiêu lãnh thổ cụ thể, nhưng ông Dmitry Medvedev vừa tuyên bố vào tháng trước rằng Nga có ý định chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Ukraine, bao gồm Odessa và mục tiêu cuối cùng là Kiev.

Ông Vladimir Putin có thể chọn để kéo dài cuộc chiến, sử dụng thời gian làm lợi thế và chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới. Moscow đã đạt được bước đầu tiên trong 9 tháng qua khi chiếm được thành phố Avdiivka vào tháng 2 và ông Putin tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch. Trong khi đó, Ukraine đang thiếu hụt vũ khí do chương trình hỗ trợ quan trọng của Mỹ bị đình trệ tại quốc hội. Bên cạnh việc kêu gọi 300.000 quân dự bị vào tháng 9/2022, ông Putin có thể gia tăng chiến sự bằng cách phát động một đợt tổng động viên mới. Tổng thống Nga có thể hướng đến một giải pháp thương lượng.

Moscow cho biết, lựa chọn này phải được thực hiện theo điều kiện riêng, đó là giữ nguyên quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine đã chiếm được, điều mà Kiev từ chối trước đó. Tháng trước, hãng Reuters đưa tin độc quyền rằng ông Putin đã ra hiệu cho Washington rằng ông sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn, điều này sẽ đóng băng cuộc chiến trên các mặt trận hiện tại. Nhưng, Washington đã bác bỏ đề xuất này thông qua các nhà hòa giải.

Người dân Nga đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống năm 2024.

Người dân Nga đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống năm 2024.

Thách thức thứ hai là về thương mại và năng lượng: định hướng lại hoạt động thương mại để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây như thế nào? Nga đã mất phần lớn quyền tiếp cận thị trường năng lượng châu Âu do các lệnh trừng phạt và hành động phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream. Việc triển khai tốt 3 dự án lớn sau đây sẽ là thước đo cho thấy mức độ thành công trong việc định hướng lại hoạt động thương mại của Nga về phía Đông: một “trung tâm khí đốt” mới ở Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Nga định tuyến lại hoạt động xuất khẩu khí đốt; một đường ống dẫn khí mới, “Sức mạnh Siberia 2” để vận chuyển thêm 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ; mở rộng tuyến đường Biển Bắc, được thực hiện nhờ sự tan chảy của băng ở biển Bắc Cực, để nối Murmansk (gần biên giới Nga với Na Uy) đến eo biển Bering (gần Alaska).

Thách thức thứ ba là về vũ khí hạt nhân: Nga cần thiết lập một khuôn khổ an ninh mới với Mỹ hoặc bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới? Hiệp ước START mới, được đặt ra nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai, sẽ hết hạn vào tháng 2/2026. Nếu hiệp ước này hết hạn, cả hai bên có thể sẽ mở rộng kho vũ khí của mình mà không bị giới hạn. Ông Putin cho biết, Nga cần tối đa hóa lợi ích chi tiêu quốc phòng để ngăn Mỹ làm Nga kiệt quệ trong cuộc chạy đua vũ trang giống như cuộc chạy đua đã làm kiệt quệ Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Nga tuyên bố Moscow tiếp tục phát triển “nhiều hệ thống vũ khí mới”, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga đang cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Tổng thống Putin ám chỉ rằng Nga có thể tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, nhưng chỉ nếu khi Mỹ thực hiện điều đó trước. Đồng thời, Nga cũng cho biết họ sẵn sàng bắt đầu “đối thoại chiến lược” với Mỹ, nhưng cũng đã nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại này phải bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh của Nga, bao gồm cả Ukraine.

Về đối nội, thách thức của Tổng thống Putin trong 6 năm tới là lạm phát, thiếu hụt nhân lực và dân số. Nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 4,6% trong tháng 1, nhờ nhu cầu quân sự gia tăng mạnh, nhưng tình trạng thiếu hụt nhân lực và năng suất thấp đang gây ra nhiều vấn đề. Quốc phòng và an ninh chiếm khoảng 40% ngân sách, ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như giáo dục và y tế. Mức lương đang ngày càng tăng, đặc biệt là ở các khu vực tập trung nhiều ngành công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, ông Putin chưa thực hiện được lời hứa năm 2018 về việc tạo ra một “bước đột phá mang tính quyết định” về mức sống và thu nhập thực tế nhìn chung đã bị trì trệ trong thập kỷ qua. Các ưu tiên ngắn hạn của Nga là giảm tỷ lệ lạm phát, hiện đang ở mức 7,6% và giảm bớt căng thẳng về ngân sách.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết, điều này sẽ dẫn đến việc gia tăng thuế với các doanh nghiệp và những cá nhân giàu có. Về lâu dài, Tổng thống Nga muốn gia tăng tuổi thọ và thúc đẩy tỷ lệ sinh bằng các biện pháp hỗ trợ gia đình, nhưng ông đang gặp khó khăn trong việc đảo ngược tình trạng suy giảm dân số về mặt lâu dài.

Thách thức sau cùng là làm sao để trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo đang dần lão hóa. Ông Vladimir Putin, hiện đang 71 tuổi, sẽ 77 tuổi vào cuối nhiệm kỳ mới, vẫn trẻ hơn so với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nhậm chức. Nhiều nhân vật trong bộ máy chính quyền của Tổng thống Nga thậm chí còn cao tuổi hơn, bao gồm Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), ông Alexander Bortnikov (72 tuổi); Chủ tịch Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev (72 tuổi) và Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov (74 tuổi vào tuần này). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng, ông Valery Gerasimov, cả hai đều 68 tuổi. Ông Vladimir Putin từ lâu đã miễn cưỡng trong việc cải tổ đội ngũ của mình. Trong số những nhân vật trẻ đáng chú ý có Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Vyacheslav Volodin (60 tuổi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev (46 tuổi), Alexei Dyumin (51 tuổi), Thống đốc bang vùng Tula.

Hành động quân sự của phương Tây là không thể chấp nhận được, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 24/3.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mộc Thạch (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Vladimir Putin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN