6 loại vũ khí ấn tượng nhất của Triều Tiên

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bất chấp các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt, mảng vũ khí Triều Tiên vẫn phát triển khá ấn tượng và nước này vẫn sở hữu một lực lượng quân sự được đánh giá hùng mạnh.

Trong chuyến thăm gần đây tới Học viện Khoa học Quốc phòng ở thủ đô Bình Nhưỡng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này có đủ sức mạnh quân sự để ngăn Mỹ can thiệp nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Theo đài Sputnik, những tuyên bố trên của ông Kim có vẻ không phải là lời nói sáo rỗng. Lý do, bất chấp các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt, Triều Tiên vẫn sở hữu một lực lượng quân sự hùng mạnh được trang bị nhiều vũ khí khá ấn tượng.

Pháo tự hành M1989 Koksan là một trong những loại vũ khí Triều Tiên hàng đầu. Ảnh: WIKIPEDIA

Pháo tự hành M1989 Koksan là một trong những loại vũ khí Triều Tiên hàng đầu. Ảnh: WIKIPEDIA

Dưới đây là 6 loại vũ khí Triều Tiên điển hình mà nước này có thể triển khai đối phó đối thủ.

Đầu tiên có thể kể đến pháo tự hành M1989 Koksan cỡ nòng 170 mm. Loại pháo này có tầm bắn lên đến 40 km với đạn thông thường và 60 km với đạn tăng tầm. M1978 dài 14,9 m, rộng 3,27 m và nặng 40 tấn.

Theo chuyên san quân sự The National Interest, pháo M1989 Koksan là thiết kế nội địa đầy bí ẩn của Triều Tiên, ngay cả cái tên Koksan cũng không phải tên thật, mà đây chỉ là tên một tỉnh của Triều Tiên. Đây là nơi tình báo phương Tây phát hiện mẫu pháo này đầu tiên vào năm 1978.

Hầu hết các vũ khí nội địa của Triều Tiên có nguồn gốc từ thiết kế của Liên Xô, nhưng Liên Xô chưa từng phát triển pháo cỡ nòng 170 mm. Điều này cho thấy pháo tự hành Koksan có thể được phát triển từ nền tảng pháo bờ biển của Nhật hoặc mẫu K18 của Đức trong Thế chiến thứ 2.

Tổ hợp pháo Koksan được gắn trên khung thân xe tăng Type-59 của Trung Quốc, giúp tăng khả năng bảo vệ cho người lái xe. Tuy nhiên, pháo thủ và người nạp đạn lại không được che chắn trước hỏa lực đối phương. Koksan cũng không có khoang chứa đạn riêng, khiến nó phụ thuộc vào các xe chở đạn hoặc kho chứa được định vị trước để duy trì hỏa lực.

Pháo Koksan có nhiệm vụ công phá các công sự kiên cố nhất và tấn công các mục tiêu có giá trị ở sâu trong hậu phương đối phương như kho đạn, trung tâm chỉ huy, cơ sở hậu cần hay khẩu đổi pháo binh.

Trong những năm 1950, mẫu pháo này được đặt trên khung gầm thiết giáp tự hành, có thể bắn các loại đạn hạt nhân chiến thuật.

Vũ khí thứ hai được nhắc đến là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-11Na, hay còn gọi là KN-24. Loại tên lửa này có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng tới 500 kg, và có tầm bắn khoảng 400 km. Triều Tiên phóng thử nghiệm mẫu tên lửa này lần đầu tiên vào tháng 8-2019.

Kế đến, hệ thống pháo phản lực bắn loạt KN-09 cỡ nòng 300 mm là một trong những vũ khí hàng đầu của Triều Tiên. KN-09 có tầm bắn hơn 200 km.

Hệ thống pháo phản lực bắn loạt KN-09 trong một lễ duyệt binh ở Triều Tiên. Ảnh: Defense Express

Hệ thống pháo phản lực bắn loạt KN-09 trong một lễ duyệt binh ở Triều Tiên. Ảnh: Defense Express

Ngày 10-10-2015, Triều Tiên chính thức tiết lộ vũ khí này trong lễ duyệt binh diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng.

KN-09 mang 8 tên lửa ở 2 cụm ống phóng. Giới phân tích đã xác định xe phóng có nguồn gốc từ Trung Quốc, có thể là xe 6X6 HOWO ZZ2257M5857A đã được sửa đổi, hay còn gọi là “Sinotruk.” Thời gian nạp đạn của KN-09 là khoảng 30 phút.

Tiếp đến, nằm trong top 6 vũ khí hàng đầu của Triều Tiên có thể kể đến KN-25 – hệ thống pháo phản lực bắn loạt cỡ nòng siêu lớn. Đây thực sự là một sáng tạo đặc biệt của các nhà sản xuất vũ khí Triều Tiên. KN-25 có thể phóng nhiều loại tên lửa tiêu chuẩn, bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Ước tính tầm bắn của vũ khí này là 380 km.

Cuối cùng, nói đến vũ khí Triều Tiên không thể không nhắc đến xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ kế tiếp M2020. Mẫu xe tăng này được trang bị pháo 125 mm và tên lửa chống tăng. Nhìn bề ngoài, M2020 giống sự kết hợp giữa xe tăng T-14 Armata của Nga và M1 Abrams của Mỹ. Đây là sự bổ sung tương đối mới cho kho vũ khí Triều Tiên và vẫn phải chờ xem chính xác khả năng của nó là gì.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia châu Âu này đã nối gót Mỹ "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRI TÚC ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN