6 điểm chính sau cuộc đàm phán "nhiều kết quả nhất" giữa Nga và Ukraine
Cuộc đàm phán hôm 29.3 giữa Nga và Ukraine được giới quan sát đánh giá là mang lại nhiều kết quả nhất từ trước đến nay, nhằm giúp các bên chấm dứt xung đột.
Phái đoàn Nga, Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29.3 (ảnh: RT)
Hôm 29.3, vòng đàm phán mới nhất giữa phái đoàn ngoại giao Nga và Ukraine được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trưởng đoàn đàm phán Nga – ông Vladimir Medinsky – cho biết, cuộc đàm phán đã diễn ra một cách “thực chất”. Theo đánh giá của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Nga và Ukraine đã đạt được “những tiến triển có ý nghĩa nhất” kể từ khi bắt đầu các vòng đàm phán.
1. Nga tuyên bố thu hẹp chiến dịch quân sự ở Ukraine
Ông Medinsky tiết lộ, Ukraine đã đưa ra đề xuất nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự ở Nga bằng một văn bản hiệp ước hòa bình. Văn bản này sẽ được gửi cho Tổng thống Nga Putin xem xét.
Dựa trên kết quả thỏa thuận, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, quân đội nước này sẽ hạn chế hoạt động quân sự ở Ukraine, đặc biệt là ở Chernihiv và Kiev. Sau thông báo của Nga, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố, quân đội Nga mới chỉ luân chuyển một số “đơn vị nhỏ lẻ” ở Kiev và Chernihiv.
2. Đảm bảo an ninh cho Ukraine tương tự như gia nhập NATO
Trong cuộc đàm phán, Ukraine đề nghị muốn nhận được sự đảm bảo an ninh từ quốc tế, tương tự như cơ chế phòng thủ tập thể của điều 5 NATO. Kiev mong muốn các nước Anh, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Canada, Italia, Ba Lan và Israel sẽ đứng ra bảo đảm an ninh cho Ukraine. Nga không phản đối và cũng đề xuất trở thành một bên bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Kiev muốn nhiều nước cùng đảm bảo an ninh cho Ukraine (ảnh: RT)kraine.
3. Ukraine sẽ phi hạt nhân hóa và không tham gia liên minh quân sự
Theo ông Medinsky, trong cuộc đàm phán, Ukraine cam kết không gia nhập bất kỳ khối quân sự nào. Kiev cũng không cho phép nước ngoài đặt căn cứ hay quá cảnh quân đội trên lãnh thổ. Nếu muốn tổ chức tập trận, Ukraine cần có sự chấp thuận của các nước thuộc nhóm bảo vệ an ninh.
Ukraine cũng cam kết không tìm cách sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Nga sẽ không phản đối Ukrainr gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
4. Vấn đề bán đảo Crimea và vùng Donbass ly khai
Đây là “điểm nhạy cảm” mà Ukraine và Nga chưa thống nhất được trong cuộc đàm phán hôm 29.3. Theo nhà đàm phán Nga, Ukraine đề xuất sẽ không sử dụng vũ lực để thu hồi Donetsk và Lugansk (gọi chung là Donbass). Nga nêu quan điểm Crimea là một phần lãnh thổ và muốn Ukraine công nhận.
5. Biên giới
Ông Medinsky cho biết, Ukraine không nói rõ quan điểm về việc có đồng ý từ bỏ chủ quyền đổi với Donetsk và Lugansk hay không. Trong cuộc đàm phán, David Arakhamia - trưởng phái đoàn ngoại giao Ukraine - khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ nước này có được sau khi tách khỏi Liên Xô (1991).
6. Cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga – Ukraine
Ông Medinsky đồng ý rằng Moscow sẽ tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky. Tuy nhiên, cuộc gặp chỉ có thể tổ chức vào giai đoạn cuối của những cuộc đàm phán và dẫn đến ký kết hiệp ước. Phái đoàn Nga lưu ý, cuộc gặp giữa 2 Tổng thống được tổ chức sớm sẽ đẩy nhanh quá trình chấm dứt xung đột.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói đàm phán hòa bình với Nga đã có một số tín hiệu tích cực, nhưng cảnh báo “chưa nên tin” các tuyên bố của Nga.