50 vạn đại quân Trung Quốc từng bị bộ tộc ngoại bang đánh đại bại, bắt sống vua ra sao?
Dưới triều đại nhà Minh, Trung Quốc nổi tiếng thế giới vì có lực lượng hải quân quy mô lớn, được xem là mạnh mẽ nhất thời bấy giờ. Nhà Minh tự xưng thiên triều, ép các nước nhỏ phải thần phục, nhận làm chư hầu. Tuy nhiên, từng có thời điểm, 50 vạn đại quân Minh bị một bộ lạc phương Bắc đánh cho thảm bại, thậm chí hoàng đế còn bị bắt sống làm tù binh.
Nhà Nguyên bị diệt song quân lực Mông Cổ vẫn còn hùng mạnh (ảnh minh họa)
Có lãnh thổ rộng lớn, tiềm lực quân sự đáng nể nhưng do quá tự tin vào sức mạnh, hoặc do nội bộ bất hòa, tự làm suy yếu mình, không ít lần các triều đại phong kiến Trung Quốc phải nếm “trái đắng” trong chiến tranh với ngoại bang. Loạt bài sau điểm lại một số thất bại lớn nhất của Trung Quốc dưới thời phong kiến trước ngoại bang và các thế lực xâm lược. |
Năm 1368, Chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên do người Mông Cổ cai trị, lập ra nhà Minh. Mặc dù người Mông Cổ bị đánh đuổi về lại thảo nguyên phương Bắc nhưng sức mạnh của những kỵ binh thiện chiến vẫn không thể coi thường.
Theo Sohu, thời Minh Thành Tổ (1359 – 1424), nhà Minh liên tiếp mở 5 chiến dịch và đã từng đánh rất sâu vào đất Mông Cổ khiến các bộ tộc du mục nơi đây tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, người Mông Cổ chưa bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh của triều đại tự xưng thiên triều.
Đến đời Minh Anh Tông (1427 – 1464), nhà Minh quốc lực suy yếu, các bộ tộc người Mông Cổ lại nổi dậy gây hấn ở vùng biên cương, muốn tiến vào Trung Nguyên, tiếp tục cai trị Trung Quốc một lần nữa.
Nổi bật nhất trong các bộc tộc Mông Cổ lúc bấy giờ là tộc Ngõa Lạt do thủ lĩnh Dã Tiên chỉ huy.
Sợ hãi trước thế lực Ngõa Lạt, Minh Anh Tông cho dừng các chuyến tuần dương thám hiểm được thực hiện từ thời Chu Nguyên Chương để dồn tiền phát triển lực lượng bộ binh.
Từ năm 1442 – 1445, Dã Tiên lãnh đạo Ngõa Lạt đánh chiếm nhiều đất đai khu vực biên giới Minh triều. Để vỗ về Dã Tiên, Minh Anh Tông phải phá lệ, cho phép các đoàn sứ bộ của Ngõa Lạt được mang theo hàng nghìn người ngựa mỗi lần tới Bắc Kinh.
Minh Anh Tông – hoàng đế nhà Minh bị bắt làm tù binh (ảnh minh họa)
Minh sử chép, năm 1449, Dã Tiên dẫn đoàn sứ bộ hơn 2.500 người vào Bắc Kinh nhưng nói phao lên là hơn 3.500 người để đòi nhà Minh thưởng thêm. Hoạn quan Vương Chấn – sủng thần của Minh Anh Tông – kiểm tra sổ sứ bộ, thấy số người không đúng thực tế lại thêm ngựa cống nạp của Ngõa Lạt nhỏ gầy, bèn trách mắng và giảm ban thưởng.
Dã Tiên lấy cớ nhà Minh làm nhục đoàn sứ bộ, tức giận bỏ về nước, khởi binh xâm lược Trung Nguyên.
Mùa hè năm 1449, Dã Tiên chia quân 4 đường, tiến đánh Đại Đồng và nhanh chóng hạ được thành này cùng hơn 3 vạn quân Minh tiếp viện. Tin cấp báo bay đến Bắc Kinh, Minh Anh Tông hồn vía rụng rời.
Hoạn quan Vương Chấn không hiểu biết quân sự, cho rằng có thể dùng đại binh trấn áp Ngõa Lạt nên ra sức cổ vũ Minh Anh Tông tự xuất chinh.
Vương Chấn vốn là kẻ lưu manh sinh ra ở đất Úy Châu, biết chút chữ nghĩa nhưng đi thi nhiều lần không đỗ. Vương Chấn có lần phạm tội nặng, lẽ ra phải đày sung quân nhưng nghe tin triều đình đang tuyển thái giám nên tình nguyện bị thiến để vào cung, theo bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc.
Nhờ tài xu nịnh, ba hoa lại hầu hạ Minh Anh Tông từ thời còn là Thái tử, nên sau khi Anh Tông lên ngôi, Vương Chấn rất được trọng dụng.
Thời Chu Nguyên Chương mới lập nước, ông cực kỳ ghét chuyện bọn hoạn quan chuyên quyền, lũng loạn. Chu Nguyên Chương đã ban hành quy định cấm hoạn quan tham gia chính sự. Tuy nhiên, đến đời Minh Thành Tổ, quy định này bị bãi bỏ, theo Qulishi.
Minh Anh Tông tin dùng hoạn quan Vương Chấn, làm rối loạn triều đình (ảnh minh họa)
Minh Thành Tổ thậm chí còn lập ra Đông Xưởng – cơ quan mật vụ của nhà Minh – giao cho đám thái giám thân tín làm Đề đốc. Chính vì việc này mà cuối đời nhà Minh, thái giám Ngụy Trung Hiền tác oai tác quái, dẫn triều Minh dần đi vào con đường diệt vong.
Minh Anh Tông vì nghe lời nịnh thần Vương Chấn, tuyển đủ 50 vạn đại quân cùng 100 tướng lĩnh, quan lại, đích thân ra trận nhằm đè đẹp quân Ngõa Lạt.
Vì vội vã điều đại quân mà thiếu chuẩn bị, mới hành quân được vài ngày, lương thực tiếp tế đã không còn đủ, binh sĩ nhà Minh sinh ra rối loạn, cướp bóc đồ đạc của nhau rồi bỏ trốn rất nhiều.
Theo bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, Minh Anh Tông không có kinh nghiệm trận mạc, chỉ một mực thúc ép quân sĩ tiếp tục lên đường. Thời tiết chuyển biến thất thường, liên tục xảy ra mưa to gió lớn, chưa ra đến mặt trận mà binh sĩ đã thi nhau kêu khổ, Minh Anh Tông lại càng nổi nóng.
Quân Mông Cổ đánh nhanh, tiêu diệt gọn lực lượng tiên phong của quân Minh (ảnh minh họa)
Tới gần thành Đại Đồng, thấy quân nhà nằm chết la liệt dưới đất, quân Minh sinh ra sợ hãi, rối loạn. Trước đó, cánh quân tiên phong do Minh Anh Tông cử đi dò đường cũng bị quân Ngõa Lạt đón đánh tiêu diệt toàn bộ.
Quân Ngõa Lạt đánh thắng trận đầu, song nghe thanh thế 50 đại quân Minh thì e ngại, bèn rút lui quan sát tình hình. Vương Chấn dẫn quân cùng Minh Anh Tông, thấy binh sĩ rối loạn không thể đánh trận, vội vàng tuyên bố chiến thắng Ngõa Lạt rồi rút quân về.
Phép dùng binh thông thường, việc rút quân phải thực hiện thật nhanh gọn, giảm nguy cơ bị quân địch phát hiện, truy kích. Tuy nhiên, vốn không am hiểu quân sự, Vương Chấn muốn 50 vạn đại quân đi đường vòng qua Úy Châu rồi ở lại mấy ngày, để ông ta được dịp vẻ vang nơi quê cũ.
Đại quân sắp kéo đến Úy Châu, Vương Chấn lại hối, cho rằng 50 vạn binh sĩ đông đảo hành quân không ra hàng lối mà đi qua thì có thể xéo hỏng hết ruộng vườn quê hương.
Vương Chấn ra lệnh cho quân sĩ quay lại, đi theo đường cũ. Vì hành quân mất thời gian như vậy nên Ngõa Lạt nắm được tình hình và cho quân truy kích.
Minh Anh Tông vừa rút chạy vừa cho tướng chặn hậu nhưng đều bị Ngõa Lạt đón đánh tiêu diệt.
Quân Minh rút lui chậm chạp, dù biết bị truy kích phía sau (ảnh minh họa)
Quân Minh vừa đánh vừa lui cho tới Thổ Mộc Bảo, gần thành Hoài Lai (thuộc địa phận tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay) thì đóng quân lại nghỉ ngơi. Các tướng dưới quyền đều kiến nghị nên rút hẳn vào Hoài Lai cố thủ cho an toàn, nhưng Vương Chấn thấy hơn 1.000 xe chở theo tài sản, đồ đạc của ông ta vì thồ nặng nên chưa tới kịp, bắt toàn quân phải hạ trại ở Thổ Mộc Bảo để chờ.
Chữ “bảo” trong tiếng Trung có nghĩa là “pháo đài”, nhưng Thổ Mộc Bảo lại là nơi trống trải, không có tường rào gì, theo Qulishi.
Quân Minh phải chọn chỗ cao đóng trại nhưng lại không tìm ra nguồn nước. Người ngựa chạy suốt mấy ngày ròng rã đều khát khô. Quân Minh đào sâu tới 2 trượng mà cũng không thấy giọt nước nào.
Ngõa Lạt đoán trước quân Minh không có nước, bèn xua quân tới chặn đường tiếp nước ở con sông gần Thổ Mộc Bảo. Quân Minh liều chết đánh suốt đêm nhưng vì người ngựa mỏi mệt nên không thể phá được vòng vây.
Đang trong tình thế bi đát, Dã Tiên lại cử người đến nghị hòa, Minh Anh Tông tưởng thực bèn lập tức đồng ý. Vương Chấn cho rằng Ngõa Lạt đã rút nên ra lệnh cho quân sĩ chạy ngay ra sông tìm nước uống.
Thừa cơ quân Minh tranh nhau uống nước, quân Ngõa Lạt mai phục ùa ra chém giết không biết bao nhiêu mà kể. Hàng vạn binh sĩ nhà Minh tử trận, thây nằm ngổn ngang, máu chảy nhuộm đỏ cả sông.
Vốn Dã Tiên biết quân Minh đông đảo, nếu bị dồn vào thế cùng mà liều chết đánh ra thì Ngõa Lạt có thể thiệt hại nặng. Vì vậy, Dã Tiên giả vờ rút quân nhưng thực ra là lẩn trốn mai phục. Khi quân Minh mất cảnh giác và ý chí chiến đấu, Ngõa Lạt ùa ra chém giết, đánh mãi đến sát trại chỉ huy của Minh Anh Tông.
Thượng thư bộ Binh Khoáng Dã, Thượng Thư bộ Hộ Vương Tá cùng nhiều quan lại cao cấp khác của nhà Minh đều tử trận trong đám loạn quân. Riêng gian thần Vương Chấn thì bị tướng dưới quyền nổi giận, kể tội rồi đánh chết.
Đại chiến Thổ Mộc Bảo – 50 vạn quân Minh đại bại (ảnh minh họa)
Minh Anh Tông biết không còn đường lui bèn xuống ngựa, ngồi dưới đất đợi chết. Đám tướng sĩ dưới quyền có lòng trung thành chạy đến phò tá đều bị quân Ngõa Lạt giết hại. Trong số này có cả Trương Phụ – viên tướng nhà Minh khét tiếng tàn bạo, dã man – từng cầm quân sang xâm lược Việt Nam dưới thời nhà Hồ.
Theo Sohu, Minh Anh Tông sau đó bị Ngõa Lạt bắt làm tù binh suốt 1 năm ròng. Nhà Minh sau trận chiến này thế lực giảm mạnh, đánh dấu bước chuyển từ thời hưng thịnh sang suy vong. Sử Trung Quốc gọi sự kiện này là “Thổ Mộc chi biến”, vô cùng nổi tiếng. Đây cũng được xem là một trong những thất bại nhục nhã nhất lịch sử phong kiến Trung Hoa, theo Sohu.
Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Trung Quốc, Dã Tiên huy động quân số 20 vạn. Tuy nhiên, trong trận Thổ Mộc Bảo, vì muốn truy kích nhanh gọn, Ngõa Lạt chỉ có chưa đầy 1 vạn kỵ binh.
Nhà Minh biết tin Minh Anh Tông bị bắt, vội lập vua khác là Minh Đại Tông lên thay và chuẩn bị đối phó Mông Cổ xâm lược.
Dã Tiên bắt Minh Anh Tông làm con tin, triệu tập nhiều bộ lạc Mông Cổ khác đánh thẳng vào Bắc Kinh nhưng không hạ nổi thành. Dã Tiên sau đó thả Minh Anh Tông về nước. Sau này Minh Đại Tông chết vì bạo bệnh, Minh Anh Tông lại được quay lại ngôi vị.
____________
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, Quách Tĩnh nổi tiếng là nhân vật có võ nghệ cao cường, giúp nhà Tống trấn thủ thành Tương Dương, nhiều lần đánh bại quân Mông Cổ xâm lược. Tuy nhiên, trên thực tế, sự kiện này diễn ra thế nào? Mời bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau, xuất bản sáng 26.6.2020 trên mục Thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ những bộ tộc nhỏ lẻ, lạc hậu, thường xuyên bị triều Minh áp bức, động lực nào đã giúp cho những người Nữ...