5 yếu tố định đoạt giao tranh Nga – Ukraine
Việc kiểm soát được thành phố Kherson được cho là thành công đáng kể của Nga sau khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bị kéo dài hơn so với kế hoạch. Nga vẫn đang bao vây Kiev và một số thành phố chiến lược của Ukraine, diễn biến giao tranh những ngày sắp tới là rất khó dự báo nhưng vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào 5 yếu tố sau đây.
Dân Kiev (Ukraine) xếp bao cát, lập chiến hào để phòng thủ (ảnh: CNN)
1. Hiệu suất chiến đấu của quân đội Nga
Kể từ năm 1979, Nga đã không thực hiện bất cứ chiến dịch phối hợp binh chủng quy mô lớn nào. Điều này có thể khiến quân đội Nga gặp bỡ ngỡ khi tác chiến ở một quốc gia có diện tích rộng như Ukraine.
“Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi quân đội Nga dường như chưa khắc phục được những vấn đề còn tồn tại về chỉ huy và hậu cần. Có vẻ như họ đã lên kế hoạch không tốt hoặc đánh giá quá thấp Ukraine. Chiến tranh du kích trong đô thị không dễ dàng hóa giải”, Michael Clarke – cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh – nhận xét.
Theo ông Clarke, khả năng của không quân và lực lượng hạt nhân Nga là không cần bàn cãi, nhưng hiệu suất chiến đấu của bộ binh Nga bộc lộ nhiều hạn chế trong chiến dịch ở Ukraine. Nếu chiến dịch ở Ukraine kéo dài, chi phí đối với Nga sẽ trở thành gánh nặng.
“Nga sẽ rút ra bài học. Họ cần nhận ra rằng phải phối hợp các lực lượng vũ trang một cách chuyên nghiệp hơn những gì đang làm ở Ukraine. Bộ binh Nga dường như hứng nhiều tổn thất khi không quân chưa làm đủ tốt”, tướng Richard Shirreff – cựu phó chỉ huy quân đội Anh ở NATO – nhận xét.
Hôm 2.3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo 498 binh sĩ nước này thiệt mạng và gần 1.600 người khác bị thương trong chiến dịch quân sự diễn ra ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh thương vong đối với Ukraine lớn hơn nhiều.
Quân đội Ukraine ở Kiev (ảnh: CNN)
2. Sức kháng cự của quân đội Ukraine
Theo tướng Shirreff, đà tiến chậm chạp của quân đội Nga cho thấy quân đội Ukraine đã chống trả quyết liệt và sử dụng tối đa khí tài đang có. Ông Shirreff cho rằng lực lượng tình nguyện viên được vũ trang của Ukraine là không thể xem nhẹ.
“Quân đội và lực lượng tình nguyện viên Ukraine đang chiến đấu rất ấn tượng”, ông Shirreff nói.
“Việc Nga tấn công tháp truyền hình ở Kiev là một trong những cách khiến Tổng thống Ukraine Zelensky không thể cổ vũ cho lực lượng của mình”, ông Shirreff nói thêm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quân đội Ukraine sẽ bị đánh bại, vấn đề chỉ là thời gian. Các lực lượng của Ukraine đang phải dốc toàn lực trên các mặt trận, không có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi đó, Nga vẫn còn lực lượng dự bị để củng cố.
Theo ông Shirreff, Nga có thể thiết lập một chính quyền thân Moscow ở Kiev, đồng thời sáp nhập 2 tỉnh miền đông Ukraine ly khai. Nhưng nếu làm vậy, Nga có thể vấp phải sự phản đối lớn từ các phong trào ở Ukraine.
Một cây cầu ở Kiev bị phá hủy (ảnh: CNN)
3. Phản ứng của phương Tây
NATO và Mỹ gần như 100% loại trừ khả năng đưa quân đội tham gia giao tranh ở Ukraine cũng như thiết lập vùng cấm bay ở nước này. Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây vẫn đang thể hiện sự ủng hộ bằng cách “bơm” vũ khí cho Kiev.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu giao tranh thêm căng thẳng, Nga có thể sử dụng lực lượng quân sự đóng cửa biên giới giữa Ba Lan (một nước thành viên NATO) với Ukraine để ngăn vũ khí “chảy” vào Kiev. Điều này có thể khiến nguy cơ xung đột Nga – NATO gia tăng.
Biện pháp khả dĩ nhất mà phương Tây có thể chọn để đối phó Nga là các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là con dao 2 lưỡi. Khi kinh tế bị tổn thương, Nga có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung dầu, khí đốt cho châu Âu. Nếu kịch bản này xảy ra, lạm phát và giá năng lượng toàn cầu có thể tăng vọt.
“Những lệnh trừng phạt kinh tế hiện tại chưa thể lay chuyển quyết tâm của Tổng thống Nga Putin. Ông ấy và những quan chức thân cận chưa bao giờ chịu khuất phục bởi trừng phạt kinh tế”, James Sherr – chuyên gia thuộc Viện chính sách đối ngoại Estonia – nói.
4. Phản ứng từ dư luận Nga
Đây là ẩn số lớn giữa giao tranh Nga – Ukraine. Theo các chuyên gia, phương Tây không chỉ gặp khó khăn khi tìm hiểu ý kiến của người dân Nga, mà còn không biết điều đó có tác động như thế nào đến quyết định của Moscow.
“Nhiều người Nga có thể cho rằng khó khăn về kinh tế họ đang gặp phải là lỗi của phương Tây”, Stephen Fidler – chuyên gia phân tích của tờ WSJ – nhận xét.
Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế Nga cũng có thể làm sụt giảm tín nhiệm của ông Putin.
“Những khó khăn về kinh tế mới chỉ bắt đầu. Ông Putin không thể duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine suốt nhiều tuần, nhiều tháng. Thời gian thực sự là vấn đề với ông ấy”, Lawrence Freedman – giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Hoàng gia Anh – nhận xét.
Đoàn xe quân sự Nga dài hàng chục km hướng về Kiev (ảnh: Daily Mail)
5. Nỗ lực đàm phán hòa bình
Nga và Ukraine được cho là đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky và một số chuyên gia không mấy lạc quan về việc các cuộc đàm phán giữa 2 bên sẽ nhanh chóng có kết quả.
2 biến số lớn nhất trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine hiện tại là sự trung lập và lãnh thổ của Ukraine, theo WSJ.
Theo, Angela Stent – chuyên gia về các vấn đề Nga tại Đại học Georgetown, Ukraine có thể chấp nhận Crime thuộc Nga và thậm chí “làm ngơ” việc Nga sáp nhập Donbass. Tuy nhiên, chính sách trung lập là điều Ukraine khó chấp nhận, đặc biệt là sau khi đã nhận nhiều viện trợ của phương Tây.
“Tôi thấy kịch bản này rất khó xảy ra”, bà Angela Stent nói.
Theo bà Angela Stent, kịch bản Kiev dễ chấp nhận nhất là thay đổi hiến pháp và trao quyền độc lập đáng kể cho Donbass, đặc biệt là quyền phủ quyết chính sách từ Kiev.
“Tôi không nghĩ Ukraine sẽ chấp nhận từ bỏ ý định gia nhập NATO. Họ chỉ có thể đồng ý cam kết không để nước ngoài triển khai quân đội và lực lượng trên lãnh thổ”, giáo sư Freedman nhận xét.
Nguồn: [Link nguồn]
Quốc gia thuộc NATO, có biên giới giáp Ukraine, cho biết, sẵn sàng cung cấp địa điểm để Moscow - Kiev đàm phán hòa bình, nhưng không chấp nhận để bất cứ vũ khí quân sự nào...