5 sự cố đen đủi lớn xảy ra vào thứ 6 ngày 13

Sự kiện: Bí ẩn khoa học

Rơi máy bay, đắm tàu, bão đổ bộ… là những sự cố xảy ra vào đúng thứ 6 ngày 13, ngày đen đủi nhất trong năm theo quan niệm của số đông người phương Tây. Điểm chung của những vụ việc này là số người thương vong và thiệt hại vật chất lớn.

Sự trùng hợp của nhiều sự cố xảy ra vào thứ 6 ngày 13 càng khiến nhiều người lo sợ ngày này

Sự trùng hợp của nhiều sự cố xảy ra vào thứ 6 ngày 13 càng khiến nhiều người lo sợ ngày này

Thứ 6 ngày 13 là ngày mang lại nỗi ám ảnh lớn nhất với nhiều người phương Tây. Theo CNBC, Viện Kiểm soát Nỗi sợ và Căng thẳng Mỹ ước tính, quốc gia này thiệt hại khoảng 700 đến 800 triệu USD trong mỗi ngày 13 nếu nó rơi vào thứ 6 bởi mọi người lo sợ nên họ không mua sắm, du lịch và hoạt động kinh doanh trong ngày "đen đủi" này.

Đáng nói, nhiều vụ tai nạn lớn xảy ra vào ngày này càng khiến nhiều người phương Tây tin vào điềm rủi của thứ 6 ngày 13.

Đắm tàu Costa Concordia, di tản hơn 4.000 người

Xác tàu Costa Concordia sau vụ tai nạn

Xác tàu Costa Concordia sau vụ tai nạn

Một trong các tai nạn để lại hậu quả lớn là vụ đắm tàu Costa Concordia xảy ra vào tháng 1/2012 tại Ý. Con tàu bị mắc cạn, lật và chìm một phần ngoài khơi Tuscany, Ý, khiến hơn 4.000 người trên boong phải di tản và 32 người thiệt mạng, theo trang Britannica. Thuyền trưởng Francesco Schettino bị buộc tội với nhiều tội danh khác nhau.

Đáng nói, vụ đắm tàu xảy ra liên quan đến một chuỗi sự kiện được cho là báo hiệu điềm gở. Theo Sydney Morning Herald, tại lễ hạ thủy của Costa Concordia ngày 7/7/2006 ở cảng Civitavecchia, chai rượu sâm panh được đùng để đập vào vỏ tàu không bị vỡ.

Theo quan niệm của nghề đi biển, mỗi con tàu mới đóng khi hạ thủy được chúc phúc bằng cách ném một chai sâm panh vào vỏ tàu. Nếu chai rượu vỡ, vận may sẽ đến và ngược lại.

Và điềm gở thứ 2 chính là thời điểm mà tàu Costa Concordia gặp nạn, thứ 6 ngày 13/1/2012.

Máy bay chở đội bóng bầu dục Uruguay đâm vào dãy Andes và câu chuyện sinh tồn ghê rợn

Những người còn sống sót trong tai nạn hàng không trên dãy Andes

Những người còn sống sót trong tai nạn hàng không trên dãy Andes

Vào thứ 6, ngày 13/10/1972, chiếc máy bay chở câu lạc bộ bóng bầu dục Old Christians của Uruguay di chuyển tới Chile để tham gia một trận đấu đã gặp nạn. Do lỗi điều hướng, chiếc máy bay chở 45 người đâm vào dãy Andes. Máy bay gãy cánh và rơi xuống đỉnh núi đầy tuyết.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt với 27 người sống sót. Không có thiết bị bảo hộ trong thời tiết giá lạnh, thực phẩm và nước uống, những người sống sót buộc phải ăn thịt những người chết để tồn tại. Một vụ tuyết lở hồi cuối tháng 10 khiến 8 người thiệt mạng và bệnh tật cũng cướp sinh mạng của 3 người khác.

Mãi tới cuối tháng 12, đoàn cứu hộ mới tiếp cận được khu vực máy bay rơi sau khi 2 người sống sót liều mạng vượt qua địa hình hiểm trở để cầu cứu. Sau 72 ngày trong vùng đất hoang vu lạnh lẽo, 16 người sống sót được giải cứu ngày 23/12/1972.

Bão Bhola tấn công Bangladesh, ít nhất 300.000 người thiệt mạng

Thiệt hại sau cơn bão nhiệt đới Bhola đổ bộ vào Bangladesh năm 1970

Thiệt hại sau cơn bão nhiệt đới Bhola đổ bộ vào Bangladesh năm 1970

Cơn bão nhiệt đới chết chóc nhất trong lịch sử thế giới xảy ra vào tháng 11/1970 tại Bangladesh khiến ít nhất 300.000 người thiệt mạng, theo thống kê của Đại học Nghiên cứu Khí quyển.

Cơn bão Bhola với sức gió lên tới 185 km/h, tương đương với cấp độ 3 theo thang đo bão Saffir-Simpson (Mỹ). Nguy hiểm hơn khi vùng vịnh Bengal là vùng khá nông. Do ảnh hưởng của bão, nước dâng cao khiến nhiều người không có chỗ trú ẩn. Theo một bản báo cáo năm 1970 của Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, nước ngập cao tới 5 mét khiến nhiều người phải trèo lên các cây cổ thụ mới thoát chết. Không ít người bị nước cuốn trôi.

"Tỷ lệ sống sót cao nhất được tìm thấy ở nam giới tuổi từ 15 đến 49. Những người chết hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em, người ốm yếu vì họ không đủ sức bám trụ trên cây", các nhà nghiên cứu thông báo trong một bài viết trên tạp chí The Lancet 2 năm sau khi cơn bão quét qua.

Về sau, nhiều người nhận ra một sự trùng hợp đáng sợ. Bão Bhola xảy ra đúng vào thứ 6 ngày 13.

Điện Buckingham, Anh bị dội bom

Cảnh đổ nát sau khi điện Buckingham bị dội bom vào thứ 6 ngày 13

Cảnh đổ nát sau khi điện Buckingham bị dội bom vào thứ 6 ngày 13

Trong suốt Thế chiến II, phát xít Đức bắt đầu chiến dịch ném bom nhằm vào thủ đô London của Anh. Theo Trung tâm lưu trữ thành phố Westminster, điện Buckingham bị dội bom 16 lần.

Một trong những lần chịu thiệt hại nặng nề nhất xảy ra vào thứ 6 ngày 13/9/1940 khi nữ hoàng Elizabeth và vua George VI đang dùng trà. Theo Archives, 5 quả bom dội trúng cung điện, một trong số này phá hủy phần nội thất của nhà cầu nguyện hoàng gia. Ba người bị thương, một người tử vong.

Sau đó, nhiều đợt ném bom khác của quân Đức vẫn diễn ra nhưng cung điện chỉ bị thiệt hại nhẹ.

Máy bay Nga chở 174 người gặp nạn, không một ai sống sót

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo phân tích thống kê bởi Mạng lưới An toàn Hàng không (ASN), những hành khách mê tín không cần phải lo lắng về việc bay vào thứ 6 ngày 13 khi kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ các vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng vào thứ 6 ngày 13 thấp hơn mức trung bình của các ngày khác.

Tuy nhiên, một sự cố hàng không thảm khốc từng xảy ra vào "ngày đen đủi" này. Ngày 13/10/1972 (thứ 6), cùng thời điểm với vụ tai nạn máy bay chở đội bóng bầu dục Uruguay đâm vào dãy Andes, chiếc máy bay chở 164 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn bị rơi gần sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow, Nga, theo ASN.

Chiếc máy bay di chuyển từ thủ đô Paris, Pháp tới Moscow, Nga. Khi nó tiếp cận sân bay, sự cố xảy ra khiến nó lao xuống đất với vận tốc 620 km/h. Không một ai sống sót sau cú va chạm kinh hoàng.

Theo ASN, nguyên nhân khiến máy bay Nga gặp nạn vẫn chưa thể xác định. Nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó có cả lỗi động cơ và phi công mất kiểm soát bị máy bay bị sét đánh.  

Vì sao thứ 6 ngày 13 trở thành cơn ác mộng với nhiều người?

Đối với nhiều người, nhất là người phương Tây, họ quan niệm thứ 6 ngày 13 là ngày đen đủi nhất trong năm. Vậy điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Live Science ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN